Những giải pháp nâng cao chất lượng dân số phù hợp với yêu cầu phát triển

22-12-2021 18:25 | Y tế

SKĐS - Trong những năm qua, ngành dân số đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số hiệu quả nhất, phù hợp từng vùng, từng đối tượng cụ thể, đặc biệt vùng sâu, vùng xa nơi có đông đồng bào dân tộc ít người.

Với nguyên tắc chung của Đảng là lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành TW Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm "Tiếp tục chuyển trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang Dân số và Phát triển" xác định: Công tác dân số cần chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Các chuyên gia nhận định, Nghị quyết 21-NQ/TW là bước ngoặt của chính sách dân số hay nói cách khác là một cuộc cách mạng về chính sách dân số ở Việt Nam. Nghị quyết 21-NQ/TW đã tổng kết những thành công, đồng thời cũng nhìn nhận rõ những hạn chế của công tác dân số và chỉ rõ những vấn đề dân số, những tác động của nó đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm, Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra  quan điểm, mục tiêu, giải pháp mới cho chính sách dân số của nước ta trong tình hình mới.

Những giải pháp nâng cao chất lượng dân số phù hợp với yêu cầu phát triển - Ảnh 1.

Cộng tác viên dân số xã Tây Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) tuyên truyền cho người dân về công tác DS-KHHGĐ. Ảnh: Báo Hoà Bình

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 21, ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chiến lược đề ra 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, ngay trong nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên của Chiến lược đã nêu rõ: Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW, bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Đưa công tác dân số hành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.

 Trong 4 năm qua để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 21, ngành dân số cùng các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực, quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số phù hợp với yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới.

Mặc dù khối lượng công việc cần thực hiện Nghị quyết 21 rất lớn, vẫn còn một số văn bản đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành, nhưng thông qua việc triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và văn bản đã ban hành, có thể nói Nghị quyết 21 đã từng bước đi vào cuộc sống. Ngành dân số đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số hiệu quả nhất, phù hợp từng vùng, từng đối tượng cụ thể, đặc biệt vùng sâu, vùng xa nơi có đông đồng bào dân tộc ít người.

Bên cạnh công tác thông tin truyền thông, ngành đã chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình ở các địa phương có những bước chuyển biến rõ rệt.

Ngành dân số các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển; các chương trình kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, chương trình Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tiếp tục duy trì và phát triển hiệu quả. Đề án mở rộng sàng lọc trước sinh và sau sinh đang triển khai tại các cơ sở y tế công lập, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước và sau sinh nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các bệnh, dị tật bẩm sinh…

Chất lượng chăm sóc sức khoẻ - kế hoạch hoá gia đình có nhiều chuyển biến nhờ Nghị quyết 21Chất lượng chăm sóc sức khoẻ - kế hoạch hoá gia đình có nhiều chuyển biến nhờ Nghị quyết 21

SKĐS - Trong những năm qua, ngành Dân số chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hoá gia đình, sức khỏe sinh sản cho người dân nói chung có những bước chuyển biến đáng kể...

Hoàng Nguyên
Ý kiến của bạn