Những hiện vật bí ẩn bằng ngọc bích

05-01-2017 11:17 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong hơn 100.000 năm, loài người đã bị ám ảnh bởi ngọc bích. Màu sắc, độ bóng và độ bền đã biến loại đá quý này thành vật liệu lý tưởng để chế tác các công cụ, bùa chú...

Trong hơn 100.000 năm, loài người đã bị ám ảnh bởi ngọc bích. Màu sắc, độ bóng và độ bền đã biến loại đá quý này thành vật liệu lý tưởng để chế tác các công cụ, bùa chú, đồ trang sức và vật dụng cung đình. Cả người châu Âu và người châu Á cổ đều tin rằng ngọc bích có khả năng chữa bệnh, thậm chí mang đến cuộc sống ở thế giới bên kia.

Trong khi xanh lục là màu phổ biến nhất, ngọc bích có thể có bất kỳ màu gì. Năm 1863, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng từ ngọc bích (jade) dùng để chỉ hai loại đá silicat biến chất: nephrite - lý tưởng cho điêu khắc và jadeite - loại khoáng vật có thể cứng hơn thép. Người Maya và Trung Quốc chuộng ngọc jade hơn bất kỳ vật liệu nào khác - kể cả vàng.

1. Kim lâu ngọc y - Bộ y phục tùy táng bằng ngọc bích

Năm 1968, các nhà khảo cổ phát hiện ra bộ y phục bằng ngọc bích chôn trong lăng mộ của Hoàng tử Lưu Chính và Hoàng tử phi, Công chúa Duo Wan. Những bộ áo bằng ngọc che từ đầu đến chân được kết bằng hơn 2.000 miếng ngọc bích. Bộ của Hoàng tử được khâu bằng chỉ vàng, của Công chúa được khâu bằng chỉ bạc. Tương truyền những bộ áo ngọc này đã có từ thế kỷ IV. Tuy nhiên, chưa có ai xác nhận điều này cho đến khi ngôi mộ đã được khai quật. Cho đến nay, chỉ có 15 bộ ngọc y được phát hiện.

Những hiện vật bí ẩn bằng ngọc bích 5

Các chuyên gia tin rằng một thợ thủ công bậc thầy chuyên chế tác ngọc bích phải mất cả chục năm để tạo ra một bộ y phục như vậy. Năm 223, Ngụy Văn đế đã ra lệnh cấm sản xuất y phục bằng ngọc bích. Ông lo sợ rằng chúng sẽ là miếng mồi không thể cưỡng lại đối với bọn trộm cướp.

Người Trung Hoa cổ đại tin ngọc bích có sức mạnh phi thường để ngăn xác chết không bị hủy hoại và bảo vệ chống lại những vong hồn độc ác. Hoàng tử và công chúa có thể đã đạt được mục đích bất tử của mình. Ngọc bích có những lỗ rỗng và có lẽ vẫn chứa vật liệu di truyền của họ, thấm vào đó trong suốt hơn hai ngàn năm.

2. Thần Mặt trời răng nhọn của người Maya

Trong khu rừng rậm ở miền Bắc Guatemala, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra chiếc mặt nạ bí ẩn bằng ngọc bích tại di chỉ Rio Azul của người Maya. Chiếc mặt nạ biểu tượng cho Kinich Ahau - thần Mặt trời. Vị thần được mô tả với một chiếc răng cá mập lớn, giúp hiểu thêm phần nào về tâm linh, “ông Kẹ” và cách săn bắn của người Maya. Răng cá mập rất hay được tìm thấy tại những di chỉ khảo cổ của người Maya. Chúng được sử dụng cho nhiều chức năng thường ngày như làm vũ khí, đồ trang sức và dụng cụ trích máu.

Những hiện vật bí ẩn bằng ngọc bích 3

Thổ dân Maya sống ven biển nổi tiếng về nghề săn cá mập. Có lẽ họ đã lan truyền những hiểu biết về loài “quái vật biển” này và răng của chúng vào sâu trong đất liền. Những câu chuyện có lẽ đã được phóng đại khi truyền từ nhà buôn này sang nhà buôn khác trên chặng đường từ bờ biển.

Cũng giống như mặt nạ của thần Mặt trời, cá mập trong nghệ thuật của người Maya thường được miêu tả với một chiếc răng lớn. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra răng loài Megalodon tại các di chỉ khảo cổ của người Maya. Có thể những dấu tích còn lại của những kẻ săn mồi khổng lồ thời tiền sử đã tạo nên sự tôn kính của người Maya dành cho cá mập.

