Bác sĩ phẫu thuật Antonio Egas Moniz. |
Cắt não bệnh nhân để chữa bệnh – sáng kiến hay là “tối kiến”?
Đây là câu chuyện của y học vào những năm 40 của thế kỷ XX. Chuyện liên quan đến một nhân vật nổi tiếng, Antonio Egas Moniz, bác sĩ phẫu thuật kiêm chính trị gia người Bồ Đào Nha. Ông đã được nhận giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu và hoàn thiện phương pháp điều trị những rối loạn tâm thần trầm trọng bằng cách phẫu thuật cắt bỏ thùy não.
Năm 1936, nhằm mục đích điều trị hội chứng hoảng loạn cho người bệnh, bác sĩ Moniz đã nghĩ ra cách cắt bỏ thùy não trước của các bệnh nhân điên trầm trọng, bởi ông cho rằng đó là phần não đã hỏng hóc nên mới gây ra căn bệnh điên như vậy. Ông cũng chính là người thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên với dụng cụ là một chiếc búa chuyên dùng khoan xương và chiếc kẹp đá vẫn dùng để pha rượu uýt-xky. Sau ca phẫu thuật, quả nhiên bệnh nhân bớt hoảng loạn, phá phách và trở nên trầm tính hơn hẳn. Khi ấy trong giới chuyên môn đã có người nghi ngờ rằng hiệu quả của phương pháp này chỉ mang tính chủ quan và không bền vững. Mặc dù vậy, phương pháp phẫu thuật thùy não để chữa bệnh tâm thần của Moniz vẫn được báo chí lúc bấy giờ ca ngợi và mô tả như một phát minh vĩ đại, mở ra một kỉ nguyên mới trong việc điều trị bệnh tâm thần. Phương pháp này từng được phổ biến rộng rãi và làm nên sự nghiệp lớn trong suốt những năm 40 của thế kỷ trước. Người ta nhận thấy rằng nó hiệu quả hơn các cách làm vẫn được áp dụng trước đó như nhốt trong lồng sắt, tắm bằng nước lạnh hay cho điện giật..., đồng thời chi phí cũng ít tốn kém hơn nhiều so với việc phải nuôi dưỡng người bệnh trong nhà thương điên.
Năm 1949, công trình của Moniz được trao giải Nobel về sinh lý học – y học. Bản thân tác giả của nó cũng bất ngờ về giải thưởng dành cho cái gọi là “phương pháp điều trị rối loạn tâm lý bằng phẫu thuật cắt thùy não” bởi ông vẫn cho rằng phương pháp chụp hình não bộ bằng tia Xquang mới là thành công lớn nhất trong sự nghiệp của mình.
Nhờ uy tín của giải Nobel, các cuộc phẫu thuật kiểu này nhanh chóng được phổ biến và tiến hành trong các bệnh viện hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Liên Xô cũ... Tại Mỹ và châu Âu, người ta thậm chí còn áp dụng nó cho cả đối tượng đồng tính luyến ái để giúp họ “lấy lại nền tảng đạo đức”. Tại Nhật Bản, người ta áp dụng với những đứa trẻ cứng đầu, hiếu động. Thế nhưng, không lâu sau khi giải thưởng được trao cho Moniz, phương pháp chữa bệnh tâm thần bằng búa đục xương và kẹp đá đó đã bộc lộ những sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng tai hại đối với sức khỏe của bệnh nhân. Sau ca phẫu thuật như thế, bệnh nhân mất luôn bản ngã của riêng mình, trở nên không hồn và vô cảm. Đó là chưa kể có những ca bệnh nhân tắt thở ngay trên bàn phẫu thuật. Thế nhưng chờ đến khi các bác sĩ phẫu thuật thần kinh tẩy chay liệu pháp dã man này thì cũng đã có tới gần 70.000 người trên toàn thế giới trở thành nạn nhân của nó, trong số đó có cả em gái của cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy. Chỉ tính riêng tại Mỹ, người ta đã kịp “làm thay đổi” cá tính của trên 50.000 người bệnh cùng những công dân hoàn toàn khỏe mạnh song có tư tưởng chính trị không phù hợp với giới cầm quyền. Phương pháp này hiện nay đã chính thức bị bãi bỏ trên toàn thế giới vì lý do thiếu tính khoa học. Nhiều nhà khoa học và những người dân từng suýt trở thành nạn nhân của liệu pháp trên cũng đã đưa đơn kiến nghị Ủy ban Nobel thu hồi giải thưởng, tuy nhiên kiến nghị này đã bị từ chối. Các thành viên của Ủy ban này bao biện rằng: “Chúng tôi cảm thấy hài lòng khi có thêm nhiều phương pháp có hiệu quả hơn và nhân đạo hơn đã được áp dụng trong điều trị những bệnh tâm thần”.
