Những ca khúc sáng tác về Đảng, ca ngợi Đảng hay truyền đạt tinh thần cách mạng của Đảng với sự nghiệp cách mạng dân tộc đều có những tâm thế rạo rực và thiêng liêng của một dân tộc làm điểm tựa cho những cảm xúc chân thành và sâu sắc trong trái tim nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Tạ Quang Thắng - tác giả bài Lá cờ.
Đúng như nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng nói, có những ca khúc ông mới vừa viết ra đã không còn là của riêng mình nữa, mà nó thuộc về mọi công dân nước Việt. Bởi bài hát dường như được nảy sinh ra từ cảm xúc trào dâng mang tinh thần của một cộng đồng dẫn dắt. Lấy ví dụ bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng chẳng hạn. Suối nguồn âm nhạc được cất lên từ tâm hồn đất nước. Một niềm vui tràn ngập và bất tử được hòa tan trong khúc khải hoàn ca vang lên với sức sống mãnh liệt… Trong hàng trăm ca khúc viết về Đảng, trong hơn 60 năm qua, nếu tính từ bản Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam của nhạc sĩ Đỗ Minh, sáng tác năm 1951, ta có thể coi đây là một kho tàng quý báu nhất trong nền âm nhạc cách mạng nước nhà. Nếu điểm qua, ta thấy có nhiều ca khúc được nhiều người yêu thích và những bài hát đó được phổ cập rộng rãi trong đời sống dân chúng. Đó là những ca khúc hay và được sống mãi với thời gian như: Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam (Đỗ Minh); Lá cờ Đảng (Văn An); Đảng là cuộc sống của tôi (Nguyễn Đức Toàn); Đảng đã cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên); Tiến bước dưới cờ Đảng (Văn Ký); Từ khi có Đảng (Nguyễn Xuân Khoát); Lá cờ Đảng (Trần Hoàn); Vững bước dưới cờ Đảng (Phạm Đình Sáu); Đường đi có nắng mặt trời (Hồng Đăng); Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi (Huy Du)... Đặc điểm nổi bật là những ca khúc viết về Đảng và Bác Hồ đều có những giai điệu và lời ca giản dị, chân thành, xuất phát từ trái tim và tâm hồn của người nhạc sĩ hết sức yêu thương và kính trọng Đảng, Bác. Những nhạc sĩ tình nguyện đi theo Đảng và Bác, hoạt động cách mạng với tinh thần yêu nước và sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Sự hòa chung với lý tưởng cách mạng đã đem lại những cảm xúc chân thành, hồn nhiên trong mỗi sáng tác âm nhạc.
Mỗi nhạc sĩ đều có những kỷ niệm sâu sắc khi bắt tay viết những nốt nhạc đầu tiên về cách mạng. Và mỗi bài hát viết về Đảng thường bao giờ cũng thể hiện cốt cách và phẩm chất của một chiến sĩ dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nhạc sĩ Đỗ Minh là một trong những trường hợp điển hình trong những nhạc sĩ có những bài hát hay viết về Đảng. Ông là một người công giáo ở Nam Định và hoạt động trong ban nhạc nhà thờ từ khi còn nhỏ. Nhạc sĩ tham gia cách mạng ở địa phương từ năm 1943, khi mới 17 tuổi. Sau đó lên chiến khu Việt Bắc, ông tham gia chiến đấu trong Sư đoàn 308 liên tục trong 8 năm trời. Đến năm 1951, cảm xúc chân thành cùng với vốn sống được trải nghiệm trong kháng chiến, ông đã sáng tác bài hát Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng lần thứ hai, năm 1951, tổ chức tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Khi đó, nhạc sĩ Đỗ Minh chỉ là một chiến sĩ, một cán bộ tuyên truyền bình thường và chưa là đảng viên. Số phận bài hát thật vẻ vang, rất được các chiến sĩ và đồng bào yêu thích. Lời bài hát luôn được vang lên trong mỗi chiến hào mỗi khi các chiến sĩ bước vào mặt trận. Nó có sức sống trường tồn từ đó. Sau này, bài hát được trở thành phổ biến mỗi khi có những hoạt động của tổ chức Đảng. Và bài hát được coi là Đảng ca, sau đổi tên thành bài: Ca ngợi Đảng cộng sản Việt Nam chính thức từ đó. Với hình ảnh đẹp và giai điệu trang trọng, trầm hùng, tạo nên sức hòa cảm hết sức chân thành giữa lý tưởng của Đảng với tâm hồn con người. Bài hát được nhanh chóng đi vào đời sống là vì thế. Đến đâu lời bài ca cũng vang lên với niềm hy vọng vô bờ: “Vừng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên. Đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới. Ngàn triệu dân, siết tay nhau, đứng quanh Đảng Cộng sản Việt Nam. Khối kết đoàn công nông bền vững...”.
