Những giải pháp y tế thông minh trong thập kỷ mới

26-01-2020 07:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh viện số, phẫu thuật robot, quản lý điều phối máy thở và phản ứng khẩn cấp giải quyết an ninh bệnh viện là 4 trong số những giải pháp y tế thông minh vừa được Sở Y tế TP.HCM vinh danh.

Bệnh viện số từ cơ sở y tế tuyến quận

Năm 2007, khi về đầu quân cho BV. Thủ Đức, BS. Nguyễn Minh Quân đã cho triển khai nhiều mô hình nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị.Một trong số những kế hoạch đã được biến thành hiện thực chính là giải pháp bệnh viện số - công trình vừa được Sở Y tế TP.HCM trao giải nhất trong nhóm giải pháp y tế thông minh.

Nhận xét về tác phẩm của bệnh viện, TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, điều gây ấn tượng đầu tiên đó là người dân có thể chủ động lựa chọn nhiều hình thức đăng ký khám bệnh như đăng ký tại quầy nhận bệnh được nhân viên quét trực tiếp mã QRcode trên thẻ bảo hiểm y tế giúp hoàn tất thủ tục nhanh chóng thay vì nhập thông tin bằng tay vào phần mềm.

giải pháp y tế thông minh

Tại BV. Quận Thủ Đức, người bệnh tái khám hoặc mạn tính có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và đến đăng ký tại các quầy, hoặc đăng ký qua website hoặc app trên điện thoại để đặt khám và thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, khi sử dụng app được tích hợp thanh toán online, người dân có thể vừa đăng ký, thanh toán và nhận số thứ tự khám bệnh trực tuyến, được tư vấn sàng lọc bệnh từ xa.

Điểm nổi bật thứ hai là toàn bộ quy trình khám bệnh ngoại trú được số hoá. Tại các phòng khám của bệnh viện đều có màn hình hiển thị số thứ tự chờ khám tự động đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện để người bệnh theo dõi lượt khám. Người bệnh đi khám bệnh không cần phải mang theo hồ sơ, toa thuốc do các bác sĩ có thể dễ dàng theo dõi lịch sử khám chữa bệnh có trên phần mềm ứng dụng.

Với hệ thống số thứ tự trung tâm, người bệnh chỉ phải lấy số một lần duy nhất khi đăng ký khám, còn lại tất cả số thứ tự khác đều tích hợp trên các giấy tờ cung cấp cho người bệnh (phiếu chỉ định cận lâm sàng, toa thuốc) mà không cần phải lấy số thứ tự nhiều lần. Đối với người bệnh có thực hiện nhiều chỉ định cận lâm sàng, hệ thống sẽ tự động điều phối người bệnh đến những phòng xét nghiệm có số chờ thấp, giúp rút ngắn thời gian chờ thực hiện cận lâm sàng.

Kết quả cận lâm sàng đã có chữ ký điện tử của bác sĩ khoa Xét nghiệm được chuyển trên mạng về phòng khám nơi bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định, sau khi xem kết quả, bác sĩ tại phòng khám in và trả kết quả cho người bệnh. Riêng với toa thuốc được bác sĩ kê đơn theo số tồn thực tế do hệ thống kết nối realtime với kho thuốc, vật tư, tránh tình trạng người bệnh phải quay về phòng khám đổi toa khi kho hết thuốc…

Điểm nổi bật thứ ba là bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử tại 100% các khoa lâm sàng.Các hồ sơ, biểu mẫu của bệnh án điện tử đã hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của một hồ sơ bệnh án.Các dữ liệu được liên thông, kế thừa làm giảm tối đa tình trạng sao chép, thống kê, báo cáo sai, rút ngắn thời gian làm hồ sơ bệnh án.

giải pháp y tế thông minhTất cả các thông tin bệnh án, thông tin bệnh nhân đều được quản lý bằng phần mềm tại BV Quận Thủ Đức

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đỉnh cao trong phẫu thuật robot

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của một BV ngoại khoa tuyến cuối tại TP.HCM, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật robot đã được ban giám đốc BV. Bình Dân đầu tư và đây là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tại miền Nam ứng dụng kỹ thuật này, với chi phí giảm một nửa so với các nước tiên tiến.