Một ca phẫu thuật. |
Chữa bệnh giang mai bằng... máu người sốt rét!
Cho đến nay, thiên hạ không còn áp dụng cái gọi là “liệu pháp sốt rét” – công trình từng mang lại giải thưởng Nobel cho Junius Wagner Jauregg (1857 - 1940) bởi mỗi khi nhắc đến nó người ta lại liên tưởng đến một trò lừa bịp của phù thủy. Giang mai, bệnh hoa liễu thời đó không thể chữa trị, đến giai đoạn cuối thường tấn công các cơ quan nội tạng và não bộ, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, bại liệt, rối loạn tâm lý, tổn thương tủy sống. Trước tình trạng nan giải như thế, vị bác sĩ người Áo Julius Wagner Jauregg đã đưa ra sáng kiến lấy máu bệnh nhân sốt rét tiêm vào cơ thể người bệnh giang mai để điều trị bệnh! Sau đó người ta đã nhận ra rằng việc điều trị như vậy không những không hiệu quả mà còn rất nguy hiểm. Nó khiến cho số người bị bệnh sốt rét tăng vọt trong khi số người bị bệnh tâm thần vì giang mai không hề giảm bớt. Nên lưu ý chi tiết: đến mấy thập kỷ đầu thế kỷ 20, số người tâm thần do giang mai chiếm tới 1/3 tổng số bệnh nhân trong các nhà thương điên. Mãi tới những năm 40 của thế kỷ này, nhờ sử dụng penicilin – phát minh mới của Fleming thì số người bệnh tâm thần do giang mai bị nhốt vào nhà thương điên oan trái mới được trả tự do. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, người ta cũng không thể hiểu tại sao một sáng kiến phi khoa học như vậy lại được người ta trao giải thưởng Nobel – một giải thưởng mà tất cả các nhà khoa học chân chính đều mong muốn.
Ký sinh trùng gây bệnh... ung thư?
Ngoài giải thưởng trao cho một số công trình phi khoa học như “phương pháp phẫu thuật thùy não bằng búa và kẹp đá” hoặc “dùng máu bệnh nhân sốt rét chữa bệnh giang mai”, Ủy ban giải thưởng Nobel còn mắc một sai lầm nghiêm trọng khi quyết định trao giải cho Johannes Fibiger (1867 -1928) vào năm 1926 nhờ công trình phát hiện ra... ký sinh trùng gây ung thư có tên là Spiroptera carcinoma. Nhà vi trùng học và bệnh học người Đan Mạch này khẳng định rằng, những ký sinh trùng mà ông nghiên cứu đã gây ra ung thư cho chuột trong phòng thí nghiệm. Phát hiện của ông được Ủy ban giải thưởng Nobel đánh giá cao, nếu đúng vậy thì nó sẽ mở ra một con đường để nhân loại chiến thắng căn bệnh nan y ung thư. Nghiên cứu phi lý này đã bị lật tẩy khi không một nhà khoa học nào lặp lại được thí nghiệm mà tác giả của giải thưởng Nobel y khoa năm 1926 mô tả. Những thí nghiệm sau đó chỉ duy nhất chỉ ra rằng, một số ký sinh trùng có thể góp phần dẫn đến sự xuất hiện của ung thư, chủ yếu là các ký sinh trùng đã bị nhiễm virut ung thư. Nhà bác học Mỹ Peyton Rous (1879 - 1970) đã chứng minh được điều đó vào 4 năm sau “phát kiến” của Johannes Fibiger. Cũng may, sai lầm lớn này không cướp đi mạng sống của con người như phương pháp phẫu thuật thùy não. Tuy nhiên, những sai lầm này cho thấy, Ủy ban giải thưởng Nobel phải thận trọng khi lựa chọn và có những quyết định cứng rắn về việc rút lại những phần thưởng sai lầm đã được trao.
Duy Anh (Theo Novate)