Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, chỉ trong 3 ngày, sau khi chính thức đi vào hoạt động, BV huyện Củ Chi có tên mới là “BV điều trị COVID-19 Củ Chi” đã tiếp nhận 192 bệnh nhân COVID-19 và đã tiến hành chạy thận tại chỗ cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Bệnh nhân mắc COVID-19 đang được chạy thận tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi
Điều đặc biệt đáng được ghi nhận là có 5 bệnh nhân dương tính COVID-19 được chạy thận ngay tại bệnh viện này. Ngoài ra, các can thiệp phẫu thuật cấp cứu, nội soi tiêu hoá can thiệp, can thiệp sản khoa trên bệnh nhân COVID-19 hoàn toàn có thể thực hiện ngay tại đây mà không phải chuyển về các bệnh viện chuyên khoa của thành phố.
Với việc đưa vào hoạt động BV điều trị COVID-19 Củ Chi, ngành y tế thành phố hoàn toàn không bị động trong việc tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng khi phải phong tỏa BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM như những ngày qua.
Ngoài ra, mô hình “tách đôi” BV Phạm Ngọc Thạch thành 2 khu vực riêng biệt, 1 khu vực tiếp tục điều trị bệnh nhân mắc bệnh lao, 1 khu vực chuyên điều trị bệnh phổi không do lao; và hiện chỉ tiếp nhận bệnh COVID-19 có bệnh cảnh lâm sàng nặng cũng bắt đầu phát huy tác dụng, đã thật sự “chia lửa” cho BV Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Mô hình bệnh viện tách đôi tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã góp phần "chia lửa" cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
Tính từ ngày chính thức đi vào hoạt động (13/06/2021), Đơn vị điều trị COVID-19 của BV Phạm Ngọc Thạch đã tiếp nhận 10 trường hợp COVID-19 có bệnh cảnh suy hô hấp được chuyển về từ BV điều trị COVID-19 Cần Giờ.
Đây là kết quả bước đầu của ngành y tế thành phố trong việc triển khai kế hoạch 5.000 giường điều trị cho người mắc COVID-19 theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM.
Theo đó, ở thời điểm hiện nay ngành y tế đã hiện thực hóa 2.500 giường tại các bệnh viện, bao gồm: BV Dã chiến Củ Chi (300 giường), BV Điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường), BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM (400 giường), BV điều trị COVID-19 Củ Chi (500 giường), BV Phạm Ngọc Thạch (500 giường), BV Nhi Đồng Thành phố (100 giường), BV Nhi Đồng 2 (60 giường), BV Chợ Rẫy (40 giường).
Sắp tới, ngành y tế sẽ sẵn sàng triển khai kế hoạch 3.500 giường với 1.000 giường tại BV Trưng Vương khi có yêu cầu.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc chọn một bệnh viên đa khoa (BVĐK) để chuyển đổi công năng bước đầu phát huy được lợi thế vốn, khi các BVĐK có sẵn các chuyên khoa để kịp thời giải quyết những bệnh lý phát sinh ở bệnh nhân COVID-19; không phải chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của thành phố, giúp giảm nguy cơ lây lan dịch tại các bệnh viện này.
Điều này càng phát huy hiệu quả khi ngành y tế huy động các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố luân phiên hỗ trợ chuyên môn và can thiệp tại chỗ. Như trường hợp BV điều trị COVID-19 Củ Chi nhận được sự hỗ trợ luân phiên các bác sĩ chuyên khoa của BV Nhân dân Gia Định và một số BVĐK, chuyên khoa khác của thành phố.