Vào tháng 11/2018, lần đầu tiên BV. Bình Dân đã thực hiện phẫu thuật robot khẩn cấp cho một thai phụ thoát khỏi nguy cơ sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ diễn tiến sang viêm tụy cấp, đảm bảo an toàn cho song thai 17 tuần tuổi. Ngoài việc tạo thuận lợi cho các bác sĩ tiến hành các thao tác kẹp, giữ các tạng trong ổ bụng, cắt lọc mô bệnh, thám sát hiệu quả đường mật trong và ngoài gan, robot phẫu thuật còn giúp các bác sĩ khâu kín ống mật chủ với kích thước chỉ 6mm. Nhờ đó, thai phụ tránh được nguy cơ thai nhi lớn dần sẽ chèn ép, đi lệch ống dẫn lưu khiến dịch mật tràn vào khoang bụng, gây viêm phúc mạc nguy hiểm đến tính mạng người mẹ và thai nhi.

TS.BS. Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV. Bình Dân cho biết, trong khoảng thời gian chưa đến 3 năm, êkíp phẫu thuật robot của BV đã phẫu thuật thành công cho 850 trường hợp về niệu khoa, ngoại tổng quát. Rất nhiều các trường hợp bệnh khó đã được phẫu thuật thành công với sự trợ giúp của hệ thống robot phẫu thuật với nhiều loại bệnh lý khác nhau như phẫu thuật các khối u tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, cắt gan, cắt phổi, cắt u trung thất, cắt tử cung, phẫu thuật lồng ngực, u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, teo đường mật, bắc cầu động mạch vành, chỉnh sửa van tim... Bên cạnh đó, các chuyên gia phẫu thuật còn tham gia hỗ trợ chuyển giao công nghệ phẫu thuật robot cho các BV trong ngoài nước.

giải pháp y tế thông minh

Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện: Code Grey

Trước thực tế nhiều lần bị kẻ gây rối vào BV dùng hung khí tấn công người bệnh, đồng thời xuất phát từ nỗi lo chung của các BV hiện nay là thường bị động khi xảy ra các sự cố gây mất an ninh, trật tự, BV. Nhân dân Gia Định đã cho ra đời giải pháp Code Grey.

Theo TS.BS. Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV. Nhân dân Gia Định, thực hiện “khuyến cáo triển khai hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại các BV” của Sở Y tế TP.HCM, hơn 3 năm qua, BV đã quan tâm và đầu tư nguồn lực, cải tiến quy trình, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông xây dựng, triển khai thành công quy trình phản ứng nhanh xử lý sự cố gây mất an ninh và trật tự trong BV có tên là “Code Grey”.

Với quy trình này, nhiều sự cố an ninh đã được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh và nhất là đã giải tỏa sự lo lắng của nhân viên y tế vì tình hình mất an ninh, trật tự, thậm chí đe dọa cả tính mạng khi đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân.

Cụ thể đêm 28/4/2019, một bác sĩ công tác tại khoa Chấn thương Chỉnh hình của BV đã kích hoạt “Code Grey” với mức độ 3 khi phát hiện một nam thanh niên rút dao ra và lùng sục tìm người bên ngoài hành lang của khoa. Nhận được tín hiệu “Code Grey”, ngay lập tức nhóm an ninh BV đã có mặt tại lầu 1, tri hô, rượt đuổi đối tượng; một nhóm an ninh đang ở vị trí khác quan sát camera theo dõi liên tục hướng di chuyển của đối tượng và thông tin qua bộ đàm cho nhóm an ninh thực hiện nhiệm vụ biết và phân bổ lực lượng ngăn chặn. Ngay khi đối tượng tháo chạy xuống sảnh trước đã bị lực lượng công an đến hỗ trợ bắt giữ (công an địa phương đến BV khi nhận được tín hiệu qua Code Grey).Vụ việc diễn ra khá nhanh, trong vòng 10 - 15 phút. Đó là một trong những minh họa có thật về hiệu quả của hệ thống xử lý sự cố an ninh, trật tự có tên là “Code Grey” của BV Nhân dân Gia Định.

