Đó là những người thành danh nhất trong sự nghiệp ca hát của mình vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đặc biệt từ khi quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và thời gian hậu chiến. Tất cả họ không chỉ là những “hổ phụ” rất đáng kính, mà còn sinh ra nhiều “hổ tử” nối nghiệp cha khá thành đạt.
Vào thời kỳ miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu chống phá hoại của Mỹ, NSND Quý Dương nổi lên như một ngôi sao sáng trong dòng âm nhạc cách mạng với những ca khúc rất thành công như: Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Tình em của nhạc sĩ Huy Du, Bài ca bên cánh võng của nhạc sĩ Nguyên Nhung,...
Vào những năm cuối thế kỷ XX, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu và NSND Trung Kiên tham gia nhóm tam ca 3A (3 anh) mà sau này các ông thường gọi đùa là tam ca 3C (3 cụ). Ngoài công việc chính là giảng dạy, các ông chuyên hát những ca khúc cách mạng và các ca khúc trữ tình châu Âu.
Các NSND Trần Hiếu, Trung Kiên và Quý Dương (từ trái qua) trong đêm diễn ngày 8/3/1999 . Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
NSND Quý Dương có 4 người con đều theo nghiệp bố, nhưng người được công chúng biết đến nhiều nhất là con trai thứ hai Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Chí Trung, một cây hài khá có duyên, đặc biệt trong vai Táo Giao thông của chương trình “Gặp nhau cuối năm”. Người con gái thứ ba là Phạm Quỳnh Trang, thạc sĩ piano, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam,...
NSND Trung Kiên là bố của nhạc sĩ Quốc Trung. Ông sở hữu một giọng nam cao nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng với các bài hát như: Chào sông Mã anh hùng, Đất nước trọn niềm vui, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Hà Tây quê lụa,...
Trước khi đảm nhiệm các chức vụ quản lý, ông là giảng viên thanh nhạc của Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia, đã có công đào tạo nhiều lớp sinh viên, sau này trở thành những ca sĩ nổi tiếng trong làng showbiz Việt những thập niên 60-80 của thế kỷ trước. Nhiều học trò của ông cũng là NSND như: Lê Dung, Quang Thọ, Trung Đức, Thu Hiền, Doãn Tần,...
NSND Trung Kiên là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên của Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia, là lớp ca sĩ trụ cột và thành danh nhất của dòng nhạc cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như thời kỳ sau giải phóng miền Nam từ 1975 trở đi.
Dù đã đến tuổi nghỉ dưỡng, nhưng NSND Trung Kiên vẫn say mê công việc đào tạo âm nhạc. Đối với ông, đấy là công việc lúc nào cũng cần phải làm. Hiện ông đang hướng dẫn nhiều luận án ở cả Nhạc viện Hà Nội lẫn Nhạc viện TP.HCM. Ngành đào tạo thanh nhạc cả nước hiện chỉ có 3 người có học hàm Phó giáo sư, ông là người duy nhất được phép hướng dẫn luận án thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành thanh nhạc.
Nhạc sĩ Quốc Trung được thừa hưởng tài năng âm nhạc của cha, chính vì lẽ này, anh khá tự tin để đứng vững trên con đường âm nhạc của mình. Nhạc sĩ Quốc Trung với tư cách là nhà sản xuất âm nhạc, anh đã giúp ca sĩ trẻ Uyên Linh, Quán quân Việt Nam Idol 2010 - 2011 ra mắt album đầu tay của mình.
Tiếp đến là cha đẻ của nữ diva Thu Hà và anh trai của nhạc sĩ Trần Tiến - NSND Trần Hiếu. Năm 11 tuổi ông bắt đầu theo nghiệp hát. Đến năm 1954, ông tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), rồi sau đó về làm ca sĩ đơn ca tại Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương. Trong quãng thời gian từ năm 1986 - 1991, ông sang học tại Nhạc viện Sofia ở Bulgaria.
NSND Trần Hiếu sở hữu một giọng nam trầm hiếm hoi ở Việt Nam. Ông thể hiện nhiều ca khúc trữ tình, cách mạng vừa hài hước, vừa duyên dáng và sâu lắng. Ông thể hiện thành công những ca khúc khó. Những ca khúc gắn liền với tên tuổi của ông như: Con voi của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân, Lãnh tụ ca của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước,... Ông cũng đóng vai chính trong nhiều vở nhạc kịch của Việt Nam và nước ngoài như: Người tạc tượng, Epghenhi Onhegin, Ruồi trâu, Madame Butterfly,... Ông đã đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới.
NSND Trần Hiếu luôn dành cho con gái yêu của mình, Trần Thu Hà, một tình cảm nồng hậu và có phần cảm phục. Chính ông cũng không ngờ rằng con gái mình lại trở thành một trong 4 diva hiện nay của nhạc Việt. Đáp lại, con gái Thu Hà lần đầu tiên khiến cha mình phải bật khóc sau hậu trường trong đêm diễn Nhật thực. Sau khi nghe con gái hát xong, ông lẳng lặng ra góc khuất phía hành lang đứng một mình khóc rất “ngon lành” vì xúc động với những gì mà cô con gái yêu của ông đã làm được. Quả thực, thời gian đầu mới bước lên sân khấu, Thu Hà bị nhiều người nhầm lẫn với phong cách của một ai đó vì mái tóc cắt ngắn. Tuy nhiên càng về sau, con gái bố Hiếu đã chinh phục được khá nhiều cái tai nghe nhạc khó tính bởi một kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, nhưng vẫn tràn đầy cảm xúc nội tâm, nhất là khi cô hát những bài do chú mình, nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác.
Lần về nước cách đây chưa lâu, Thu Hà tham gia 3 đêm nhạc trong Không gian âm nhạc tại Hà Nội. Nhưng có lẽ chị muốn đem đến cho khán giả một sự bất ngờ thú vị khác khi cho ra mắt tập thơ Thập kỷ yêu với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cũng như những suy nghĩ của chị về tuổi thơ và quá trình hoạt động nghệ thuật của mình.
Như vậy 3 “hổ phụ” này, ngoài sự thành đạt cá nhân, đều là NSND, còn có các “hổ tử” thành đạt trong làng âm nhạc. Có lẽ trong làng âm nhạc Việt sẽ còn rất lâu nữa mới lại có những “hổ phụ” đáng kính như thế.
Viên An