Những “hạt sạn văn hóa” trên chương trình giải trí

10-11-2014 07:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chương trình Nhân tố bí ẩn - X Factor mùa đầu tiên đã khép lại, nhưng có lẽ câu chuyện về nhóm nhạc F Band dùng khăn Piêu của dân tộc Thái làm khố khi biểu diễn liên khúc các ca khúc về Tây Nguyên

Chương trình Nhân tố bí ẩn - X Factor mùa đầu tiên đã khép lại, nhưng có lẽ câu chuyện về nhóm nhạc F Band dùng khăn Piêu của dân tộc Thái làm khố khi biểu diễn liên khúc các ca khúc về Tây Nguyên sẽ được nhắc đến như một minh chứng về sự “cẩu thả” trong biểu diễn nghệ thuật.

Từ Nhân tố bí ẩn

Nhân tố bí ẩn có lẽ là chương trình “tạo được” nhiều scandal nhất trong các chương trình truyền hình lên sóng năm 2014. Một số diễn đàn trên mạng xã hội thậm chí còn thống kê chi tiết những vụ việc mà chương trình này gây “bão” trong thời gian qua. Đầu tiên phải kể đến chuyện ca sĩ Anh Thúy “giả danh” thí sinh Huyền Minh bị phát hiện. Tiếp đó là lùm xùm về bản quyền ca khúc. Ca sĩ Quang Đại “ngang nhiên” hát Tìm lại bầu trời, ca khúc do Khắc Việt sáng tác độc quyền cho ca sĩ Tuấn Hưng mà không xin phép. Cho đến tận phút cuối trước khi diễn ra đêm chung kết xếp hạng, Loki Bảo Long, ứng viên nặng ký cho ngôi vị quán quân xin “dừng cuộc chơi” một cách đột ngột. Nhắc đến những scandal của Nhân tố bí ẩn không thể không nhắc đến câu chuyện về nhóm nhạc F Band dùng khăn Piêu của dân tộc Thái làm khố Tây Nguyên trong đêm thi bán kết. Thú thực thì tiết mục mashup các ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên của F Band gồm Ngọn lửa cao nguyên (Sáng tác: Nhạc sĩ Trần Tiến), Còn yêu nhau về Buôn Mê Thuật, Đôi mắt Pleiku (Sáng tác: Nhạc sĩ Nguyễn Cường) được dàn dựng và biểu diễn rất thành công. Sự sôi nổi, hài hước của F Band đã làm nóng khán phòng và tấm vé bước vào chung kết của F Band cũng hoàn toàn thuyết phục.

Hình ảnh phản cảm “chặt đầu ba ba” của thí sinh Khánh Phương trong cuộc thi MasterChef Việt Nam 2014 bị chỉ trích mạnh mẽ trên trang Daily Mail của Anh hôm 19/10 vừa qua.

Tuy nhiên, sau chương trình, nhiều khán giả dân tộc Thái đã bức xúc lên tiếng khi thấy chiếc khăn Piêu truyền thống của dân tộc mình bị dùng làm khố, gây phản cảm. Ngay sau đó, nhóm F Band cũng đã gửi lời xin lỗi tới khán giả qua fanpage. “F Band xin lỗi quý khán giả, đặc biệt là những người con dân tộc Thái, vì sự thiếu cẩn thận của mình. Hình ảnh và trang phục trong bài dự thi vừa rồi có sự sai sót trầm trọng mà F Band vừa nhận ra được khi đọc comment chê trách của các bạn trên page. F Band quả thật rất thiếu sót khi không để ý rằng, những nét họa tiết đó là hình ảnh văn hóa đặc trưng của các bạn. Cả nhóm thành thật xin lỗi và mong các bạn tha thứ cho sự thiếu cẩn thận và thiếu hiểu biết của tụi mình”. Sau đó, trong đêm chung kết cuộc thi được truyền hình trực tiếp trước hàng triệu khán giả, MC Nguyên Khang đã thay mặt Ban Tổ chức thừa nhận sai sót và gửi lời xin lỗi đến khán giả, đặc biệt là những người dân tộc Thái, đồng thời hứa sẽ tiếp thu để hoàn thiện hơn.

Đến Siêu đầu bếp và v.v...

Trước khi chương trình Nhân tố bí ẩn “dính” scandal thì Siêu đầu bếp - MasterChef 2014 cũng gây nên những ồn ào không đáng có. Trong tập phát sóng hôm 20/9, với thử thách là món ăn từ nguyên liệu ba ba, thí sinh Khánh Phương đã dùng dao chặt phăng đầu con ba ba với ánh mắt tức giận. Điều đáng nói là, những hình ảnh phản cảm này được quay cận cảnh và khi lên sóng đã gây nên những luồng dư luận trái chiều. Cảnh chặt đầu ba ba của MasterChef Việt Nam thậm chí còn được một số trang báo lớn của nước ngoài như Daily Mail (Anh), Asia One (Singapore)... đưa lên trang nhất.