Đặc điểm chính của hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong BV đó là khi kích hoạt “Code Grey”, ngay lập tức các lực lượng được phân công nhiệm vụ từ bảo vệ đến các nhân viên chuyên trách an ninh, trật tự trong BV, cùng sự chi viện và hỗ trợ kịp thời của công an địa phương sẽ nhanh chóng đến hiện trường và ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối an ninh, trật tự trong BV.

Trong năm 2019, đã có 31 trường hợp gây rối trật tự (mức độ 1) được đội an ninh BV xử lý nhanh chóng và 2 trường hợp gây rối có nguy cơ đe dọa, hành hung, có sử dụng hung khí như dao nhọn (mức độ 3); tất cả đều được xử lý nhanh gọn, hiệu quả, không gây tổn hại về con người và tài sản nhờ BV đã phát huy tốt tác dụng của “Code Grey”.

êkíp phẫu thuật robot của BV. Bình Dân đã phẫu thuật thành công cho 850 trường hợp về niệu khoa, ngoại tổng quát

Phần mềm quản lý, điều phối máy thở thông minh

Quản lý BV, quản lý chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến chủ trương chung của ngành y tế là phát triển BV thông minh. Theo BS.CKII. Võ Đức Chiến, Giám đốc BV. Nguyễn Tri Phương, hiện nay, một trong những lấn cấn của nhà quản lý là điều phối trang thiết bị y tế trong BV.

“Một thực tế là nếu không ứng dụng các công nghệ thông tin, nhà quản lý bị động rất nhiều trong điều phối nguồn lực một cách hợp lý.Đơn cử như quản lý và điều phối máy thở,” BS.Đức Chiến nhận xét.

Giống nhiều BV đa khoa khác trên địa bàn thành phố, với mỗi năm BV tiếp nhận và điều trị khoảng 45.000 lượt bệnh nhân nội trú, BV Nguyễn Tri Phương luôn ở trong tình trạng thiếu máy thở nghiêm trọng. Hiện nay, BV có khoảng 40 máy thở, nhu cầu sử dụng lại “mênh mông”, đặc biệt ở các khoa Nội như Nội Hô hấp, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Ngoại Thần kinh, Hồi sức Tích cực… Chỉ khoa Hồi sức Tích cực được ban Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương giao cho khoảng 10 máy cơ hữu để dành cho các bệnh nhân nặng. Còn các khoa khác, máy thở được điều phối linh động.

Trước đây, mỗi ngày, ban giám đốc BV. Nguyễn Tri Phương phân công điều dưỡng trưởng kiểm tra từng khoa xem bao nhiêu máy thở còn trống.Bệnh nhân cấp cứu nặng thiếu máy thở sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng. Nhưng, rất nhiều vấn đề đã xảy ra: mất thời gian khi gọi điện thoại để kiểm tra và điều phối; do luôn nằm trong tình trạng khan hiếm máy thở, nhiều khoa đã “cất giấu máy, để dùng dần”, đôi khi thông tin không chính xác dẫn đến những xung đột không tránh khỏi giữa các khoa…

Từ nhu cầu thực tế, BV.Nguyễn Tri Phương đã ứng dụng các công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý và điều phối máy thở. Với bộ cảm biến, khi phần mềm quản lý này kết nối với wifi, “toàn cảnh” máy thở của toàn BV được định vị và theo dõi rất rõ ràng.

