Những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phía Bắc

27-10-2021 19:16 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Ngay từ trong cao điểm dịch bệnh COVID-19, và sau khi nới lỏng, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái đã có những hỗ trợ cụ thể đối với người lao động, doanh nghiệp, đặc biệt khi có một lực lượng lao động lớn trở về địa phương.

Lo cho lao động hồi hương

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động sử dụng trên 60 nghìn lao động thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Trong đó, có 305 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động với trên 20 nghìn lao động bị ảnh hưởng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020), 42 doanh nghiệp đã giải thể; ngoài ra còn có 14 doanh nghiệp phải thu hẹp, dừng sản xuất một bộ phận với 364 lao động bị ảnh hưởng.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã đều giảm; đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ - du lịch, giao thông vận tải.

Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, Lào Cai có trên 28,3 nghìn lao động đang làm việc tại các địa phương trên toàn quốc. Kể từ khi bùng phát dịch trong năm 2021 đến nay, đã có hơn 15 nghìn lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh trở về Lào Cai từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phía Bắc - Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND huyện Bảo Yên, Lào Cai trao kinh phí hỗ trợ cho người từ vùng dịch Bình Dương trở về.

Đặc biệt, thực hiện Nghị Quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tính đến ngày 25/10, đã có 11/12 nhóm đối tượng phát sinh hồ sơ (chưa phát sinh hồ sơ đối với nhóm Hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động), với tổng số 4.429 đối tượng với kinh phí hỗ trợ trên 13,8 tỷ đồng. Riêng đối với nhóm hỗ trợ tiền mặt, các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chi trả cho 3.043 đối tượng, tổng kinh phí đã chi trả là trên 4,7 tỷ đồng; trong đó, toàn tỉnh đã có 1.461 lao động không có giao kết hợp đồng lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ 2,179 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã triển khai gói hỗ trợ cho cả người lao động và doanh nghiệp. Tính đến ngày 25/10, toàn tỉnh giải quyết chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 9.899 người lao động với tổng số tiền trên 25,2 tỷ đồng. Dự kiến có khoảng 1.358 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/2021 - 30/9/2022) với tổng số tiền khoảng 17,4 tỷ đồng.

Nhờ vậy, trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho  trên 10,3 nghìn lao động, đạt 76,5% kế hoạch năm; trong đó có 1.897 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm; có 66 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tổ chức được 10 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và lưu động tại các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà với 11 doanh nghiệp và trên 900 lao động tham gia.

Đặc biệt, để hỗ trợ người dân Lào Cai đi làm việc ngoài tỉnh quay trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh COVD-19, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp, nắm bắt tình hình lao động của tỉnh đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; theo dõi tình hình lao động đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và giải quyết việc làm. Trong đó, có khoảng hơn 8 nghìn lao động bị mất việc làm trở về địa phương; trong số lao động này có một số bộ phận đã chuyển đổi sang làm nông nghiệp, một số đã tìm được việc làm và còn khoảng gần 2 nghìn người hiện đang không có việc làm.

Yên Bái sớm hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều tỉnh thành khác phía Bắc cũng sớm có những giải pháp trợ giúp doanh nghiệp. Ngay từ tháng 8/2021, vào đợt đỉnh điểm của dịch COVID-19, tỉnh Yên Bái mở rộng quy mô và đối tượng hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" mà Chính phủ đề ra.

Để đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19, UBND tỉnh Yên Bái đã chuyển trạng thái hoạt động, bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị, thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính.

Những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phía Bắc - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhận được sự hỗ trợ để phục hồi.

Tỉnh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Yên Bái đặc biệt quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản, du lịch, vận tải, xuất khẩu trong việc giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ vốn vay doanh nghiệp.

Kết quả, các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được triển khai kịp thời và phát huy tác dụng. Tổng dư nợ cho doanh nghiệp vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến 31/7/2021 là 7.067 tỷ đồng chiếm 25,42% tổng dư nợ trên toàn tỉnh; trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 348 khách hàng với dư nợ là 208 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 135 khách hàng với dư nợ là 250 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động được tỉnh Yên Bái triển khai kịp thời, thiết thực. Tính đến tháng 8/2021 đã chi trả cho số lao động bị mất việc hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 31 tỷ đồng; có 4 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc với số tiền là 603 triệu đồng; hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để đào tạo 5.481 lao động nông nghiệp chuyển sang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cũng đang tiếp tục đề xuất, tham mưu cho tỉnh một loạt giải pháp hỗ trợ như: gia hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội; hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị; miễn, giảm và gia hạn nộp tiền thuê đất, đồng thời hướng dẫn thực hiện ngay việc miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Minh Thu
Ý kiến của bạn