Những hóa thạch kỳ lạ được phát hiện ở sa mạc Sahara

31-07-2019 13:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Các sa mạc thường được mô tả như những vùng đất bỏ hoang nơi không sinh vật nào tồn tại được. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt hoang vu của chúng lại có rất nhiều điều để khám phá. Các nhà khảo cổ học đã đào bới hóa thạch ở các sa mạc trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là sa mạc Sahara, sa mạc nóng lớn nhất thế giới.

Nằm rải rác trên khắp trái đất, hóa thạch là dấu vết của các sinh vật từ những thời đại địa chất trong quá khứ đã bị chôn vùi và được bảo tồn trong lớp vỏ Trái đất. Mặc dù phạm vi phân bố rộng của các hóa thạch, sa mạc Sahara là nơi chứa nhiều những hóa thạch lâu đời nhất, lớn nhất và bí ẩn nhất từng được tìm thấy. Những dấu tích cổ xưa này mang đến cái nhìn sâu sắc về lịch sử của hành tinh chúng ta và về nhiều sinh vật, bao gồm cả con người.

Cá sấu khổng lồ

Vào năm 2014, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra bộ xương của một trong những con cá sấu lớn nhất từng được tìm thấy. Được đặt tên là Machimosaurus rex, con quái vật thời tiền sử này có kích thước lớn gấp đôi bất kỳ con cá sấu nào được thấy ngày nay. Nó nặng ít nhất 2.993 kg và dài khoảng 9,8 m. Hóa thạch bị chôn vùi ở Tunisia trên rìa sa mạc Sahara.

Machimosaurus rex có khả năng là loài động vật săn mồi hàng đầu ở nơi từng là vùng biển chia cách Châu Phi với Châu Âu khoảng 130 triệu năm trước. “Hộp sọ của nó to bằng cả người tôi”, Federico Fanti từ Đại học Bologna, một thành viên của nhóm thực hiện khám phá này mô tả. “Chỉ riêng hộp sọ của nó đã dài hơn mét rưỡi. Nó là một con cá sấu khổng lồ. Nó to và khỏe đến mức hoàn toàn đứng đầu chuỗi thức ăn.”

Sinh vật bí ẩn 480 triệu năm tuổi

Một sinh vật bí ẩn sống cách đây hàng trăm triệu năm đã làm dấy lên tranh cãi gay gắt trong giới khoa học suốt 150 năm kể từ khi phát hiện vào những năm 1850. Bí ẩn cuối cùng đã được làm sáng tỏ vào đầu năm 2019 khi các hóa thạch mới cực kỳ chi tiết được phát hiện ở Morocco cho phép các nhà cổ sinh vật học xác định sinh vật kỳ quái này.

Những hóa thạch kỳ lạ được phát hiện ở sa mạc Sahara

Những dạng sống này, được gọi là stylophorans, trông giống như hình vẽ trang trí trên tường với một cánh tay dài xòe ra hai bên. Trước đây, các nhà khoa học thậm chí không chắc chắn liệu chúng có phù hợp với cây phả hệ của động vật hay không. Tuy nhiên, nghiên cứu mới tiết lộ rằng các sinh vật này là họ hàng cổ xưa của những loài động vật như sao biển, hoa loa kèn biển, nhím biển, sao lông và hải sâm.

Mặc dù những hóa thạch khó tin này đã được khai quật ở rìa sa mạc Sahara năm 2014, các nhà nghiên cứu đã không nhận ra rằng một số trong số 450 mẫu vật được khai quật bao gồm các mô mềm được bảo quản. Phát hiện này đã kết thúc cuộc tranh cãi suốt 150 năm về vị trí của những hóa thạch trông kỳ quái này trong cây phả hệ sự sống.

Loài pterosaur mới và Sauropod chưa biết

Việc phát hiện ra một loài khủng long mới là một điều hiếm khi xảy ra, nhưng phát hiện ra tận hai loài mới trong một chuyến thám hiểm là giấc mơ của bất kỳ nhà cổ sinh vật học nào. Một nhóm các nhà cổ sinh vật học đã biến giấc mơ đó thành hiện thực vào năm 2008 khi họ khai quật được một loài pterosaur mới và một loài khủng long saurepad chưa được biết đến trước đó ở sa mạc Sahara.

Những hóa thạch kỳ lạ được phát hiện ở sa mạc Sahara

Pterosaur được xác định danh tính bởi một mảnh lớn từ mỏ loài bò sát bay, trong khi sauropod có đại diện là một chiếc xương dài hơn 0,9 mét. Nó chỉ ra một động vật ăn cỏ, dài gần 20 mét. Gã khổng lồ tuyệt chủng này đã sống gần 100 triệu năm trước.

Hóa thạch Pterosaur đặc biệt hiếm gặp vì xương của chúng nhẹ và mỏng manh, được tối ưu hóa để bay lượn, hiếm khi được tìm thấy trong trạng thái được bảo quản tốt. Nizar Ibrahim, khi đó là một sinh viên tốt nghiệp Đại học Dublin, người dẫn đầu cuộc thám hiểm, tuyên bố: “Hầu hết các phát hiện về Pterosaur chỉ là những mảnh vỡ của răng và xương, vì vậy thật tuyệt vời khi tìm thấy phần lớn của một cái mỏ, và điều này là đủ để nói lên rằng chúng ta có một loài mới”.

Hóa thạch lâu đời nhất của Homo sapiens

Những người thợ mỏ ở Morroco  đã đào được một vài mảnh xương sọ tại một địa điểm tên là Jebel Irhoud vào năm 1961. Một số xương khác đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật sau đó cùng với lưỡi dao làm từ đá lửa và than đá, cho thấy việc sử dụng lửa. Các nhà nghiên cứu ước tính những mảnh xương có niên đại 40.000 năm cho đến khi một nhà cổ sinh vật học tên là Jean-Jacques Hublin kiểm tra một xương hàm vào những năm 1980.

Trong khi những chiếc răng rất giống với người ngày nay, thì hình dạng xương hàm lại có vẻ nguyên thủy.

Thông qua một phương pháp gọi là phát quang nhiệt, các nhà nghiên cứu phát hiện ra xương này cách đây khoảng 300.000  năm, thuộc về người Homo sapiens.

Tuy nhiên, tuyên bố của các nhà nghiên cứu đã gây tranh cãi. Các nhà nhân chủng học vẫn đang tranh luận về những đặc điểm vật lý chính xác phân biệt người hiện đại với tổ tiên của chúng ta. Những mảnh xương lâu đời nhất từng được biết đến và được công nhận rộng rãi là Homo sapiens có niên đại khoảng 200.000 năm tuổi. Phát hiện mới này đã đẩy ngày xuất hiện của loài người chúng ta lùi lại 100.000 năm nữa.


Cẩm Tú
Ý kiến của bạn