Là nơi thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu, công việc của các y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa luôn bận rộn. Ngày thường, các bác sĩ, nhân viên khá bận rộn, thì ngày Tết lại vất vả, căng thẳng hơn rất nhiều. Nhiều cán bộ, nhân viên của bệnh viện không được nghỉ trọn vẹn những ngày Tết cùng gia đình khi bệnh nhân đông, nhiều ca nặng.
Gần 20 năm công tác trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, Ths.Bs Đỗ Minh Thái – Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vẫn luôn tâm niệm lựa chọn con đường làm bác sĩ Hồi sức cấp cứu và điều trị tích cực với mong muốn sẽ nỗ lực để mang lại sự sống cho người bệnh. Với bác sĩ Thái cũng như các bác sĩ cấp cứu và hồi sức tích cực khác, những lần giành giật sự sống của bệnh nhân với tử thần vào dịp Tết không phải là chuyện hiếm.
04h30’ sáng ngày 31/01 (tức ngày 21 tháng Chạp, năm Quý Mão), người thân phát hiện anh Lê Văn Thiều (28 tuổi, trú xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đột ngột mất ý thức, toàn thân tím tái nên đã đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Anh Thiều nhập viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tím tái toàn thân, tiên lượng hết sức nặng nề.
Sau gần 1 tiếng nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn của đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu, anh Thiều có nhịp tim trở lại. Tuy nhiên, ngay sau khi được chuyển về khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, bệnh nhân lại tiếp tục xuất hiện ngừng tim lần 2. Mặc dù đã được các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, khôi phục nhịp tim nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao để duy trì nhịp tim – huyết áp.
Hồi phục thần kỳ sau 20 ngày chiến đấu với tử thần, anh Thiều không khỏi xúc động nhớ lại những tháng ngày không thể quên khi được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị tích cực để giành giật lại sự sống trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Nhớ lại thời khắc khó khăn nhất, Ths.Bs Đỗ Minh Thái cho biết, cuộc hội chẩn khẩn trương đưa ra phương án vừa phải áp dụng các biện pháp hồi sức cứu sống, vừa phải giảm tối đa việc để lại di chứng tổn thương não nặng nề cho người bệnh. Bệnh nhân được đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, đặt huyết áp động mạch xâm lấn, hạ thân nhiệt chỉ huy, đưa nhiệt độ cơ thể về 33 độ C để bảo tồn các chức năng não bộ và lọc máu liên tục.
"Sau khi áp dụng các kỹ thuật cao trong hồi sức tích cực, hi vọng sống của người bệnh được thắp lên. Lúc này các bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải theo dõi, ghi chép, điều chỉnh phác đồ liên tục từng giờ và luôn phải túc trực 24 giờ/ngày và tiến hành hội chẩn liên tục để tìm phương án điều chỉnh tối ưu nhất cho người bệnh", bác sĩ Thái chia sẻ.
Theo bác sĩ Thái, qua kết quả khảo sát và làm các xét nghiệm cần thiết, anh Thiều được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada (là một bệnh lý rối loạn nhịp tim hiếm gặp và vô cùng nguy hiểm, có thể gây đột tử). Ngay sau khi sức khoẻ ổn định, anh Thiều sẽ tiếp tục được chỉ định cấy máy tạo nhịp phá rung tim tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.
Cũng như đơn vị Hồi sức tích cực, Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là nơi "tuyến đầu" của bệnh viện. Nơi mà cường độ làm việc luôn gấp gáp, khẩn trương, nơi thường phải đối mặt với những ca bệnh nặng "thập tử nhất sinh". Nơi đây, không có khái niệm ngày và đêm, không có khái niệm về lễ, tết… Áp lực, vất vả là vậy nhưng những y, bác sĩ vẫn luôn tận tâm, tận lực, nỗ lực hết mình để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Ngày 8/2/2024 (tức 29 Tết), anh Trương Văn Hải (20 tuổi, trú xã Điền Trung, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng nguy kịch: Hôn mê sâu, biến dạng lồng ngực, mạch và huyết áp không bắt được do tai nạn giao thông. Nhận định đây là trường hợp có tổn thương bên trong khá phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp để cầm máu cho bệnh nhân, các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu lập tức khởi động hệ thống báo động đỏ, xử lý cấp cứu hồi sức và chuyển khẩn cấp bệnh nhân về phòng mổ.
Sau khoảng gần 2 giờ phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân đã cầm được máu ở vết thương, huyết động ổn định, sức khỏe tiến triển khá tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Sau hơn 10 ngày được theo dõi và điều trị tích cực, sức khỏe anh Hải đã tiến triển khá tốt và có thể được ra viện.
Chia sẻ về ca phẫu thuật này, bác sĩ Dương Văn Minh (khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực) cho biết, 23h đêm 29 Tết, anh đang chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện thoại của lãnh đạo khoa yêu cầu đến bệnh viện để xử trí khẩn cấp cho 1 ca chấn thương tim nghiêm trọng. "Tôi lao đến bệnh viện vì biết rằng mỗi giây phút lúc này với bệnh nhân chấn thương tim được đo bằng cả sinh mệnh. Khi bước chân vào phòng mổ, trước mắt tôi là một nam thanh niên còn rất trẻ với rất nhiều thương tích trên người đang hôn mê nằm trên bàn mổ, tôi hơi khựng người lại vì thấy quá xót xa. Lấy lại bình tĩnh, mọi người khẩn trương tiến hành ca phẫu thuật. Đến gần 2h sáng ngày hôm sau, ca phẫu thuật hoàn thành, bệnh nhân có dấu hiệu của sự sống. Lúc này tôi và các đồng nghiệp mới thở phào nhẹ nhõm", bác sĩ Dương Văn Minh nhớ lại.
Ths.Bs Lâm Tiến Tùng – Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng gần 200 ca cấp cứu, trong đó có nhiều trường hợp rất nặng như đột quỵ, chấn thương sọ não, nhồi máu cơ tim… Có những lúc vào thời điểm bùng phát các bệnh như: Sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, tiêu chảy hay thời tiết đột ngột chuyển lạnh, gia tăng nhiều người bị đột quỵ… thì từ sáng đến đêm, các bác sĩ liên tục khám cấp cứu cho người bệnh. Có lúc bụng đói cồn cào nhưng không thể nghỉ ngơi vì nhiều trường hợp nguy kịch phải xử trí can thiệp tích cực ngay.