Hà Nội

Những hiện tượng thời tiết dị thường có thể xảy ra trong thời gian tới

02-03-2024 16:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong tháng 3, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc tiếp tục ở mức cao hơn từ 0,5-1 độ, các đợt không khí lạnh vẫn tiếp diễn, xen kẽ với nắng nóng.

Đợt không khí lạnh mới, miền Bắc có nơi dưới 5 độ CĐợt không khí lạnh mới, miền Bắc có nơi dưới 5 độ C

SKĐS - Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến từ 10-13 độ, khu vực vùng núi phía Bắc từ 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ.

Thời tiết tháng 3 có nhiều biến động khó lường

Miền Bắc vừa trải qua một đợt rét đậm hiếm gặp kéo dài 7-8 ngày, từ tháng 2 sáng tháng 3. Theo các chuyên gia khí tượng, dù đợt rét này không phải là kéo dài nhất trong nhiều năm qua ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhưng cũng là điều đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, thống kê 10-15 năm gần đây, ít có đợt rét đậm, rét hại diện rộng nào kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3 với nền nhiệt thấp ở đồng bằng dưới 15 độ và vùng núi dưới 13 độ như vừa qua.

Những hiện tượng thời tiết dị thường có thể xảy ra trong thời gian tới- Ảnh 2.

Rét buốt kéo dài nhiều ngày ở miền Bắc trong tháng 2 là điều đặc biệt.

Cơ quan khí tượng cũng ghi nhận, đợt rét đậm diện rộng từ ngày 24/2 đến nay, nơi thấp nhất tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là 2,2 độ (xuất hiện vào 27/2/2024). Không chỉ miền Bắc xảy ra đợt không khí lạnh kéo dài, mà trong tháng qua, các tỉnh Nam Bộ cũng ghi nhận nhiệt độ nhiều nơi vượt giá trị lịch sử so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, khi liên tục nắng nóng diện rộng.

Cụ thể, trong tháng 2, nắng nóng xuất hiện 2 đợt trên khu vực Đông Nam Bộ vào các ngày 13-19/2 và từ 22-27/2. Ngoài ra, trong tháng một số nơi ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ cũng xuất hiện nắng nóng cục bộ. Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 37 độ như Đồng Nai (38 độ) ngày 15/2, Tương Dương (38,2 độ) ngày 21/2.

Cũng trong tháng này, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 1-2 độ; một số nơi tại Tây Bắc và khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế cao hơn trên 2 độ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Riêng khu vực Lai Châu có nền nhiệt thấp hơn khoảng 0,5 độ.

Trong đó, có nơi đã ghi nhận được nhiệt độ cao nhất tuyệt đối vượt giá trị lịch sử (GTLS) đã từng quan trắc được. Cụ thể: Biên Hòa (Đồng Nai) ghi nhận mức 38 độ vào ngày 15/2/2024, vượt GTLS 37,2 độ năm 2018; Long Khánh (Đồng Nai) 37,3 độ ngày 26/2, vượt GTLS năm 2013 chỉ 36,7 độ. Cùng ngày 26/2, ở Vĩnh Long là 36 độ, vượt mức của năm 2023 với 34,9 độ… Ngoài ra, theo đánh giá của cơ quan khí tượng, trong tháng 3 này, có nhiều ngày xuất hiện sương mù kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn tại các khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong tháng 3, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc tiếp tục ở mức cao hơn từ 0,5-1 độ, riêng một số nơi ở khu vực Tây Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn từ 1-1,5 độ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đây cũng là thời kỳ tổng lượng mưa ở các khu vực trên cả nước thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5-15mm, riêng một số nơi ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 15-40mm.

Đáng lưu ý, không khí lạnh tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta, tập trung nhiều hơn trong thời kỳ nửa đầu tháng. Trong tháng 3, khu vực phía Đông Bắc Bộ vẫn có khả năng xảy ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Thời kỳ cuối tháng, vùng áp thấp phía Tây có xu hướng mở rộng có thể gây nắng nóng cho một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực vùng núi phía Tây của Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế.

Trong tháng 3, nắng nóng tiếp tục xuất hiện ở khu vực miền Đông Nam Bộ và cục bộ ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Cơ quan khí tượng cảnh báo, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục có khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: sương mù, dông, lốc, sét, mưa đá. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục phổ biến ít mưa, nhiều ngày nắng nóng và khô hạn còn kéo dài gây ra tình trạng thiếu nước, nguy cơ cháy nổ rất cao.

