Có người được đẻ ngay tại ruộng, lớn lên bằng hương vị ngọt ngào pha lẫn những suy tư, nhọc nhằn. Bao mùa mưa nắng đi qua, giấc mơ làm nông dân thời hội nhập luôn thôi thúc những đôi tay cần mẫn tạo nên các dấu ấn cho quê hương, đất nước.
Đổi thảnh thơi lấy nhọc nhằn
Ngồi trong căn lều tạm giữa con đường bê tông xuyên qua rẫy thanh long bạt ngàn, ông Lê Minh Khối (xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) vuốt ngược mái tóc xác xơ bởi nắng gió rồi kể về khát vọng đời mình, đầy vẻ truân chuyên.
Đặc sản thanh long đã tạo nên đời sống ấm no cho hàng vạn người ở Bình Thuận.
Sinh ra từ đất quê, bám vào đất, đổ mồ hôi, nước mắt vào đất, ông Khối nghiệm ra và thổ lộ rằng: Những ai lớn lên, đi qua những năm tháng tận mắt chứng kiến người thân của mình gắn bó cuộc đời với cây thanh long sẽ tự thấm tình yêu với loài cây ấy. Đó là thứ tình yêu cho nông dân hạnh phúc, ám ảnh, khắc khoải và cả những phập phồng chờ mong nữa. Hơn thế kỷ trước, ông nội tôi đã gắn với cây thanh long. Từ vài trăm gốc, đủ trang trải cuộc sống qua ngày, đến giờ đã lên đến 5.000 gốc. Có mùa thất bát, lãi ngân hàng không kịp trả, “cò” khắp nơi túa về gom đất, thuê đất để trồng thứ cây khác an nhàn hơn nhưng không ai ở “thủ phủ” thanh long này bán đất hay chuyển đổi cây trồng cả vì tình yêu đã dành trọn cho loài cây ấy.
Năm 2017 thời tiết khắc nghiệt, cuối năm 2018 giá thanh long giảm sâu, hàng trăm chủ vườn mang gương mặt như tàu lá héo. Đúng lúc ấy, những kẻ lạ mặt len lỏi vào xóm làng dụ mời mua thuốc bảo quản, hàng tháng trời thanh long vẫn tươi rói. Vậy nhưng, nhà nhà đều tuyệt đối khước từ, dẫu bán không kịp, phải cho bò ăn.
Ba đời gắn bó với thanh long, bà Nguyễn Thị Lê (xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam) quả quyết rằng: Gửi vào từng trái thanh long Bình Thuận là khát vọng của nông dân, chủ vườn. Thương hiệu an toàn đã được khẳng định bao lâu nay, không thể gian dối được. Vì cái lợi trước mặt là điều cấm kỵ với những người yêu thanh long thực sự.
Hàng loạt ngôi làng xưa nằm giữa đất cằn, đồi hoang giờ thành hình hài của thị trấn, thị tứ lọt thỏm giữa bạt ngàn thanh long, trắng đêm sáng đèn. Loài quả ngắm nhìn thì mê, ăn vào thì mát dịu còn lan tỏa đi khắp nơi trong nước lẫn quốc tế đã vun đắp những giấc mơ, khát vọng miền đất này được bền vững hơn. Hiện diện trong từng bữa ăn, nâng cao sức khỏe, tăng thu nhập, mua được xe tốt, dựng được nhà cao đều nhờ thanh long nên bà Vũ Thị Hồng (xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam) luôn xem loài quả này là “đặc ân” của đời mình. Bà Hồng sẻ chia rằng: Chả riêng gì tôi mà hàng ngàn gia đình khác cũng sống được và khá lên nhờ thanh long. Sản phẩm này không chỉ là của địa phương nữa mà sẽ thành thương hiệu của đất nước. Cái tên “thanh long Bình Thuận” đã neo vào ý nghĩ nhiều người từ Nam chí Bắc. Có những ngày thấm đẫm nước mắt bởi mất mùa, phập phồng âu lo vì rớt giá, thương lái chưa đến mua. Nhưng xáo trộn nào rồi cũng sẽ qua đi thôi, mình cứ vẹn nguyên ước vọng góp một phần sức lực xây dựng thương hiệu chung an toàn tuyệt đối, cô đọng vào đó tính cần cù, chân thật làm dấu ấn để mọi người nhớ đến Bình Thuận nói riêng, Việt Nam nói chung thì đó là niềm hạnh phúc vô giá rồi.
Hiện gia đình bà Hồng có hơn 1.600 gốc thanh long. Dùng kỹ thuật mới cũng như biện pháp chong đèn điện có thể “bắt” cây đơm hoa, kết trái suốt bốn mùa, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 người. Ai cũng chung giấc mơ tên sản phẩm quê hương mình ngày càng vang xa.
Sau 12 năm dấn thân nơi phố thị, kinh doanh đủ đường, đọng lại sâu sắc nhất trong tâm tưởng anh Nguyễn Văn Thành (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) vào những đêm khuya vắng lại là những chộn rộn, khắc khoải về cây đặc sản ở quê. Khi cha, mẹ già khuất núi, Thành quyết định về quê làm giàu, dẫu lắm nhọc nhằn. Anh bảo: Mình bị đẻ rơi trên chính ruộng thanh long, suốt chiều dài tuổi thơ, mọi câu chuyện kể đều liên quan đến cây này. Thế nên cứ có cảm giác đó là bạn tri kỷ của mình vậy. Nhớ nhất là những đêm trắng cùng người thân đi ngắm các búp hoa dần bung nở và cầu mong vụ mùa bội thu. Giờ, từ dã kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh về gắn bó với ruộng thanh long như mỗi ngày được sống với hình ảnh gần gũi, thương mến vậy. Khát vọng lớn nhất là ngoài việc cùng bà con xây dựng thương hiệu thì tạo nên chuỗi liên kết với các siêu thị bán sản phẩn an toàn để tiêu thụ trong những mùa nghịch (trái mùa, số lượng ít).