Chương trình Đố ai hát được - Sing If you can cũng gây những ồn ào không kém. Ngay tập đầu tiên, trên khắp các diễn đàn đã xôn xao bàn tán về format của chương trình. Tập 8 của Đố ai hát được chứng kiến sự đối đầu giữa đội thi của ca sĩ Pha Lê, Mi-a và Hữu Kiên - quán quân Việt Nam got talent và Ngọc Long. Nếu Pha Lê liên tục la hét trong thử thách vừa hát vừa bị những anh chàng vũ công đẩy kéo về nhiều phía thì Mia khóc thét lên với thử thách khi bị thả vào bể đầy rắn, ếch, nhái. Mia đã sợ hãi đến lạc hẳn cả giọng sau phần thi kết thúc. Nhiều phần thi của chương trình gây sợ hãi cho người xem như phần phi dao, vừa hát vừa bị chó tấn công, chui vào phòng có rắn, chuột... Phần lớn các thí sinh nữ tham gia chương trình đều kết thúc phần thi trong nước mắt và khản giọng vì la hét. Bảo Trâm Idol, người từng tham gia chương trình này chia sẻ: “Trước khi tham gia chương trình, tôi đã chuẩn bị tinh thần bởi có rất nhiều thử thách bất ngờ không thể đoán được. Tuy mọi thứ đã được chuẩn bị trước nhưng khi tham gia chương trình lại khác”. Bảo Trâm cũng nói rằng, sự sợ hãi cũng có thể khiến cô ngất đi. Nhiều người nhận định, Đố ai hát được là chương trình phản cảm, không phù hợp với văn hóa Việt

Trước đó, chương trình Cuộc đua kỳ thú - Amazing race ở chặng đua bán kết cũng trở thành đề tài tranh luận của báo giới khi có cảnh các thí sinh xẻ thịt lợn. Theo thử thách của chương trình, những người chơi phải tự tay cắt thịt từ chú lợn đã chết nhưng còn nguyên con, nguyên da, lấy đúng 500g thịt mà không được dùng cân hay bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào. Nỗi sợ hãi khi lần đầu tiên “đụng dao” đã khiến thí sinh Linh Chi, Thu Hiền, Diệp Lâm Anh bật khóc. Nhiều khán giả bày tỏ sự không đồng tình với tình huống mà chương trình đặt ra, họ cho rằng, hành động này không mang tính giáo dục, nhất là với trẻ em. Cuộc thi Big Brother - Người giấu mặt mùa đầu tiên cũng gây xôn xao với thử thách giảm cân. Để hoàn thành thử thách giảm 18 cân trong vòng một tuần, các thí sinh của chương trình đã không ngần ngại cởi bỏ quần áo trong khi chương trình được ghi hình 24/24 giờ.

Tạm kết

Trong cuộc sống hiện đại, truyền hình giải trí là “món ăn” không thể thiếu với mỗi gia đình và cũng phải khẳng định rằng, chương trình này đã góp phần không nhỏ trong việc làm phong phú thêm “thực đơn giải trí”. Vài năm trở lại đây, khán giả Việt có dịp được xem thoải mái những chương trình “đình đám” của nước ngoài mà trước đây chỉ có thể “thòm thèm” xem trên kênh Star World hay Youtube. Làn sóng truyền hình thực tế chứng tỏ sự nhanh nhạy của những nhà sản xuất, khả năng hội nhập và tiếp thu công nghệ truyền hình tiên tiến từ nước ngoài nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm. Đang thiếu vắng những chương trình giải trí do chính người Việt Nam lên kịch bản và sản xuất do không thể cạnh tranh và không đủ sức lôi cuốn như những chương trình nước ngoài cùng thể loại. Cuộc chạy đua không cân sức ấy đã khiến chương trình giải trí “made in Việt Nam” “hụt hơi”, tụt dốc giữa đường. Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó, chương trình giải trí Việt chỉ là “tập hợp” những chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài?

Không phải chương trình nào được mua bản quyền từ nước ngoài cũng phù hợp với văn hóa Việt và được khán giả Việt đón nhận. Mong sao các chương trình giải trí ngày càng hoàn thiện theo hướng phù hợp với văn hóa người Việt hơn để trở thành những “món ăn không thể thiếu” của mỗi gia đình, mỗi người.

Phạm Mạnh Tường

 

 


Ý kiến của bạn