Không thể phủ nhận những lợi ích mà facebook đưa lại nhưng những phiền toái và tác hại của nó thì cũng đáng kể. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là facebook đã ngốn quá nhiều thời gian của mỗi cá nhân một cách vô bổ.
Nguyên nhân này do lỗi của chính những người dùng facebook. Đa phần chúng ta bị trí tò mò thôi thúc nên đã để facebook chiếm mất một lượng thời gian quý báu không hề nhỏ.
Cùng làm trong giới văn phòng cơ quan nhà nước, tôi chứng kiến có quá nhiều người tiêu tốn thời gian vào facebook. Mỗi sáng, thay vì vào các trang báo mạng cập nhật tin tức như trước đây, việc đầu tiên đến cơ quan của nhiều người là vào facebook. Chẳng phải vào để trao đổi công việc mà vào để thỏa mãn sự tò mò với những người quanh mình.
Chị Liên làm văn phòng của cơ quan nhà nước là người thường xuyên dùng facebook. Cơ quan chị hơn 1 năm trở lại đây, phong trào dùng facebook rộ lên. Ai cũng có face kể cả các bác u50 sắp về hưu cũng dùng. Nhưng đa phần dùng để chơi chứ không dùng cho công việc. Nếu cho công việc, cần nhanh và tiện thì điện thoại là giải pháp tốt nhất.
Với chị Liên, một ngày, chị vào facebook tới 3 tiếng. Tới cơ quan vào 8h sáng hàng ngày, việc đầu tiên chị làm là ngồi máy tính và truy cập Facebook. Xem dân tình quanh mình có gì mới. Mải miết vào like, comment. Có nhiều dòng status, chị cũng chẳng đọc được hết nhưng vẫn like cho lịch sự. Loằng ngoằng cũng mất hơn tiếng đồng hồ. Nhìn lên thì đã 10 h sáng. Khi đó, chị mới quay ra giải quyết công việc của mình. Cơm trưa văn phòng xong, chị lại vào face lượn lờ tới cả tiếng nữa. Trong quá trình làm việc, máy tính luôn mở thêm cửa sổ facebook để thỉnh thoảng ghé vào giải khuây cho đỡ mỏi. Như thế bảo sao công văn, giấy tờ vẫn chất đống trong ngăn bàn. Thời gian không giành vào công việc mà chỉ tán gẫu vô bổ.
Chị Liên tâm sự: vẫn biết là vào tốn thời gian, những like hay comment cũng toàn là vô bổ nhưng giờ như bị nghiện mất rồi. Nhiều khi, up một bức ảnh nào mới lên trang của mình, cả ngày, tâm lý chỉ muốn vào xem có nhiều người like hay coment không. Thấy mọi người hồi âm, lấy đó là niềm vui âm ỉ cả ngày. Vậy nên, ngày nào cũng like và comment các bạn thì tới khi mình có up gì mới lên, mọi người cũng vào hồi đáp như một sự trả lễ lịch sự.
Đừng nghĩ facebook là cuốn nhật ký riêng tư của bạn. Ảnh: minh họa
Đừng nghĩ facebook là cuốn nhật ký riêng tư chứa chất được tất cả những tâm sự bực tức hay phẫn nộ. Coi chừng bạn sẽ bị vạ miệng và phiền phức không nhỏ. khi bạn viết ra một điều gì đó trên facebook, sẽ có nhiều người được tiếp nhận và sức lan truyền của nó ghê gớm lắm.
Câu chuyện xẩy ra với một chàng trai trẻ mới đi làm tôi từng biết. Một ngày vì có chút bức xúc trong phân công công việc, anh chàng đồng nghiệp trẻ tuổi bồng bột đã đăng dòng statuts ngắn ngủi thế này: “Chán nản vì hành xử không công bằng”.
Anh chàng này đâu ngờ, dòng status đầy tâm trạng đã lan truyền nhanh chóng trên các trang cá nhân của mọi người trong cơ quan. Cả cơ quan xì xầm bàn tán. Rồi tới mức sếp cho gọi anh chàng này lên gặp riêng. Và sau đó, câu chuyện còn dài nữa với anh chàng này…Từ sau vụ việc đó, cơ quan chàng trai này rút kinh nghiệm, chẳng ai dại gì bộc lộ cảm xúc như cậu trên facebook. Bài học đắt giá cho chàng trai và cho nhiều người.
