Hà Nội

Những đứa trẻ sinh non và yêu thương tận cùng của cha mẹ

01-01-2022 19:54 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Con sinh non chỉ nặng 480gam, 900gam và 1300gam nhưng những người làm cha, làm mẹ đã không nản chí buồn lòng. Yêu thương là một chỉ dấu của nét đẹp nhân văn trong mỗi con người.

Câu chuyện tranh đầy ý nghĩa về tình mẫu tửCâu chuyện tranh đầy ý nghĩa về tình mẫu tử

"Someday" của tác giả Allison, người Mỹ là một tác phẩm truyện tranh tuy đơn giản nhưng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, đồng thời cũng phảng phất đâu đó một nỗi buồn man mác của thời gian. Chúng ta hãy cùng đọc và cảm nhận…

Câu chuyện về 3 người mẹ sinh non ở chương trình Trạm yêu thương chủ đề 'Ngày con chào đời' vừa phát sóng tập đầu tiên ngày 1/1/2022 đã chạm đến cảm xúc của khán giả, lan tỏa năng lượng tích cực và xua đi phần nào nỗi buồn, sự bức xúc về vụ việc cháu bé 8 tuổi ở TP.HCM mới đây bị mẹ kế bạo hành đến tử vong.

Ngày con ra đời, khán giả được nghe câu chuyện của chị Lê Xuân Hương – mẹ của bé Kang 29 tháng, khi sinh ra con chỉ có 9 lạng. Kang ngay từ khi trong bụng mẹ đã được bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu bất thường, nhưng bằng tất cả những gì mà một người mẹ có thể làm, mẹ Hương vẫn giữ Kang trong bụng cho đến ngày phải mổ cấp cứu để đưa Kang ra ngoài khi chưa tròn 1 kg.

Hành trình cảm xúc về những đứa trẻ sinh non, mẹ cha vẫn yêu thương tận đáy lòng - Ảnh 2.

Từ trái sang: MC của chương trình và chị Phượng, chị Hương và chị Huệ.

Là chị Vũ Thị Phượng – mẹ của bé Bư 29 tháng, khi sinh ra chỉ có 1,3 kg. Bư ra đời sớm hoàn toàn là bất ngờ bởi trong 1 chuyến về quê, chị Phượng đột nhiên có dấu hiệu muốn sinh ở tuần thứ 31, khi ấy phổi của Bư còn chưa hoàn thiện.

Đặc biệt là câu chuyện của chị Lê Thị Huệ - mẹ của bé Ốc (Kiều Trang), lúc mới sinh con chỉ nặng 4,8 lạng và chỉ bé như 3 ngón tay. Bằng tình thương yêu của cha mẹ, bé Ốc hiện nay đã khỏe mạnh dù căng nặng chỉ hơn 6,5 kg.

Bố mẹ sinh non con 480 gam không bao giờ từ bỏ

Vợ chồng chị Huệ, anh Thắng lấy nhau 8 năm không có con, thụ tinh nhân tạo mang thai 2 bé, nhưng chỉ giữ được bé Ốc ở tuần thứ 26, vỏn vẹn 480 gam. Bố của Ốc khi ấy đã gục xuống hành lang khóc, ai cũng đớn đau tột cùng vì lo cho em bé ngày ấy. Cả gia đình không một ai ngơi nghỉ sự cố gắng: Ông bà nội ngoại cả 2 bên chẳng còn ai, 2 vợ chồng phải ngày ngày vào thăm con trên viện, tự động viên nhau rằng "con mình rồi sẽ tốt thôi"…

Hành trình cảm xúc về những đứa trẻ sinh non, mẹ cha vẫn yêu thương tận đáy lòng - Ảnh 3.

Bé Ốc chào đời chỉ nặng 480 gam.

Trải qua những tháng ngày mòn mỏi, bé Ốc đã vượt qua những thử thách đầu tiên của cuộc đời mà được về với vòng tay của bố mẹ, được trở về nhà là lúc niềm vui tột cùng hòa với sự lo toan về kinh tế. Chị Huệ, mẹ bé Ốc chia sẻ, ước mơ sinh con ra làm sao con khỏe mạnh, bằng tất cả những gì của người mẹ thì chị Huệ vẫn cố gắng giữ con. Đến ngày sinh bác sĩ có nói với chị, gia đình phải mổ cấp cứu, phải quyết định nhanh chóng. "Lúc vào siêu âm thì bác sĩ bảo phải mổ để cứu cả mẹ và con. Tôi khi ấy cảm thấy đau lòng. Khi con sinh ra thì bé nhỏ xíu, cảm giác bất lực vì không làm được gì hơn", chị Huệ nói.

