Những hiện tượng kỳ lạ xảy ra khi ngủ

24-07-2015 07:15 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngày nào ta cũng ngủ ít hay nhiều. Tuy nhiên không mấy người biết những gì đã xảy ra trong giấc ngủ. Dưới đây là một số hiện tượng thường xảy ra trong giấc ngủ.

Cơ tạm thời bị liệt

Trong giấc ngủ, hệ cơ tạm thời bị tách rời khỏi sự điều khiển của não bộ. Đây là một việc tốt. Chính vì hiện tượng này mà những lúc bình thường khi chúng ta ngủ không thể có hành động nào đó khi mơ ngủ.

Mắt cử động

Trong giai đoạn nghịch (paradoxal) của giấc ngủ, là giai đoạn khi ta “mơ”, mắt xoay chuyển về mọi phía.

Hiện tượng này gọi là “cử động nhanh của mắt”. Người ta cho là những cử động này xảy ra cùng với sự ghi nhớ trong giai đoạn nghịch của giấc ngủ. Tuy nhiên chưa giải thích được lý do của hiện tượng này. Đôi khi những cử động của mắt liên quan trực tiếp đến nội dung của giấc mơ: thí dụ, khi mơ đang chơi tennis, mắt cử động từ trái sang phải rồi lại từ phải sang trái như ta đang theo rõi trái banh nỉ trên sân.

Nhiều thay đổi trong cơ thể xảy ra khi ngủ.

Ở người mù không nhận thấy có hiện tượng này. Thay vì chuyển động của mắt, người mù lại gây ra tiếng động và có những chuyển động của thân thể.

Cơ thể tăng chiều cao

Sự tăng chiều cao này không thể nhận biết được ngay! Tuy nhiên đây là hiện tượng đã được khẳng định. Các đĩa sụn nằm giữa các đốt sống có vai trò như những chiếc gối đệm: những chiếc gối này được bù nước và phồng lên về đêm vì trọng lượng cơ thể lúc này không đè lên nó.

Để phát huy tối đa hiện tượng này, nên nằm nghiêng (như tư thế bào thai trong bụng mẹ). Lý do là ở tư thế này, ảnh hưởng của thể trọng ở mức tối thiểu.

Huyết áp giảm

Ở tư thế nằm, tim không cần co bóp mạnh như ở tư thế đứng để đưa máu từ các ngón chân lên não. Nhịp tim chậm lại. Các động mạch nở ra và huyết áp hạ xuống. Hệ tim mạch có thời gian nghỉ.

Người tăng huyết áp ngủ nhiều hơn người bình thường. Việc này làm giảm các nguy cơ tai biến về tim mạch.

Bóng đè

Khi đang ngủ, đôi khi ta thấy hiện tượng “bóng đè”. Đây là hiện tượng bình thường. 70% người thấy hiện tượng này. “Bóng đè” có thể xảy ra ở toàn thân hoặc chỉ ở hai chân. Đôi khi kèm theo cảm giác bị ngã hoặc mất thăng bằng và kèm theo tiếng kêu! Hiện tượng này cũng bình thường. Trong y học người ta gọi là “cơn co cơ khi thiu thiu ngủ” .

Đánh rắm

Người ta hay đánh rắm về đêm. Lý do là ban đêm cơ thắt hậu môn thường giãn ra, làm cho khí trong ruột dễ thoát ra ngoài. Cũng may là về đêm, khứu giác người ta không nhậy bằng ban ngày nên mùi khó chịu cũng không nhậy cảm lắm đối với những người xung quanh, (nhất là người nằm cùng!). Có lẽ cũng vì lý do này mà “chuông báo cháy” được phát minh. Vì khi ta ngủ, ta ít “ngửi thấy mùi cháy”mà cần tiếng chuông để đánh thức!

Da được trẻ hóa

Bạn đã bao giờ có dịp được ẵm vào lòng một em bé vừa thức dậy sau khi ngủ đẫy giấc chưa (từ 8 đến 12 giờ) ? Quan sát kỹ, bạn sẽ thấy da mặt em bé hồng hào và rất mịn.

Trong giấc ngủ, cơ thể ở tình trạng “đói”. Lúc này cơ thể sản xuất ra hormon tăng trưởng. Hormon này chỉ đạo các tế bào mỡ (adipocyte) thải ra chất béo dùng làm năng lượng cho cơ thể. Nhưng hormon tăng trưởng cũng kích thích sự sản xuất ra collagen, một protein hình thành mạng lưới của xương, mạch máu và da. Chính vì thế mà một đêm ngủ đẫy giấc làm da trẻ ra, giảm các vết nhăn vết chân chim! Ngược lại, một đêm mất ngủ làm da nhăn nheo, già nua.

Giảm thân nhiệt

Nhiệt độ cơ thể bắt đầu hạ ngay khi ta chìm vào giấc ngủ, phát động việc sản xuất ra melatonin, là hormon của giấc ngủ. Hormon này điều chỉnh đồng hồ sinh học. Nhiệt độ cơ thể giảm tối đa vào khoảng 2 giờ 30 sáng.

Kích thích tình dục

Cả nam và nữ đều có hiện tượng kích thích tình dục trong giai đoạn nghịch của giấc ngủ. Đây là hiện tượng bình thường không liên quan đến những mơ tình dục!

Não bộ hoat động nhiều hơn trong giai đoạn nghịch, là giai đoạn khi người ta mơ. Lúc này não bộ có nhu cầu về oxy nhiều hơn. Dòng máu chảy vào não cũng nhiều hơn... cũng như những bộ phận khác của cơ thể! Do đó có sự cương cứng ngoại ý!

(Theo SNI, 5/2015)

Nguyễn Văn

 

 

 


Ý kiến của bạn