Hà Nội

Những hiểm họa sau tiêm thuốc kháng viêm giảm đau nội khớp thiếu an toàn

23-09-2022 07:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Khi bị viêm khớp điều trị lâu không khỏi, nhiều bệnh nhân tìm đến biện pháp tiêm trực tiếp vào khớp. Tuy nhiên, kỹ thuật này nếu thực hiện không đúng tiêu chuẩn sẽ gây hiểm họa khó lường...

Cấp cứu tim mạch sau tiêm thuốc kháng viêm giảm đau điều trị viêm khớp

Thời gian gần đây, không ít bệnh nhân phải đi cấp cứu do biến chứng sau tiêm thuốc kháng viêm giảm đau vào khớp tại các phòng khám tư nhân không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình tiêm.

Trường hợp bệnh nhân N.V.T. (56 tuổi, Quảng Ninh) sau khi bị tai nạn giao thông có vết thương khớp gối trái dẫn đến viêm khớp gối trái, điều trị bằng kháng sinh và chọc hút dịch khớp nhiều lần nhưng không đỡ. Sau đó bệnh nhân tìm đến một phòng khám tư nhân để được tiêm thuốc kháng viêm giảm đau vào khớp.

Sau tiêm vài ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, bí trung đại tiện, phải gọi cấp cứu. Tại Bệnh viện TWQĐ 108 các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân N.V.T. bị tắc nhánh động mạch mạc treo tràng trên, biến chứng hoại tử ruột. Bệnh nhân trải qua 2 cuộc mổ cấp cứu để cắt ruột và chỉ còn khoảng 1 mét ruột non.

Kiểm tra chuyên sâu về tim mạch, bác sĩ còn phát hiện bệnh nhân bị viêm màng trong tim nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra, dẫn đến hiện tượng tắc mạch tái phát kể trên. Không những thế, khi chọc hút dịch khớp gối trái của bệnh nhân ra nhiều mủ vàng. Sau đó phải phẫu thuật nội soi bơm rửa ổ khớp cho bệnh nhân.

Những hiểm họa sau tiêm thuốc kháng viêm giảm đau nội khớp thiếu an toàn - Ảnh 1.

Tiêm thuốc nội khớp đưới sự hỗ trợ của hình ảnh siêu âm.

ThS.Lưu Quang Minh, Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: "Bệnh nhân T. có nhiều vấn đề ở nhiều chuyên khoa tưởng chừng khác xa nhau như tiêu hóa, cơ xương khớp, tim mạch… Nhưng sau khi xâu chuỗi lại các sự kiện thì nhận thấy đây là diễn biến tự nhiên của một vết thương nhiễm khuẩn khớp.

Ban đầu từ một vết thương khớp gối nhiễm khuẩn, vi khuẩn (thường là tụ cầu hoặc liên cầu) theo máu đến tim gây viêm màng trong tim nhiễm khuẩn với tổn thương điển hình là các cục sùi bám trên các lá van tim. Khi kích thước cục sùi lớn, một phần cục sùi bong ra và theo dòng máu đến các cơ quan, trong đó có mạch máu nuôi ruột, bít tắc và gây thiếu máu, hoại tử ruột. Trên thế giới, các trường hợp tắc mạch ruột do viêm màng trong tim nhiễm khuẩn thường rất hiếm".

Điều đáng nói là, việc nhiễm khuẩn khớp của bệnh nhân lại đến từ việc tiêm thuốc kháng viêm giảm đau nội khớp để điều trị đau do viêm khớp gối.

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.V. D. (55 tuổi, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng khó thở dữ dội, đau ngực trái kèm sốt cao, suy kiệt, tự điều trị tại nhà không đỡ.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân D. bị nhiễm vi khuẩn Streptococcusoralis trong máu. Hình ảnh siêu âm tim cho thấy bị sùi loét thủng 2 van tim. Với chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng máu nặng, nhiễm trùng lan tới cả van tim.

Trước đó, do bị đau khớp gối và lưng, bệnh nhân D. đã được một bác sĩ tại phòng khám tư nhân tiêm corticoid trực tiếp vào khớp gối và cột sống thắt lưng. Mặc dù triệu chứng đau khớp có đỡ, nhưng sau khi tiêm khớp được 2 ngày, bệnh nhân bị sốt triền miên, mệt mỏi và khó thở liên tục, sau đó đến Bệnh viện TWQĐ 108 cấp cứu.

ThS. Lưu Quang Minh chia sẻ: Đối với những trường hợp bệnh nhân này, họ sẽ phải trải qua quá trình điều trị vô cùng phức tạp: Dùng kháng sinh đường tĩnh mạch liên tục từ 4 đến 6 tuần, phẫu thuật thay van tim bị nhiễm khuẩn… Nhưng nguy hiểm nhất là nguy cơ tử vong trong quá trình điều trị khoảng 16%. Nếu điều trị thành công, người bệnh vẫn phải uống thuốc chống đông suốt đời với rất nhiều nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Những hiểm họa sau tiêm thuốc kháng viêm giảm đau nội khớp thiếu an toàn - Ảnh 2.