3. Những chiếc đĩa tùy táng bằng ngọc bích

Từ 5000 năm trước CN, những chiếc đĩa lớn bằng ngọc bích đã được đặt lên thi hài của giới quý tộc Trung Hoa. Chức năng của chúng vẫn còn là một bí ẩn. Còn được gọi là đĩa bi, những món đồ chạm khắc bằng ngọc nephrite này xuất hiện đầu tiên trong giai đoạn hậu kỳ đồ đá mới.

Những hiện vật bí ẩn bằng ngọc bích 4

Những chiếc đĩa ngọc thường được đặt trên ngực hoặc bụng của người chết. Nhiều chiếc chứa những ký hiệu liên quan đến bầu trời. Gần như tất cả các ngôi mộ có địa vị cao của văn hóa Hồng Sơn (3800 - 2700 trước CN) và văn hóa Lương Chử (3000 - 2000 trước CN) đều có đĩa ngọc.

Do thiếu công cụ kim loại, các miếng ngọc được chạm khắc tỉ mỉ bằng cách mài và đánh bóng. Những nỗ lực dành cho việc tạo ra chúng và vị trí của chúng trong ngôi mộ cho thấy ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Một số người cho rằng chúng được kết nối với những vị thần cụ thể. Những người khác tin rằng chúng đại diện cho bánh xe hoặc Mặt trời, tượng trưng cho sự luân hồi. Những đĩa ngọc này ra đời trước khi có chữ viết và chức năng của chúng có lẽ sẽ không bao giờ được hiểu thấu đáo.

4. Ngọc tỉ truyền quốc

Ngọc tỉ truyền quốc là một trong những hiện vật bí ẩn nhất của Trung Quốc. Theo truyền thuyết, chiếc ấn bằng ngọc bích được khắc vào năm 221 trước CN cho Tần Thủy Hoàng. Trong năm 221 sau CN, vị hoàng đế này đã thống nhất 6 nước Chiến quốc dưới triều đại nhà Tần.

Những hiện vật bí ẩn bằng ngọc bích 2

Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh khắc chiếc ấn từ khối ngọc bích tuyệt vời nhất từng được phát hiện. Chiếc ấn được truyền từ đời này sang đời khác như một biểu tượng của quyền lực hoàng gia cho đến khi nó biến mất vào khoảng năm 900 sau CN.

Chiếc ấn được khắc từ khối ngọc bích Hòa thị - khối ngọc đã khiến Biện Hòa (người tìm ra nó) bị chặt hai chân. Một số người tin rằng thực ra khối ngọc bị đánh cắp từ nước Triệu. Chiếc ấn là biểu tượng quyền lực của Thiên Đế và việc sở hữu nó đủ để được coi là “được truyền ngôi báu”.

Tại sao chiếc ngọc tỉ này biến mất vẫn còn là một bí ẩn. Một số giả thuyết cho rằng những hoàng đế đời sau đã buộc phải giấu chiếc ấn đi để giảm tầm quan trọng của ngọc tỉ truyền quốc.

5. Mặt nạn tùy táng của Lãnh chúa Pakal

Năm 1952, trong khi khai quật lăng mộ Đền Chữ khắc (Temple of the Inscriptions) ở Palenque, các nhà khảo cổ đã khai quật được chiếc mặt nạ tùy táng khảm ngọc của Đại lãnh chúa Pakal. Có niên đại từ thời kỳ Cổ điển hậu Maya khoảng năm 683 sau CN, chiếc mặt nạ được dát bằng 300 miếng ngọc bích, albit, kosmochlor và thạch anh tóc.

Những hiện vật bí ẩn bằng ngọc bích 1

Đôi mắt được làm bằng vỏ ốc xà cừ và obsidian. Một khung gỗ ban đầu để giữ các miếng ngọc liền với nhau và mặt nạ được gắn vào mặt nhà vua đã chết bằng một lớp vữa.

Vào đêm Giáng sinh năm 1984, chiếc mặt nạ Pakal đã bị đánh cắp cùng với nhiều báu vật khác từ Viện Bảo tàng Nhân chủng học quốc gia, thành phố Mexico. Một đôi sinh viên trường thú y bỏ học đã tiến hành vụ cướp táo tợn bằng cách đột nhập vào bảo tàng qua đường ống thông hơi.

Năm 1989, một tay buôn ma túy hoàn lương đã tố cáo những tên trộm. Bọn chúng đã cố đổi những hiện vật trộm được để lấy cocain. Mặt nạ Pakal và nhiều hiện vật khác được trả lại trong tình trạng tốt.


Cẩm Tú
Ý kiến của bạn