Còn nhiều những câu chuyện cười ra nước mắt. Một cô bạn tôi, ở chung cùng mẹ chồng. Đợt đó do nảy sinh những xích mích trong gia đình, quá bức xúc, nàng dâu viết lên facebook một dòng status: “bao giờ mới có được khoảng trời bình yên? Không muốn sống khi luôn bị áp đặt”. Bâng quơ thế thôi mà không hiểu có tình báo từ nguồn nào mà mẹ chồng cô lại biết sau đó ít ngày.
Và kết quả là một thôi một hồi những lời giải thích nhưng vẫn không thỏa đáng. Từ đó, quan hệ mẹ con ngày càng xấu đi. Nghĩ mà cũng buồn cười, thời xưa, con dâu nói xấu mẹ chồng vì đi “ngồi lê” nhưng thời nay, con dâu nói xấu mẹ chồng trên facebook. Tưởng mẹ chồng chẳng hề liên quan gì tới facebook, ai ngờ tai họa vẫn ập xuống đầu.
Một trường hợp khác than phiền nhiều về facebook chính là các thầy cô giáo. Tôi đã từng nghe được những lời phàn nàn của một cô giáo cấp 3 tại Hà Nội. Cô cho biết, lớp cô tất cả các em học sinh đều có facebook. Chuyện đó cũng bình thường nhưng vấn đề đáng ngại ở đây là có quá nhiều em vào facebook trong giờ học.
Lạm dụng dùng facebook thái quá như một căn bệnh. Ảnh: minh họa
Theo cô giáo, vài năm trước, khi facebook chưa nhiều, trong 1 lớp cô giạy thì chỉ có một vài em cảm mến nhau nhưng nay thì sự quen biết của các em không chỉ bó hẹp trong lớp mà lan rộng ra toàn khối, toàn trường rồi các trường khác bởi có facebook. Yêu đương, chát chít, like, comment khiến cho các em chểnh mảng chuyện học tập. Không ít các em văng bậy hoặc nói xấu nhau, nói xấu thầy cô trên facebook. Thậm chí, để tránh bị phát hiện, có những em còn lập nhóm kín trao đổi.
Lý do dẫn tới tình trạng dung facebook trong giờ học là do các em được bố mẹ trang bị cho điện thoại hiện đại, nhiều chức năng. Theo cô giáo. hầu hết, 100% các em học sinh cấp III hiện nay đều được bố mẹ trang bị một chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Đến nửa số đó dùng điện thoại đẹp, hiện đại có nhiều chức năng.
Tuy nhiên, khi cô giáo đặt ra giải pháp, yêu cầu phụ huynh không cho các em dùng điện thoại hiện đại có nhiều chức năng để ngăn chặn tình trạng vào facebook trong giờ thì có những vị ngần ngừ hoặc phản đối. Theo các vị phụ huynh này, họ cho con dùng điện thoại là để quản lý con, điện thoại hiện đại mới có chức năng định vị còn các điện thoại thông thường khác không có chức năng này nên khó quản lý con.
Bởi thế đã có câu truyện trường PTTH Lương Thế Vinh Hà Nội đã đề ra nội quy dùng facebook cho học sinh trong trường để ngăn chặn tình trạng cư xử thiếu văn hóa, không tôn trọng thầy cô trên facebook.
Kinh nghiệm rút ra khi dùng facebook
Để tránh những tai nạn đáng kể, một số người đã rỉ tai nhau rút ra những kinh nghiệm sau khi dùng facebook. Bạn thử tham khảo xem:
Hãy biết phân bổ thời gian của mình. Đừng quá sa đà để facebook ngốn hết thời gian quý báu của bạn.
Chỉ vào facebook khi thực sự rảnh rỗi hoặc cần tìm thông tin nào đó. Nếu không, bạn sẽ rất dễ bị lôi cuốn bởi những câu chuyện hoặc lời nhắn, chát của bạn bè. Và kết quả là thoáng cái, bạn phát hiện ra, mình đã đắm chìm trong face tới nửa tiếng là chuyện bình thường.
Thận trọng khi đưa ra những hình ảnh hoặc phát ngôn trên facebook. Vì đôi khi, chính những điều đó sẽ làm hại bạn.
Đừng nhấn nút kết bạn một cách ào ào trên facebook bởi có nhiều người bạn chưa từng biết họ. Họ có thể là mối đe dọa nguy hiểm cho bạn.
Facebook cũng như một xã hội vậy. Dùng facebook cũng phải khéo léo như khi quan hệ bên ngoài xã hội. Và điều quan trọng, đừng để phí hoài quá nhiều thời gian vào facebook để chuốc lấy những họa không đâu.
Thanh Loan