El Nino đang tạo ra thời tiết bất thường

ThS Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Năm nay Nam bộ nắng nóng sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng và cường độ cũng sẽ gay gắt hơn vào tháng 3 - 4 khi vào giai đoạn cao điểm.

Nguyên nhân nắng nóng bất thường hiện nay, đầu tiên là do tác động của biến đổi khí hậu, làm cho bầu khí quyển ấm lên. Các khối không khí như áp thấp nóng của châu Á hay áp cao lạnh từ Bắc cực hoạt động bất thường hơn, kèm theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Yếu tố thứ hai là hiện tượng El Nino hiện đang chi phối thời tiết khu vực.

Các dự báo mới nhất cho thấy hiện tượng này đã qua giai đoạn cao điểm nhưng vẫn còn duy trì đến tháng 4, sau đó chuyển sang giai đoạn trung tính. Giai đoạn trung tính dự báo sẽ kéo dài từ cuối tháng 4 - 5, thậm chí sang trung tuần tháng 6. Sau đó có khả năng rất lớn chuyển sang La Nina.

Dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng ở Nam bộ trong suốt tháng 3 và kéo dài đến nửa đầu tháng 4; mức nhiệt cao nhất tuyệt đối có thể xấp xỉ giá trị lịch sử. Mùa khô năm 1997 - 1998 cũng xảy ra hiện tượng El Nino mạnh. Năm đó đỉnh của El Nino rơi vào cao điểm mùa hè với mức nhiệt lịch sử tại TP.HCM lên đến 39,6 độ C. Tại các địa phương như Đồng Phú, Long Khánh, Biên Hòa (Đồng Nai), nhiệt độ lên đến 40 độ C thậm chí vượt 40 độ C.

"Tôi lo rằng với sự tác động của biến đổi khí hậu cùng El Nino và với những gì đang xảy ra thì năm nay nắng nóng gay gắt, có giá trị cao tuyệt đối ở nhiều nơi phổ biến từ 38 độ C trở lên. Cá biệt một số nơi xấp xỉ 40 độ C và cao hơn (trong lều khí tượng). Nhiệt độ cảm nhận thực tế của người dân nhiều nơi phải cộng thêm từ 2 - 4 độ C. Nắng nóng đang ngày càng gay gắt trên khu vực Nam bộ", bà Lan lo lắng.

Trong tháng 3, có một thời điểm quan trọng cần chú ý là ngày xuân phân (21/3). Từ nay đến trước ngày xuân phân là nóng khô. Sau ngày xuân phân, chuyển động biểu kiến của mặt trời đi lên bắc bán cầu sẽ làm tăng độ ẩm ở Nam bộ. Như vậy, độ ẩm trong không khí tăng cộng với nắng nóng làm cho tình trạng oi bức càng mạnh gây nên cảm giác rất khó chịu. Khi độ ẩm tăng, hơi nước chuyển pha thành mây. Trong sự chuyển pha này, sinh ra thêm một lượng nhiệt thải vào bầu khí quyển mà thuật ngữ gọi là ẩn (tiềm) nhiệt. Đây chính là nguyên nhân làm cho chúng ta cảm thấy rất bức bối, khó chịu. Trong giai đoạn này, thường xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa giông, lốc xoáy, mưa đá, sét, thậm chí là vòi rồng.

Từ tháng 5 trở đi, khi El Nino bắt đầu chuyển sang trạng thái trung tính, Nam bộ cũng bắt đầu chuyển sang mùa mưa. Năm nay, mùa mưa phổ biến từ giữa tháng 5; không quá muộn so với trung bình nhiều năm, nơi nào muộn cũng chỉ khoảng 7 - 10 ngày. Giai đoạn chuyển mùa và đầu mùa mưa thường có những cơn mưa rất lớn và các hiện tượng thời tiết cực đoan như vừa nêu trên, người dân cần đặc biệt chú ý phòng tránh.

Đón không khí lạnh, miền Bắc chìm trong rét buốtĐón không khí lạnh, miền Bắc chìm trong rét buốt

SKĐS - Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ phổ biến từ 11-13 độ, khu vực vùng núi phía Bắc từ 8-11 độ, vùng núi cao có nơi dưới 7 độ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết sáng 2/3: Sa Pa lạnh 5-7 độ, đỉnh Fansipan dự báo xuất hiện băng giá | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn