Hà Nội

Những hệ lụy khi thừa nam, thiếu nữ

18-12-2021 10:34 | Xã hội

SKĐS - Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại không ít hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị... Điều này đòi hỏi, cần có những can thiệp kịp thời để duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên.

Tình trạng mất cân bằng giới khi sinh tại Việt Nam xảy ra chậm (từ năm 2006), nhưng tốc độ lại nhanh so với các nước châu Á. Tỷ số giới tính khi sinh tăng lên 109.8 và luôn ở ngưỡng trên 111 bé trai/100 bé gái.

Theo báo cáo dân số thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, Việt Nam đứng thứ 3 về mất cân bằng giới tính khi sinh, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cụ thể, theo thống kê năm 2019, ở Trung Quốc 111.9/100, Ấn Độ 111.6/100, ở Việt Nam là 111.5/100. Trong khi, tỷ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên, cân bằng khoảng 104 -106/100.

Hệ lụy xã hội lâu dài của mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 1.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại hậu quả lâu dài.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, ước tính đến năm 2050, nếu không được can thiệp kịp thời và hiệu quả, Việt Nam có thể thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ so với nam giới.

Về lâu dài, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng giới tính tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và thế giới, dẫn tới nhiều hệ lụy xấu khác...

Hệ lụy lâu dài của mất cân bằng giới tính khi sinh

Các chuyên gia quốc tế đã dự báo, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được kiểm soát, đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 2,3- 4,3 triệu nam giới. Điều đó dẫn đến các hệ lụy:

- Nam giới đến tuổi trưởng thành khó tìm bạn đời:  Đến tuổi trưởng thành, nam giới sẽ khó tìm được bạn đời, kết hôn muộn, thậm chí là không thể kết hôn. Đặc biệt là nam giới có trình độ học vấn thấp; gia đình nghèo; sống tại các vùng khó khăn. Do tình hình khó tìm được bạn đời trong nước, sẽ phải tìm đến bạn đời người nước ngoài.

Việc kết hôn với người nước ngoài có thể dẫn đến các vấn đề nảy sinh: Khác biệt lớn về văn hóa, ngôn ngữ… sẽ khó tìm được tiếng nói chung và dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình; sự phân biệt đối xử và mất bình đẳng giới.

Hệ lụy xã hội lâu dài của mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 2.

Mất cân bằng giới khi sinh dẫn đến hậu quả đến tuổi trưởng thành, nam giới khó kết hôn.

- Bất ổn về kinh tế, chính trị và xã hội: Khi nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ, dễ dẫn đến gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ; tăng tệ nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ… tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội.

Trong một phát biểu, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho hay: Tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn gây ra việc tan vỡ cấu trúc gia đình.

Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh cũng làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng như: Nhiều phụ nữ kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao; tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ có nguy cơ tăng cao...

Bên cạnh những hệ lụy kể trên, bà Hà Thị Quỳnh Anh - chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên hợp quốc còn cho rằng: Việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới sẽ khiến phụ nữ gặp áp lực phải sinh bằng được con trai, dễ dẫn đến nạo phá thai hoặc sinh con nhiều lần đến khi có được con trai. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản và tình dục của phụ nữ.

Những định kiến giới không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ mà của cả nam giới, làm cho phụ nữ và nam giới không phát huy được hết khả năng bản thân. Ví dụ, nam giới luôn được coi phải là người mạnh, trụ cột, kiếm tiền lo cho gia đình, phải thành đạt, không được yếu đuối, ủy mị... Những định kiến này sẽ là áp lực vô cùng to lớn với nam giới, nhất là trong xã hội đang phát triển như Việt Nam. Khi họ không làm tròn mong đợi về giới này sẽ không được coi trọng. Do đó, cần có những chính sách can thiệp bình đẳng giới để giúp nâng cao vị thế phụ nữ và giúp nam giới thoát khỏi định kiến giới nặng nề.

Mời độc giả xem thêm video:

Hà Nội, điều trị F0, 4 tại chỗ - đáp ứng kịch bản 100.000 ca bệnh.

Phương Anh
Ý kiến của bạn