Khi chưa gặp con, chị Huệ không nghĩ con nhỏ như vậy, bác sĩ cho học phương pháp ấp theo kiểu Kangaroo (ủ ấm cơ thể trẻ theo ý tưởng Kangaroo áp dụng với trẻ sinh non, thiếu tháng bằng cách đặt con trong túi phía trước ngực mẹ nhằm cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ) bằng búp bê thì chị hỏi chồng: "Anh ơi con của mình có được to như thế này không?". Chồng trả lời nếu con lớn như búp bê thì tốt quá. Khi gặp con "tôi thấy con chỉ khoảng 3 ngón tay, vòng đầu rất bé. Khi vào ấp con được hai ngày thì thật sự tôi không dám đụng vào con, sờ vào tay con chỉ sợ gãy mất tay con".

Bé Ốc của hiện tại.

Khi mà bên con, con cựa quậy rồi thì chị Huệ rất vui, biết là con đang biết tất cả những gì mẹ đang làm. Mẹ của bé Ốc tâm sự: "Con tôi đến nay đã hơn 15 tháng rồi nhưng mắt của con vẫn chưa trưởng thành, rất mong một ngày bác sĩ ghi vào hồ sơ là "võng mạc của con đã trưởng thành". Sợ nhất là con bị ốm vì con sinh non sẽ ốm rất nặng so với các con bình thường. Con bây giờ trộm vía cũng ít ốm, đi tiêm phòng về chỉ sốt nhẹ một chút. Con cũng nhanh nhẹn, vui chơi chỉ tội hơi còi".

Theo chị Huệ, thật sự hai vợ chồng vất vả vì con nhỏ quá. Kinh tế hai vợ chồng cũng khó khăn, mỗi khi chồng ấp con thì chị Huệ chỉ ngồi khóc vì thấy con nhỏ quá, không biết con có kiên cường cùng với bố mẹ được không. Nhưng đến khi chị Huệ ấp con lại thầm nhủ và xin lỗi con vì có những suy nghĩ không đúng. Chị nói với con rằng bố mẹ sẽ cùng con đồng hành để vượt qua những gian nan thử thách trong cuộc đời. Nhìn thấy con là thấy nguồn hạnh phúc. Hiện nay bé Ốc chỉ hơn 6kg nhưng chị Huệ cho biết bé đang tập nói và đi men. Bé cũng rất nhanh nhẹn, có thể bắt chước như vỗ tay, tạm biệt (bye bye).

"Bây giờ chỉ mình bố đi làm, công việc cũng bấp bênh nên thu nhập hàng tháng chỉ đủ tiền sữa cho bé. Tôi chưa bao giờ bi quan, nếu nhìn xuống thì cũng có người còn bất hạnh hơn mình mà họ còn cố gắng được thì không hà cớ gì mình phải suy nghĩ tiêu cực", chị Huệ chia sẻ.

Hành trình cảm xúc về những đứa trẻ sinh non, mẹ cha vẫn yêu thương tận đáy lòng - Ảnh 5.

Chị Huệ, anh Thắng cùng bé Ốc tại chương trình.

Hiện tại, chị Huệ ở hẳn nhà để chăm con, anh Thắng với đồng lương công nhân lo toan cho cả gia đình, từ thuốc, sữa, hàng chục loại vitamin… cho Ốc và luôn sẵn sàng tinh thần cho những cơn sốt, viêm phổi ập đến khi thay đổi thời tiết của con. Những ngày dịch COVID-19 vừa qua, nơi vợ chồng chị Huệ sinh sống có ca F0 khiến công ty của anh Thắng cho công nhân nghỉ việc vô thời hạn, thu nhập duy nhất của gia đình sẽ có thể mất đi nhưng chị Huệ và cả anh Thắng vẫn rất vẫn lạc quan.

Anh Thắng chia sẻ: "Có con thì phải thay đổi, làm gì cũng phải nghĩ đến vợ và con. Giờ chỉ biết tập trung làm ăn để lo cho con, xong việc là về nhà ngay. Chơi với con thì đó là niềm vui chứ còn đi đâu nữa. Không phải vì kinh tế đè nặng mà mình buông xuôi mọi thứ. Có khó khăn đến mấy cũng sẽ cố gắng xoay sở, chăm sóc và nuôi con khôn lớn. Hai vợ chồng nhắc nhở nhau tự lực đi lên, bố mẹ có gì ăn cũng được nhưng phải lo cho con sữa, thức ăn. Giờ có vợ con khỏe mạnh là vui lắm rồi".