Vị ngọt riêng đã giúp thanh long Bình Thuận xuất đi trong nước và quốc tế.
Nhà lầu từ quả ngọt
Sẽ không ngạc nhiên khi có nhiều triệu phú ở Bình Thuận đi lên từ thanh long vẫn luôn tự hào mình là nông dân. Tinh thần tương trợ, giúp nhau vượt qua mọi gian nan thẩm thấu vào từng người. Ít năm trước, xã Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) còn nghèo nàn nhưng điều ấy giờ đây chỉ còn váng vất trong ký ức.
Đi qua những ngày buồn bằng niềm tin bền bỉ, ông Lê Trực ở xã Tân Thuận tâm tình: Có dạo thanh long được đẩy giá cao rồi tụt xuống đáy, nhiều người muốn nhổ bỏ, nhiều tháng trời đi đâu cũng nghe toàn chuyện buồn. Có người còn nảy ý định phun thuốc kích thích cho trái nhanh lớn để bù lỗ nhưng thôn nào người dân cũng tự lập một nhóm giám sát, người nọ canh chừng người kia, ai có ý định xấu sẽ bị chặn lại ngay. Ngay việc trộn thanh long nơi khác với thanh long Bình Thuận cũng bị cấm. Từ tính cách đến sự chăm sóc đặc biệt đã tạo nên vị thanh long Bình Thuận không thể lẫn vào đâu, vì vậy ngày càng nhiều người ưa chuộng hơn. Những căn nhà lầu, những triệu phú cũng dần hiện hữu.
Với 2.000 gốc thanh long, ông Trực cũng như hàng chục người khác thu nhập trung bình mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Ngay những vụ trái mùa như vụ thu hoạch đầu năm 2019 cũng lời hàng trăm triệu đồng. Vượt khó trên đất quê, ông Đậu Quang Hoàng (thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận) bộc bạch: Người dùng trong và ngoài nước tin ở thanh long Bình Thuận là một đặc sản an toàn tuyệt đối cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng. Vậy nên, mỗi cá nhân chúng tôi đều tự nhủ với lòng mình đừng làm gì để ảnh hưởng đến niềm tin ấy. Mỗi gia đình đều tự hào về sản phẩm của mình thì cuộc sống sẽ ấm no lên thôi. Bây giờ, nhà lầu ở xã đếm không xuể.
Nhờ thanh long, cái rốn đói nghèo và lạc hậu của huyện Hàm Thuận Nam là thôn Hiệp Nhơn (xã Tân Thuận) đã “lột xác” thần kỳ. Xe ôtô chuyên chở nông sản đã có thể lướt trên những con đường bê tông ra tận ruộng rẫy. Ông Võ Lâm gắn gần trọn đời mình với thăng trầm của cây thanh long, kể: Có đến nửa thôn thành triệu phú rồi. Mừng lắm. Cái quý là cuộc sống đổi thay là thế nhưng tính giản dị và tinh thần tương ái vẫn như thuở hàn vi. Nhà giàu giúp nhà nghèo, “lá lành đùm lá rách”. Đặc biệt, mọi người luôn nhắc nhở nhau không được làm ẩu trong quá trình trồng và chăm sóc thanh long.
Như mặc định thành thói quen, nhiều năm nay, anh Nguyễn Hoàng ở xã Tân Thuận lại đi vận động những gia đình khá giả gom góp trợ giúp cho các gia đình nghèo hoặc người đang thiếu tiền để chăm sóc thanh long. Anh bảo: Cả xã này có 2.800 hộ gia đình canh tác thanh long ứng với khoảng gần 2.000 ha, giá thanh long thường giao động 16-20 ngàn đồng/kg nên ai cũng no đủ. Cũng bởi trong thanh long có vitamin B, vitamin C, protein, potassium, nước, kali, canxi, chất xơ, sắt nên hầu hết nông dân trồng thanh long Bình Thuận đều có sức khỏe dẻo dai. Từ sản xuất lạc hậu, chong đèn bằng máy nổ, máy chạy dầu, giờ điện lưới kéo đến tận ruộng. Thanh long đã đổi đời bao phận người nên mình phải vận động, hỗ trợ nhiều vùng khác trên địa bàn để họ vững tâm theo nghề.
Theo Sở NN & PTNT tỉnh Bình Thuận, đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Bình Thuận có 29.455ha thanh long. Từ diện tích này cho sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm. Đây có thể xem là đặc sản chủ lực của vùng đất này. Để phù hợp với xu thế phát triển và không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, đã có hơn 10.000ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Phần lớn đặc sản thanh long Bình Thuận được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới (chủ yếu là Trung Quốc). Các thị trường tiêu thụ đều đánh giá, đây là sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, đảm bảo rất tốt các yếu tố liên quan đến an toàn thực phẩm. Tỉnh Bình Thuận luôn khuyến khích người dân sản xuất thanh long theo quy trình sạch, tuyệt đối nói không với hóa chất.