Những già làng “cột mốc”

29-09-2017 10:40 | Xã hội

SKĐS - Với 192km đường biên giới với nước bạn Lào, đa phần là đồi núi quanh co, điều kiện tự nhiên khí hậu khắc nghiệt, nhưng chính vùng biên Thanh Hóa lại là nơi khởi nguồn cho phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên cột mốc từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước và bền bỉ trường tồn đến hôm nay.

Trong số 88 vị trí cột mốc quốc giới đã được tôn tạo mới, có 56 già làng, trưởng bản, người có uy tín tự nguyện đăng ký tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc. Tiêu biểu như các cụ Lâu Văn Hự ở bản Pù Đứa, cụ Phàn Định Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát mà chúng tôi đã có cơ duyên gặp gỡ.

Đường biên cương là đường quê hương

Già làng Lâu Văn Hự, một trong ba già làng đảm nhận trông coi ba cột mốc biên giới trên ba đỉnh núi cao nhất Thanh Hóa đón chúng tôi giữa lưng chừng trời của ngọn Pù Đứa. Chợt lòng dịu dàng lan tỏa một cảm giác ấm áp khi tôi được nắm chặt tay một cụ già người bé nhỏ, roi chắc và ánh mắt tinh anh lạ lùng. Con cón trên vai già vẫn là chiếc túi vải có chứa nắm cơm, lưng dắt con dao quắm...  Ngày đông tháng giá hay ngày hạ nắng hanh cũng chỉ có những thứ ấy làm bạn đường cùng già. Còn chúng tôi thì đoán chắc với nhau rằng, thứ vô giá trong hành trang mà lão niên người Mông ấy khiêm nhường không nói tới chính là tình yêu mãnh liệt đối với mảnh đất biên cương...

Già Hự từng là Bí thư Chi bộ bản Pù Đứa, đã đồng hành cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu vận động bà con định canh, định cư ổn định cuộc sống lâu dài. Nói về việc bao năm qua tình nguyện đảm nhiệm trông coi cột mốc G8 nằm cách nhà nửa ngày đường, cách mặt nước biển trên một ngàn mét để kiểm tra mà không đòi hỏi được trả công, dù chỉ một đồng, già Hự bảo đó là để trả cái nghĩa mà Bộ đội Biên phòng đã giúp dân tộc ông, bản làng ông được định cư tại đất này và có được sự bình yên, no ấm hôm nay.Già làng Phàn Định Xiết lau chùi cột mốc 286.

Già làng Phàn Định Xiết lau chùi cột mốc 286.

Suốt nửa đời người, cái chân đã quen dốc mến đèo, đã thuộc rừng, bén suối để mỗi tháng vượt hơn chục cây số lên với “điểm tựa tinh thần” của mình, nay đã bước sang tuổi 93, già Lâu Văn Hự không còn đủ dẻo dai để lên với G8 (sau khi tôn tạo, tăng dày cột mốc có phiên hiệu là cột mốc 304) - cột mốc cao nhất, xa nhất và khó đi nhất phân định ranh giới giữa xã Quang Chiểu với bản Phiềng Khạy thuộc cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Vậy nên già Hự mong mỏi trước khi về với tổ tiên là được đặt chân lên nơi thân thuộc ấy một lần nữa. “Đối với tôi, cột mốc G8 cũng giống như cha mẹ mình, giống như Bác Hồ đang đứng cạnh tôi. Tuy Bác đã đi xa nhưng tấm gương của Bác còn soi sáng trong tôi”.

Hành trình của già Hự đến với G8 như sau: Điểm đến là đỉnh núi Đá Đỏ có độ cao 1.889m so với mặt nước biển. Quãng đường dài khoảng 13km luồn rừng, vượt dốc mà đặc biệt nguy hiểm là ngọn Đá Đen “kỳ đà cản đường” dài ngót 5km với vách đá tai mèo dựng đứng. Và tất nhiên cách di chuyển hữu hiệu nhất là đi bộ với tốc độ ổn định cũng phải mất hơn nửa ngày mới tới nơi trong điều kiện thời tiết tốt, không mưa lũ... Đường đi khó, dẫu rằng theo miêu tả của già Lự thì đã tốt hơn cách đây 30 năm gấp trăm lần. Bởi ngày ấy, năm 1984 làm gì có đường mà phải tự phát quang dọn cỏ mà đi, tự tìm hướng mà đến.

Khi còn khỏe, đều đặn mỗi tuần một lần già lại “cơm đùm cơm nắm” lên đây. Sau này thì thưa hơn, nhưng nếu 3 tháng mà không lên được với G8 một lần là ốm nặng thêm. Chính thế nên già xuề xòa bảo: “Kiểm tra mốc giới cũng như một chuyến đi rừng mà thôi, càng đi càng dẻo gân cốt”. Hành trang già mang theo trong mỗi chuyến lên cột mốc, chỉ đơn sơ con dao quắm để phát quang bụi rậm, chiếc radio để theo dõi các thông tin chính trị, xã hội của đất nước, cái gậy làm bạn đường trường và nắm cơm để ăn trưa, chai nước suối để giải cơn khát giữa đường rừng...

“Lên trên đó xa lắm, bố phải đi từ sáng tinh mơ. Cả đi cả về mất gần trọn 1 ngày. Vượt qua 15 khe suối, trong đó có 2 con suối lớn là suối Dục và suối Tiền Xen, vượt qua được 4 đỉnh núi cao là núi Tơ Lưng, Đá Đen, Pù Lậu và đỉnh núi thác Đá Đỏ, nơi có cột mốc biên giới G8. Gặp hôm trời trở mưa, bố phải ở lại rừng cả tuần trời mới về được tới nhà” - vừa đi, già Hự vừa nhẩn nha nói với chúng tôi như vậy. Sau chuyến đi này, các ông Lâu Văn Lự, Lâu Văn Lâu, Lâu Văn Lênh... ba người con trai cũng đang rập rình “ra lão” của già Hự đã được giao trọng trách thay cha bảo vệ đường biên mốc giới. Già Hự cũng đã lên Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin ý kiến và được đồng ý với việc chuyển giao này.Già làng Lâu Văn Hự bên cột mốc 304 (hay còn gọi là G8).

Già làng Lâu Văn Hự bên cột mốc 304 (hay còn gọi là G8).

Giữ chủ quyền, giữ tình đoàn kết

Ông “Cột mốc” thứ hai ở xã Quang Chiểu chính là già Phàn Định Xiết ở bản Suối Tút. Mấy chục năm qua, từ ngày xung phong đảm nhiệm công việc tuần tra, bảo vệ các cột mốc biên giới 285, 286 và 287, con đường đầy những dốc cao chất ngất, đá tai mèo lởm chởm, đá cuội mồ côi trơn trượt đã quá quen thuộc đối với đôi chân già Xiết. Mặc dù Bộ đội Biên phòng làm công tác tuần tra biên giới thường xuyên, nhưng già vẫn chăm chỉ góp sức, không chút lơ là.

“Bộ đội biên phòng đã phải trải qua bao gian nan, vất vả mới xây dựng được các cột mốc biên giới. Vì địa hình ở đây rất hiểm trở, thời tiết lại hết sức khắc nghiệt, công tác khảo sát, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Đã có người hy sinh trong quá trình xây dựng cột mốc. Thế mà sau khi xây xong, có người vô ý thức lấy cột mốc làm nơi néo giữ gỗ khai thác trong rừng, rồi người dân chăn dắt, buộc gia súc vào cột, hoặc thi thoảng cột lại bị những vô ý thức đập phá sứt sẹo. Buồn lắm! Chỉ tại họ chưa hiểu hết ý nghĩa của các cột mốc biên giới thôi”, già Xiết chia sẻ.

Theo suy nghĩ của già thì dù cột mốc hư hại không hẳn là ý đồ phá hoại chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới của người dân, nhưng do đây là vùng biên giới giáp với nước bạn Lào, lại có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên nếu không chú ý vấn đề này sẽ rất dễ gây hiểu nhầm cho lực lượng đảm bảo an ninh biên giới của cả hai nước. Ở vùng biên giới, không gì quan trọng hơn sự đoàn kết và cũng không gì nguy hiểm bằng sự mất đoàn kết. Công việc trong mỗi chuyến tuần tra của già Xiết là sơn vẽ lại chính xác thông tin, đắp đất những chỗ bị nước xói mòn, phát quang cỏ dại che khuất cũng như ghi chép, mô tả hiện trạng cột mốc. Công việc nghe thì đơn giản, nhưng có băng rừng, vượt núi để lên tận cột mốc, mới thấy để duy trì được công việc đó trong dăm ba năm là cả một sự cố gắng lớn, chứ chưa nói đến cả quãng thời gian dài đằng đẵng mấy mươi năm như già.

Sau mỗi “chuyến đi thực tế”, già Xiết đều ghi chép cẩn thận những thông tin thu thập được và báo cáo ngay với Đồn Biên phòng Quang Chiểu về hiện trạng cột mốc. Những thông tin trong cuốn sổ ghi chép của già là một kênh thông tin hữu ích đối với đơn vị. Có lần, vừa phát hiện cột mốc G6 bị kẻ xấu đập phá, làm sứt một mảng lớn, cụ Xiết liền vội về Đồn Biên phòng Quang Chiểu báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị. Ngay sau đó, Đồn Biên phòng đã cử chiến sĩ lên cột mốc nắm tình hình, tu sửa lại cột mốc và truy tìm thủ phạm.

Đến nay, dù đã ngoài 70 tuổi, đôi chân già Phàn Định Xiết vẫn dẻo dai, rắn chắc, không mệt mỏi trên chặng đường bảo vệ cột mốc biên giới. Người dân trong xã không còn cười chuyện “mua việc mà làm”, ngược lại, họ tỏ ra rất khâm phục tấm gương hết mình, xả thân vì cộng đồng của già Xiết. Đến giờ, già vẫn còn nhớ như in lần “chết hụt” vào năm 2008. Lần đó, sau khi ghi chép hiện trạng, sơn sửa cột mốc xong, già định quay về thì trời bỗng mưa như trút nước. Con suối lúc sáng già đi qua nước mới chỉ xâm xấp mắt cá chân giờ bỗng chảy cuồn cuộn, cuốn ngã cả già. Dồn hết sức lực, già leo lên lưng chừng núi, chui vào hang đá mới thoát nạn...

Một vùng biên giới rộng lớn với gần 200km đường biên đã dần ổn định và phát triển. Trở về từ đỉnh Đá Đỏ khi sao trời đã trải lân tinh trên màn đêm, ngủ lại đồn Quang Chiểu, tôi nghe tiếng côn trùng rả rích, tiếng chim chuyền gọi bạn giữa rừng khuya, tiếng cây lúa đang trỗi vùn vụt lớn và hình như là cả tiếng bước chân luồn rừng mải miết để lên với cột mốc của già Lâu Văn Hự và già Phàn Định Xiết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, người từng giữ chức vụ Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu trong nhiều năm cho biết: “Những già làng như cụ Lâu Văn Hự, cụ Phàn Định Xiết cùng con cháu các cụ sau này đều là điển hình tiêu biểu trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”. Không chỉ tình nguyện bảo vệ cột mốc, các cụ còn vận động con cháu, người dân trong xã tích cực bảo vệ đường biên, mốc giới và xây dựng tình đoàn kết trong thôn bản cũng như tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới...”.


Bài, ảnh: Phạm Vân Anh
Ý kiến của bạn