“Qua đó, chúng tôi theo dõi được tín hiệu máy có hoạt động hay không bằng cách đo cường độ dòng điện. Cường độ dòng điện cao có nghĩa là máy đang hoạt động; cường độ thấp hơn một chút nghĩa là máy đang sạc pin; không có điện chạy qua đồng nghĩa máy ngưng hoạt động.Các khoa có thể biết được lẫn nhau để linh hoạt dùng khi có nhu cầu.Nhờ đó, tăng cường hiệu quả sử dụng máy thở cho bệnh nhân một cách tốt nhất, đánh giá được tình trạng cũng như số giờ đã sử dụng máy thở. Ngoài ra, kết nối dữ liệu về các bệnh nhân thở máy, tạo nên một kho nghiên cứu, tài liệu chứng cứ về khoa học… Bên cạnh đó, các máy thở sẽ được chủ động điều phối một cách tương ứng khi bệnh nhân có nhu cầu, càng nâng cao chất lượng điều trị”, BS.CKII. Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, thông tin.

Việc quản lý BV nhờ vậy không còn lúng túng và giúp các khoa luôn biết sẽ sử dụng được thiết bị từ khoa, phòng nào khi tiếp cận một bệnh nhân suy hô hấp có chỉ định thở máy, giảm thời gian “chạy khắp BV”. Trong bối cảnh quản lý BV thời đại 4.0, người quản lý BV cần nhất là giảm chi phí cũng như thời gian hành chính đang bị lãng phí, thay vào đó, có thể tập trung vào công tác chuyên môn và nhân lực trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân.“Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn BV” của BV. Nguyễn Tri Phương đã tạo ra được dòng real - time, một hoạt động thực trong quản lý BV, không có sự can thiệp bằng thủ công. Trong hội thảo quốc tế y tế thông minh nhằm giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân do UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM tổ chức, ứng dụng này đã được trao giải nhì.

- Ngoài các giải pháp trên, Sở Y tế TP.HCM còn trao một giải nhất cho “Giải pháp thay thế CPU truyền thống bằng Raspberry Pi giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường” của BV Nhi đồng 1.
- 6 giải nhì thuộc về “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật ngoại thần kinh: robot Modus V Synaptive” của BV Nhân dân 115; Các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ “vườn ươm sáng tạo” của BV Quân dân y Miền Đông; “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiếp cận y học cá thể trong điều trị ung thư” của BV Ung bướu TP HCM; “Phần mềm quản lý báo cáo sự cố: IRS” của BV Hùng Vương; “Hệ thống cảnh báo nguy cơ dinh dưỡng để can thiệp sớm” của BV Chợ Rẫy; “Phần mềm quản lý sử dụng kháng sinh hạn chế” của BV Bệnh Nhiệt đới.
- 8 giải ba thuộc về “Hệ thống nhắc kê đơn cho bác sĩ nhi khoa” của BV Nhi đồng 1; “Ứng dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích” của BV Ung bướu TP HCM; “Giải pháp điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện” của Trung tâm Cấp cứu 115; “Phần mềm giám sát tuân thủ an toàn người bệnh trong phẫu thuật” của BV Nhi đồng 1; “Ứng dụng công nghệ làm tăng thêm giá trị của hệ thống xét nghiệm” của BV Nhi đồng Thành phố; “Phần mềm để người bệnh cùng kiểm tra thông tin trước mổ” của BV Mỹ Đức Phú Nhuận; “Thân thiện hóa giọng đọc của máy khi gọi tên người bệnh” của BV Quận 1; “Ứng dụng camera thông minh giám sát rửa tay” của BV Truyền máu - Huyết học.
-Giải triển vọng thuộc về sản phẩm “Các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ “vườn ươm sáng tạo”” của BV Quân dân Y Miền Đông.


AN QUÝ - THIÊN CHƯƠNG
Ý kiến của bạn