Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tại đây, sắp có hơn 10 trẻ được sinh ra từ việc mang thai hộ này.
Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1/1 năm nay đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Sau đó, từ ngày 15/3, các Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Đa khoa Trung ương Huế và Phụ sản Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) bắt đầu nhận được hồ sơ của người dân.
Đến nay, Bệnh viện Từ Dũ công bố 2 ca mang thai hộ đầu tiên ở nước ta. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có hơn 10 trường hợp đang được giải quyết mang thai hộ, trong số hàng chục hồ sơ của người dân gửi đến. Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, mỗi năm, nước ta có gần 700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ.
Mặc dù mang thai hộ đã được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình, nhưng việc thực hiện còn gặp không ít khó khăn như: người dân gặp phiền hà khi xin xác nhận của chính quyền địa phương. Một số trường hợp được phép nhờ mang thai hộ nhưng không tìm được người thân thích trong họ hàng đồng ý mang thai hộ như quy định của luật. Trong khi đó, bạn bè thân thiết của người đó lại không được phép mang thai hộ. Hoặc khi có một người trong họ hàng đồng ý mang thai hộ nhưng khi bác sỹ thực hiện kỹ thuật nhiều lần không thành công thì việc hủy hồ sơ để làm thủ tục nhờ người khác mang thai hộ rất phức tạp. Thậm chí có những trường hợp phải đi lại bệnh viện khá nhiều lần vì không nắm rõ được các loại giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ thực hiện mang thai hộ.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, nên đề xuất sửa quy định này để các cặp vợ chồng hiếm muộn đỡ khó khăn trong quá trình làm hồ sơ. Mỗi năm nước ta có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Chi phí một lần này là khoảng 2.000-3.000 USD, trong khi ở Mỹ là khoảng 35.000. Hiện tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam khoảng 40-50%, tương đương với các nước phát triển.
Để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, các cặp vợ chồng có nhu cầu mang thai hộ cần phải chuẩn bị đầy đủ 12 loại giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo mẫu.
- Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo mẫu.
- Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào.
- Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận.
- Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi. Người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Bản xác nhận của cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định.
- Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này.
- Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sĩ sản khoa.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý.
- Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định theo mẫu, phải có công chứng.
Các mẫu đơn được ban hành kèm theo trong Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Bộ Y tế vừa công bố thủ tục hành chính được ban hành tại Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015 quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, Bộ Y tế quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
Thái Bình
.