Những hệ lụy khi bị rối loạn nhịp tim

08-08-2018 08:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trái tim của chúng ta bình thường được ví như một chiếc máy bơm mạnh mẽ, làm nhiệm vụ bơm máu liên tục qua hệ thống tuần hoàn.

Mỗi ngày tim đập khoảng 100.000 lần và bơm ra hơn 7.500 lít máu. Trong suốt cuộc đời khoảng 80 năm, trung bình trái tim của một người đập hơn 3  tỷ lần. Làm việc không ngừng nghỉ như vậy trong suốt một quá trình dài, thật khó để trái tim có thể tránh khỏi những lúc đập sai nhịp...

Nguyên nhân gây loạn nhịp tim

Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp đập của tim bình thường sẽ nằm trong khoảng từ 60 - 100 lần/phút lúc nghỉ ngơi. Nếu có một tác động nào đó khiến trái tim đập bất thường: Quá nhanh (lớn hơn 100 nhịp trên phút), quá chậm (dưới 60 nhịp trên phút) hoặc lúc nhanh, lúc chậm hay bỏ nhịp, sẽ được gọi là rối loạn nhịp tim. Trong cuộc sống thường ngày, rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện khi bạn có rối loạn tâm lý, căng thẳng, stress; lao động gắng sức; hay sử dụng một số chất kích thích như uống rượu, chè, cà phê, hút thuốc lá...

Bên cạnh đó, các bệnh lý tim mạch như: Thiếu máu cơ tim, các bệnh lý van tim, viêm cơ tim, các bệnh tim bẩm sinh... cũng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung động trong tim và gây ra rối loạn nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim còn có thể gặp ở một số bệnh lý hoặc nguyên nhân khác như: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, cường giáp, bệnh viêm phổi - phế quản cấp hay mạn tính, thiếu máu, rối loạn cân bằng kiềm - toan và điện giải, do thuốc (có nhiều thuốc gây nên rối loạn nhịp tim, đặc biệt các nhóm thuốc gây kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ; đồng thời chính các thuốc chống loạn nhịp tim đôi khi lại là thủ phạm gây nên rối loạn nhịp tim). Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không xác định được nguyên nhân rõ ràng.

Các dạng rối loạn nhịp tim thường gặp.

Các dạng rối loạn nhịp tim thường gặp.


Triệu chứng của rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể khiến cho hoạt động bơm máu của tim trở nên kém hiệu quả và gây ra các triệu chứng:

Hồi hộp, trống ngực: Đây là biểu hiện thường gặp nhất của rối loạn nhịp tim. Bạn có thể có cảm giác “hẫng hụt”, hay cảm giác tim bị ngưng lại trong một vài giây và theo sau đó thường sẽ là một nhịp đập mạnh, đôi khi có thể giống như thể bị “đấm” vào ngực. Đi kèm theo triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực, bệnh nhân có thể có ngất hay choáng váng, xây sẩm. Đây thường là các dấu hiệu dẫn người bệnh đến với thầy thuốc.

Cảm giác thấy nhịp tim đập nhanh hơn hoặc chậm hơn so với bình thường.

Cảm giác mệt mỏi, khó thở: Tình trạng rối loạn nhịp tim kéo dài sẽ làm giảm hiệu suất bơm và hút máu của tim, khiến bạn có các biểu hiện khó thở và mệt mỏi.

Đau ngực: Là một trong những dấu hiệu nguy hiểm của rối loạn nhịp tim, thường xuất hiện trên nền các bệnh lý tim mạch khác như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim...

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Khi xuất hiện triệu chứng trên bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để phòng tránh những biến cố nguy hiểm cho sức khỏe. Trong một số các trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể là vô hại, nhưng đa phần nó là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng, đe dọa đến cuộc sống của bạn. Vì vậy, nếu cảm thấy bất kỳ sự khác thường nào của trái tim, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và phát hiện sớm những vấn đề về tim mạch. Đặc biệt là trong những trường hợp dưới đây:

Tim đập nhanh hoặc chậm kèm theo cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, chóng mặt hoặc choáng ngất.

Loạn nhịp tim kèm theo khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc ở lưng.

Loạn nhịp tim xuất hiện khi bạn mới sử dụng một loại thuốc nào đó.

Loạn nhịp xuất hiện đồng thời với các triệu chứng khác như sút cân, mệt mỏi kéo dài và đánh trống ngực kèm theo đau đầu và vã mồ hôi...

Những biến chứng có thể xảy ra

Những biến chứng nguy hiểm mà bạn có thể gặp phải trong các trường hợp rối loạn nhịp tim nặng và kéo dài đó là:

Suy tim: Khi hiệu quả bơm máu bị giảm sút, tim của bạn sẽ phải cố gắng làm việc nhiều hơn bình thường để cung cấp đủ máu ra tuần hoàn đi nuôi cơ thể. Sự gắng sức kéo dài lâu ngày có thể làm trái tim suy yếu và cuối cùng dẫn đến suy tim.

Đột quỵ: Khi tim của bạn đập quá nhanh hoặc quá chậm, hiệu suất bơm máu của tim sẽ bị giảm sút. Khi đó, máu sẽ bị ứ đọng lại tại các buồng tim sẽ dễ hình thành nên các cục máu đông, hoặc khi tim đập không đều, tạo nên các dòng máu quẩn cũng dễ hình thành những cục máu đông. Những cục máu đông này có thể bị rời ra và di chuyển theo dòng máu đến các động mạch não, làm tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch và gây ra đột quỵ. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề do não bị tổn thương.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim...

Cần làm gì khi bị rối loạn nhịp tim?

Ngoài việc đến khám và tư vấn hay điều trị trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau đây:

Thực hiện thay đổi một số thói quen trong lối sống, điều này sẽ giúp cải thiện được tình trạng rối loạn nhịp tim như nên ăn các loại thực phẩm tốt cho tim: Ăn nhiều rau xanh, cá, hạn chế mỡ động vật và cholesterol...; tăng cường hoạt động thể chất; bỏ hút thuốc lá; hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đặc...; giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống.

Ngoài ra, khi đã có chỉ định thì cần tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể dùng độc lập hay phối hợp nhiều phương pháp với nhau, theo những nguyên tắc chung, đó là:

Loại bỏ các tác nhân gây loạn nhịp như một số loại thuốc điều trị hoặc các chất kích thích...

Điều trị tốt các bệnh lý nền: Bệnh tim mạch, đái tháo đường, cường giáp...

Sử dụng các thuốc chống loạn nhịp theo chỉ định: Thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, digoxin...

Áp dụng các nghiệm pháp làm giảm nhịp tim bằng cách gây cường phó giao cảm như ấn và xoa xoang động mạch cảnh, ấn nhãn cầu, nghiệm pháp Valsalva...

Trong các trường hợp rối loạn nhịp tim nặng hoặc đáp ứng không tốt với điều trị nội khoa, các phương pháp khác có thể được áp dụng gồm  đặt máy tạo nhịp, sốc điện tim, đốt điện sinh lý, phẫu thuật…


PGS. TS. Nguyễn Đức Hải
Ý kiến của bạn