Sự phấn đấu của nhạc sĩ Đỗ Minh còn liên tục phát triển sau đó, bởi mãi tới 16 năm sau, tính từ thời gian sáng tác bài hát Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1967, ông mới được kết nạp vào Đảng. Hơn nữa, liên tục sau đó, nhạc sĩ Đỗ Minh còn viết được thêm một số ca khúc hay về Đảng như: Đảng người mẹ quan vinh và Tiến bước dưới lá cờ Đảng. Riêng bài Đảng người mẹ quang vinh đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải Nhì năm 1967. Cùng với đó, không ít bài hát của ông viết về Bác Hồ hay đề tài quê hương cũng đều mang âm hưởng sâu sắc về Đảng được hòa nhập trong cảm xúc. Trong số đó có những bài như: Bác Hồ Chí Minh, viết năm 1976 hay ca khúc Ghi nhớ công ơn Người, năm 1994...
Cùng với hiện tượng âm nhạc Đỗ Minh, ta còn thấy bên cạnh ông có không ít nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Đảng rất hay như Nguyễn Đức Toàn, Văn An hay Phạm Tuyên... Ở mỗi nhạc sĩ này, họ không chỉ có một bài mà có những chùm ca khúc về Đảng. Tiêu biểu có thể kể đến nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ông có tới 3 bài hát được chọn vào trong “Top Ten” ca khúc hay nhất viết về Đảng như: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng và Màu cờ tôi yêu. Đó là những ca khúc hàng ngày vang lên trong lòng người yêu âm nhạc. Những ca khúc được nhiều thế hệ nhạc sĩ viết về Đảng.
Mới nhất, ta có thể nhắc đến Lá cờ của nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng, thế hệ 8X. Họ tiêu biểu cho lớp nhạc sĩ mới lớn lên trong hòa bình. Họ hiểu về Đảng thông qua những cuộc sống đã trải qua trong chiến đấu và mất mát của người cha, người mẹ. Từ đó, họ nhận biết về một lý tưởng cách mạng và họ tin con đường mình đang đi dưới lá cờ cách mạng. Lớp trẻ thể hiện nỗi xúc động mãnh liệt của mình bằng những giai điệu và lời ca dạt dào cảm xúc:
“Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc- Nam
Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha
…
Chuyện của cha tôi
Là những giấc mơ dở dang
Là xếp bút nghiên, chiến đấu vì một màu cờ đỏ tươi thấm máu bao người
Chuyện của mẹ tôi
Là cất tiếng ca cho đời
Là đến những nơi xa xôi với những con người cài ngôi sao vàng trên mũ
…
Rồi ngày tháng trôi
Bao đổi thay đến với cuộc đời
Thì trong trái tim tôi luôn tự hào là người Việt Nam
Màu cờ thắm tươi vẫn phấp phới với những cuộc đời
Lòng bồi hồi nhớ”
(Trích Lá cờ -
Tạ Quang Thắng)
Vương Tâm