Hà Nội

Những hình ảnh lên án sự kì thị người khuyết tật

18-04-2014 10:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS- Hãy cản nhận nỗi đau trong cuộc sống của người khuyết tật thay vì đánh giá, phân biệt và làm tổn thương họ là chủ đề chung của các poster này

Người khuyết tật được hiểu là những người bị khiếm khuyết về thể chất, nhận thức, các giác quan… bẩm sinh hoặc do gặp phải các tai nạn trong cuộc sống gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và lao động hàng ngày.

Hiện nay, không ít người khuyết tật đang phải sống trong sự phân biệt của những người xung quanh. Hãy cùng cảm nhận phần nào cuộc sống của họ qua những bức poster dưới đây…

Trên thế giới có 15% dân số bị mắc một hoặc nhiều chứng khuyết tật, tương đương với khoảng 1 tỷ người. Theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP, hơn 80% những người khuyết tật này sống ở các nước đang phát triển, trong đó chủ yếu là nữ giới.

Thay vì nhận được sự cảm thông, giúp đỡ từ xã hội, rất nhiều người khuyết tật đang hàng ngày, hàng giờ sống trong nghèo đói, xa lánh và sự kì thị của xã hội.


Có một sự thật đáng buồn là phần lớn người khuyết tật trên thế giới sống trong sự mặc cảm và những rào cản. Bức poster mô tả khung cảnh một thành phố vắng vẻ ở Thổ Nhĩ Kỳ giống như hình ảnh hiện lên trước mắt một người khuyết tật.

Tại đây, 8,5 triệu người khuyết tật hàng ngày đi làm, tới trường khi trước mắt họ là khó khăn, rào cản và sự xa lánh của cộng đồng. Đối với họ, ngay cả việc qua đường khi đèn xanh cũng là một thử thách to lớn.


Người khuyết tật có mối liên hệ mật thiết với sự đói nghèo. Theo số liệu của World Bank, 20% những người nghèo nhất Trái đất là người khuyết tật. Chính bởi những người khuyết tật mất khả năng hoặc bị hạn chế sự vận động mà họ trở nên lạc lõng trong xã hội.

Không những không được giúp đỡ, cơ hội tìm việc làm để tự nuôi bản thân của họ cũng thấp hơn so với người thường ít nhất 10 lần. Bức poster trên đây đã thể hiện rõ sự thật tàn nhẫn trên qua thông điệp: “Với bạn, đó là con đường dễ dàng, nhưng với anh ấy, nó là con đường duy nhất”.


“Đừng để sự thuận tiện của bạn trên con đường cô ấy” chính là tên thông điệp mà bức poster trên đây gửi tới người xem. Ít ai để ý rằng, phụ nữ nói chung và phụ nữ khuyết tật chính là nạn nhân “đáng thương” nhất trên thế giới.

Tại Orissa (Ấn Độ), một khảo sát năm 2004 đã phanh phui một thông tin đáng buồn: hầu như tất cả các phụ nữ và trẻ em gái tàn tật ở đây đều bị đánh đập, trong đó 25% khiếm khuyết về trí tuệ đã từng bị hãm hiếp.


Không chỉ phụ nữ mà trẻ em khuyết tật cũng trở thành nạn nhân của sự ghẻ lạnh, kì thị. Thống kê của UNICEF cho thấy, có tới 1/3 trẻ em đường phố mang trong mình một khuyết tật trong người.

Ngay cả ở những nước mà số lượng trẻ em dưới 5 tuổi chết rất thấp thì tỉ lệ tử vong của trẻ khuyết tật lang thang cũng cao tới hơn 80%. Trong khi đó, nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ, các em hoàn toàn có thể phát triển và thành công trong cuộc sống như những trẻ em khác.


 

“Thể thao dành cho tất cả” chính là thông điệp mà bức poster này gửi tới người đọc. Tuy nhiên, cứ 5 người khuyết tật thì 4 người không hề ưa thích vận động. Thay vào đó, họ sống trong sự mặc cảm và kì thị của thế giới xung quanh.


Albert Einstein, Beethoven hay Thomas Alva Edison đều từng là những người khuyết tật. Vượt lên trên tất cả, họ trở thành thiên tài mà cả thế giới phải thán phục, kính nể.

Nói cách khác, người khuyết tật hoàn toàn có đủ khả năng để hòa nhập với cuộc sống bình thường. Họ cũng có ước mơ, có hoài bão, có thể chơi thể thao và sẵn sàng điều đó, chỉ khác chúng ta ở cách thức mà thôi.


Quả là không quá khó khi tìm minh chứng cho thực trạng này. Những nắp cống hở như trong poster trên chẳng khác nào chiếc bẫy tử thần trên đường phố đối với người khuyết tật, nhất là những người mù. Liệu bạn đã từng bao giờ quan tâm tới điều đó khi bắt gặp hình ảnh này trên đường?


Hay những con đường gồ ghề được lát những gạch viên không bằng phẳng. Bạn có thấy “đau” không nếu một người khuyết tật vấp ngã trên đường?


Tại những địa điểm công cộng, những toilet "sang trọng dành cho người bình thường" như thế này lại trở thành nỗi ác mộng đối với người khuyết tật.

Tạm kết:

Những người khuyết tật là những người không may mắn như chúng ta. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta hãy luôn hỗ trợ, động viên để những người gặp hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, trong đó có người khuyết tật tự tin, hòa nhập cộng đồng.

Theo thống kê năm 2011, Việt Nam có khoảng 6,1 triệu người khuyết tật trên toàn quốc.

Nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ, bảo vệ người khuyết tật , từ năm 2010, Chính phủ đã chọn ngày 18/4 hàng năm là ngày "Người khuyết tật Việt Nam".

 

 

 


Ý kiến của bạn