Ấm áp tình mẹ cha

Chị Hương – mẹ bé Kang, khi sinh ra con chỉ có 900 gam cho biết, khi con chào đời chỉ có một từ "hạnh phúc". "Thật sự khi ấp con theo phương pháp Kangaroo thì người nhà không ai dám đụng vào con cả vì sợ con đau. Nỗi lo chung của các mẹ có con sinh non là con mình tím tái, thậm chí ở bệnh viện chúng tôi như được học một khóa cấp cứu cho con trong trường hợp khẩn cấp", chị Hương cho biết.

Hành trình cảm xúc về những đứa trẻ sinh non, mẹ cha vẫn yêu thương tận đáy lòng - Ảnh 6.

Bé Kang ngày chào đời chỉ 900 gam.

Mẹ bé Kang chia sẻ thêm, nuôi con nên khó khăn thế nào bố mẹ cũng vượt qua. Các con bình thường cân nặng tăng tính bằng lạng, nhưng con của chị cũng như bé Ốc tính bằng hoa. "Nếu con tăng được 1 lạng thì cả gia đình vỡ òa".

Giai đoạn về nhà, bé Kang vẫn tiếp tục được ấp theo phương pháp Kangaroo, cả nhà phải thay nhau để ấp bé trên người để con ngủ, đồng thời theo dõi con nếu có biểu hiện gì đó thì sẽ ngay lập tức cấp cứu luôn.

Hành trình cảm xúc về những đứa trẻ sinh non, mẹ cha vẫn yêu thương tận đáy lòng - Ảnh 7.

Bé Kang cùng bố mẹ hiện tại.

"Con chỉ có một người làm điểm tựa duy nhất trong cuộc đời này thì chẳng có lý do gì mà mình không cố được cả. Chính con đã dạy cho bố mẹ nhiều điều. Từ ngày có con thì mọi người thay đổi rất nhiều", chị Hương chia sẻ. Hiện tại bé Kang cũng đang phát triển bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.

Chị Vũ Thị Phượng chia sẻ về quá trình chăm nuôi khi con chào đời chỉ 1,3kg, chắc chắn sẽ khó hơn nhưng chị nhận ra có con đã là một niềm hạnh phúc. Các con sinh đủ tháng và bình thường sẽ được ở bên mẹ ngay, vài ngày sau thì được về nhà. Nhưng với các con sinh non thì các con phải nằm lồng ấp.

Hành trình cảm xúc về những đứa trẻ sinh non, mẹ cha vẫn yêu thương tận đáy lòng - Ảnh 8.

Bé Bư ngày mới chào đời.

Như bé Bư phải nằm lồng ấp hơn hai tháng, mẹ và con chỉ tiếp xúc ở lồng ấp. "Tôi luôn bị ám ảnh bởi tiếng máy đo nhịp tim kêu tít tít, tôi rất sợ. Tiếp đó là mùi thuốc khử trùng ở bệnh viện, khi con đến tay của mình để ấp vào người thì lúc nào cũng thấy sợ và muốn ngừng thở", chị Phượng tâm sự.

Mẹ bé Bư cho biết thêm, các con sinh non có điểm chung là thiếu máu và mắt chưa phát triển. Con chị Phượng khi mới sinh ra mắt chưa trưởng thành nên phải đi tiêm để mắt con có thị lực như các bạn nhỏ khác. Con về nhà thì lúc nào cũng có máy đo nhịp tim, khi nào chỉ số xuống thấp thì bố mẹ phải cấp cứu ngay vì lúc về nhà không còn các y bác sĩ. Bố mẹ dường như không ngủ.

Hành trình cảm xúc về những đứa trẻ sinh non, mẹ cha vẫn yêu thương tận đáy lòng - Ảnh 9.

Bé Bư bên bố mẹ.

"Con tôi do phổi còn kém nên chưa ti sữa ở bình được ngay vì ti bình là con sẽ ngừng thở. Phải cho con ăn sữa bằng thìa. Các con sinh bình thường ăn được 30ml hoặc có bé 100ml. Nhưng với các con sinh non thì mẹ sẽ theo dõi từng ml sữa, là 2ml, 5ml. Trộm vía con bây giờ 29 tháng tuổi đã ít ốm hơn, cũng rất nghịch. Tôi thấy con giờ cũng hiểu chuyện hơn, mạnh dạn hơn. Vì uống nhiều thuốc nên khi nhắc đến thuốc con không sợ hãi", chị Phượng chia sẻ về bé Bư.

Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý đón 2022 với Vũ khúc ánh sáng Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý đón 2022 với Vũ khúc ánh sáng

SKĐS - Vũ khúc ánh sáng - Countdown 2022 mang tới những câu chuyện ấn tượng trong năm 2021 thông qua các màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ nổi tiếng.

Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn