Những gam màu sáng tối trong văn hóa cưới hỏi

08-04-2013 10:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Cưới hỏi vừa là phong tục văn hóa vừa là một loại hình lễ hội mang đậm tính gia đình và dòng họ. Những năm gần đây, phong tục lễ hội này có những đổi thay từ nhiều phía khiến nhiều người không khỏi băn khoăn và tự hỏi liệu phong tục này sẽ đi về đâu?

Cưới hỏi vừa là phong tục văn hóa vừa là một loại hình lễ hội mang đậm tính gia đình và dòng họ. Những năm gần đây, phong tục lễ hội này có những đổi thay từ nhiều phía khiến nhiều người không khỏi băn khoăn và tự hỏi liệu phong tục này sẽ đi về đâu?

Một lễ hội giàu bản sắc dân tộc

Xuân này, tôi có dịp tham dự một vài đám cưới hỏi ở những vùng quê khác nhau thuộc các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội. Nhìn chung, những phong tục đẹp dành cho loại hình lễ hội này vẫn còn giữ được những nét cơ bản của truyền thống xa xưa. Chẳng hạn các bước của lễ xưa như: dạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, nạp tài, đón dâu... đều không có những xáo trộn lớn. Thường là phía nhà trai, ở mỗi lễ phải có cơi trầu, chai rượu thưa nhời với nhà gái. Người đứng ra thưa lễ bao giờ cũng là người cao niên, có uy tín trong gia đình và dòng họ. Đây là một nét đẹp của văn hóa gia đình và dòng họ trong phong tục cưới hỏi từ xa xưa đến nay vẫn còn giữ được ở hầu khắp mọi nơi, bất luận là nông thôn hay phố thị.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, do những tác động của đời sống kinh tế và văn hóa thời hiện đại nên ít nhiều đã có những thay đổi cho phù hợp với gia cảnh và tập quán địa phương, mà xu hướng chung là gộp các lễ lại với nhau.

Từ xưa đến nay, đối với các gia đình có kinh tế khá giả, ngoài các mâm (còn gọi là quả lễ nạp tài) mà nhà trai mang đến nhà gái trước khi rước dâu gồm 5-7 hoặc 9 quả và kèm thêm một khoản thách cưới gồm tiền hay vàng hoặc là cả với quan niệm là làm “vốn” cho cô dâu khi về nhà chồng. Nếu đấy là một khoản tiền nhỏ và vài ba chỉ vàng, vòng bạc mang tính chất tượng trưng thì không tốn kém là bao đối với nhà trai. Nhưng nếu đấy là một món tiền thách cưới lớn lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng và vài ba cây vàng thì đấy quả là một gánh nặng đối với gia đình chú rể, nhất là nhà có đông con trai.

Đến lễ cưới, trước (hoặc cùng) khi diễn ra lễ thành hôn, hai bên có vài ba mâm cơm, mấy chén rượu nhạt cùng bánh kẹo, trầu cau, thuốc nước mời bà con họ hàng, chòm xóm đến chia vui với đôi tân hôn. Mọi người đến dự lễ dù mặn hay ngọt thường có dăm ba đồng tiền mừng gọi là cho con cháu lấy chút lộc. Ở một số nơi, đối với các gia đình khá giả, trong tối “nhóm họ” thường mời các gánh hát về hát mừng cho đôi uyên ương, chủ yếu là các bài hát ca ngợi công đức sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ cho con nên người, tình nghĩa vợ chồng...

Đấy là những nét đẹp văn hóa có ý nghĩa nhân văn trong phong tục cưới hỏi ở các vùng quê xưa rất cần được bảo tồn và phát huy giá trị. 

Những gam màu sáng tối trong văn hóa cưới hỏi 1
 Đám cưới ngày nay với cỗ bàn linh đình.

Mặt trái của phong tục cưới hỏi ngày nay

Khi kinh tế phát triển, nhiều gia đình đã có miếng ăn miếng để, việc cưới hỏi cũng vì thế mà “phình to” ra theo thời gian và không gian khắp cả nước. Gần đây, tôi có được tham dự một đám cưới của con cháu trong họ ở quê. Điều làm tôi đi từ ngạc nhiên đến sợ hãi không phải cái gì khác mà là cỗ. Ôi thôi, cỗ triền miên, cỗ ngập tràn trong suốt 3-4 ngày ròng, đâu cũng thấy cỗ.

Trước khi tiến hành đám cưới, tôi có hỏi khổ chủ việc dự trù cỗ cưới cho cháu như thế nào. Khổ chủ cười bảo: Lần này thì phải mời họ hàng, tất tần tật, làng nước trong thôn, khoảng trên dưới trăm người, ngoài ra còn bạn bè của bố mẹ và các cháu nữa. Người ta làm thế mình cũng phải làm thôi, không hoành tráng nhưng cũng chẳng thể úi xùi được, họ hàng, làng nước cười cho. Chết là ở chỗ sợ người ta “cười cho”. Vì sợ bị cười nên khổ chủ dự tính khoảng 3-4 chục mâm gì đấy, trung bình mỗi mâm khoảng 500 ngàn đồng thực phẩm, lương thực, còn nấu tại nhà do anh em họ hàng giúp. Nếu chỉ vậy xem ra cũng không quá tốn kém, khoảng trên dưới 20 triệu đồng.

Thế nhưng, đến khi diễn ra, toàn tình huống không có trong “kịch bản” của khổ chủ. Ngoài chú lợn hơn 50kg, 2 chục con gà loại trên dưới 2 kg/con, 30kg thịt bò, vị chi là 120kg thực phẩm “nặng” đã dự trù trước và các thứ gia giảm đi kèm không tính xuể. Nếu đem chia lượng thực phẩm ấy cho 40 mâm thì mỗi mâm khoảng 3kg thịt, chưa tính đến xôi, bánh chưng, cơm tẻ và các thứ khác.

Khổ một nỗi là “đám” chưa đi qua ngày thứ nhất mà xem ra lượng thực phẩm trên vơi đi trông thấy. Thế là khổ chủ sợ thiếu, đốc thúc vợ con, anh em “huy động” tiếp vì lượng khách ngày càng kéo đến ùn ùn. Xe chở thực phẩm từ chợ lao về tới tấp. Nhiều chú ngan, gà cũng vì thế mà chết oan, tưởng “cháy chợ” đến nơi.

Điều đáng nói là ở nhiều vùng quê hiện vẫn tồn tại tục “trả nợ miệng”, tức là trước đây người ta mời mình ăn cưới con họ rồi, bây giờ mình tổ chức cưới cũng phải mời người ta ăn lại. Nhiều nhà vì muốn không thua kém thiên hạ nên gia chủ đã trót vay quá nhiều “nợ miệng” rồi, đành phải cố. Thế là chạy đôn chạy đáo đi vay mượn khắp mọi nơi.

Sau khi xong đám, tiền mừng thu được chưa đủ một phần ba, phần tư số tiền bỏ ra. Vậy là khoác thêm vài chục triệu tiền nợ, bằng thu nhập của gia đình cả năm, biết đến bao giờ trả hết. Bố mẹ nhà nông, cô dâu chú rể lại không có việc làm và thu nhập ổn định, đào đâu ra khoản tiền ấy?.

Thiết nghĩ, tục “trả nợ miệng” cần được các cấp, các ngành văn hóa và chính quyền địa phương dẹp bỏ ngay để những gia đình nghèo không rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do việc bày vẽ ăn uống linh đình, vừa lãng phí, lại rất tốn kém.

Riêng khoản đèn xanh đèn vàng, nhạc xập xình, nhảy nhót loạn xạ thâu đêm suốt sáng không những khiến người trong cuộc hôm sau bỏ việc lăn ra ngủ mà còn làm cho xóm giềng mấy đêm liền mất ngủ, công việc đồng áng bê trễ. Đây là một lối ăn chơi không lấy gì làm đẹp, nhưng khá phổ biến của thanh niên nông thôn, cần loại trừ ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Nhưng đáng tiếc, ở các vùng quê hiện nay, không những lối ăn chơi ấy không bị loại trừ mà còn phát triển rất mạnh, nhưng không hề thấy bất kỳ ai, cơ quan hay chính quyền địa phương nào can thiệp.

Một phong tục văn hóa cưới hỏi được các cụ truyền lại đẹp là vậy, thế mà chỉ vài chục năm trở lại đây, từ khi nền kinh tế mở cửa hội nhập, ở nhiều vùng quê nghèo, nó đang trở thành một căn bệnh “trả nợ miệng” rất nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát thành “dịch”, mà đối tượng yếu thế, dễ bị lây nhiễm nhất chính là người nghèo. Nên chăng cần có quy ước mang tính pháp lý đối với phong tục, lễ hội cưới hỏi giống như các lễ hội văn hóa - tâm linh khác, tránh cho người nghèo rơi vào vòng luẩn quẩn, đã đói nghèo lại càng đói nghèo hơn vì những biến thái tiêu cực của một phong tục đẹp?           

Ngọc Đỗ


Ý kiến của bạn