Tình trạng đau lưng do viêm khớp khiến bệnh nhân thường tìm đến các biện pháp, kể cả tiêm nội khớp để giảm đau.

Viêm khớp - không phải ai cũng được tiêm

Tiêm thuốc kháng viêm giảm đau nội khớp là một thủ thuật mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh cơ xương khớp. Nhưng đây là một chỉ định nghiêm ngặt, phải thực hiện đúng kỹ thuật, đúng loại thuốc tiêm, vô trùng tuyệt đối...

Hiện nay, nhiều người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém. Song, một phần do bệnh nhân chủ quan, tiêm khớp ở những cơ sở không được cấp phép, bởi những bác sĩ không được đào tạo bài bản về các nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn. Khiến không ít trường hợp sau vài ngày tiêm đã bị biến chứng nhiễm trùng khớp gây nên những câu chuyện đáng thương tâm kể trên.

Tiêm nội khớp là gì?

Tiêm nội khớp là một chỉ định mang lại hiệu quả điều trị cao trong bệnh lý xương khớp. Tiêm nội khớp thường có các chỉ định chính là tiêm thuốc kháng viêm corticoid. Đây là thuốc kháng viêm mạnh, chỉ định khi tình trạng viêm khớp nặng mà khi dùng các thuốc kháng viêm không steroid không còn hiệu quả.

Các corticoid (như prednisolon) có tác dụng giảm viêm mạnh, giảm đau và làm chậm tổn thương khớp. Hơn nữa, thuốc có khả năng chống viêm và đạt nồng độ thuốc tại chỗ tối đa mà không cần dùng thuốc chống viêm toàn thân. Hiệu quả trong điều trị bệnh cơ xương khớp vì ức chế 2 chất cytokine và protease do viêm màng hoạt dịch giải phóng, giúp giảm đau nhanh. Khi có chỉ định và được thực hiện đúng tiêu chuẩn, thuốc có tác dụng từ vài tháng cho đến hàng năm.

Tuy nhiên, thủ thuật tiêm nội khớp khá phức tạp và nguy cơ nhiễm trùng khớp cao. Nếu lạm dụng và tiêm không đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như: Nhiễm trùng khớp, hoại tử xương, thủng gân, teo da, teo cơ, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết, viêm viêm màng trong tim như các trường hợp nêu trên... Do đó, chỉ định tiêm nội khớp cần rất thận trọng, cân nhắc giữa lợi và hại. Cần được bác sĩ chuyên khoa xương khớp có kinh nghiệm thực hiện tại phòng khám vô khuẩn tuyệt đối.

Do đó, tiêm nội khớp phải được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp có kinh nghiệm.

Các chỉ định tiêm thuốc điều trị viêm khớp:

- Các bệnh lý xương khớp có tổn thương viêm màng hoạt dịch không do nhiễm khuẩn. Như viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp mạn tính thiếu niên…

- Viêm bao thanh dịch kén màng hoạt dịch (kén Baker).

- Viêm điểm bám gân ở khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay.

- Thoái hóa khớp giai đoạn sớm.

Các trường hợp không được tiêm thuốc kháng viêm giảm đau nội khớp:

- Viêm khớp nhiễm khuẩn, vùng da của bệnh nhân nóng đỏ do mới đắp thuốc;

- Có nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng da hoặc gần vị trí tiêm, viêm mô tế bào, áp-xe…

- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông

- Bệnh nhân đã thay khớp nhân tạo,

- Bị chấn thương khớp hoặc loãng xương tại chỗ

- Bệnh nhân đái tháo đường, tiền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch, vì corticoid làm gia tăng nguy cơ cho các bệnh lý này.

Ngay cả khi bệnh nhân đã được chỉ định và tiêm nội khớp đúng kỹ thuật, vẫn còn đó tiềm ẩn các nguy cơ các phản ứng bất lợi như sưng, nóng đỏ tại vị trí tiêm trong vòng 24 giờ. Trường hợp này cần báo cho bác sĩ biết để được chỉ định thuốc kháng viêm giảm đau không steroid. Nếu nặng hơn có thể gây nhiễm trùng cần xử lý nhiễm trùng tại chỗ và xem lại các khâu thực hiện khi tiêm nội khớp.

Mời độc giả xem thêm video:

Đau nhức xương khớp và một số các bài thuốc đông y đơn giản I SKĐS (1)

An Ngọc - Thu Hà
Ý kiến của bạn