Những đứa trẻ “ghim” hơi ấm mẹ ở từng góc nhà - Ảnh 1.

Những đứa trẻ “ghim” hơi ấm mẹ ở từng góc nhà - Ảnh 2.

Ngôi trường mầm non B.M nằm bên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP Hồ Chí Minh) lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thỉnh thoảng người ta lại thấy một người đàn ông trung niên cần mẫn quét dọn. Trên gương mặt đầy nỗi khắc khổ. Đó là anh Trần Văn Mạnh (43 tuổi, ở KP3, phường Phú Nhuận, quận 7).

Nhiều năm qua, chị Hoàng Thị Thanh (vợ anh Mạnh) làm giáo viên phụ trách chăm sóc, nuôi dạy trẻ tại đây, nên anh Mạnh cũng được tạo điều kiện làm bảo vệ kề cận vợ. Tuy nhiên, do kinh tế gia đình khó khăn, nên vợ chồng anh Mạnh đã xin một khoảng nhỏ trên tầng lầu để cả gia đình 4 người tá túc. Còn ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng anh Mạnh nằm trong hẻm nhỏ tại KP3, phường Phú Nhuận, anh Mạnh cho thuê mà thu nhập bù lại cũng chẳng đáng là bao.

Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, mọi hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố tạm ngưng. Ngôi trường mầm non vốn tấp nập, đầy ắp tiếng bi bô con trẻ bên đường Huỳnh Tấn Phát cũng rơi vào cảnh im ắng, không một bóng người. Mọi nguồn thu của vợ chồng anh Mạnh cũng vì thế mà ngưng lại.

Những tưởng sự co kéo từng bữa ăn chống trọi trong mùa dịch đã là tận cùng của nỗi thống khổ nhưng sự nghiệt ngã hơn đã không "chừa" anh Mạnh. Chị Thanh mắc COVID-19 và ra đi mãi mãi, để lại cho anh 3 mụn con thơ mà đứa út vừa chào đời trong lúc có kết quả dương tính SARS-CoV-2 cũng chẳng một lần được chạm da thịt mẹ.

Những đứa trẻ “ghim” hơi ấm mẹ ở từng góc nhà - Ảnh 3.

Nhận được tin sét đánh, anh Trần Văn Mạnh gục ngay trên chiếc bàn ăn – nơi từng đầy ắp tiếng cười của các thành viên trong gia đình.

Đó là ngày định mệnh 19/9, khi anh đang chuẩn bị bữa trưa cho hai con thì bất ngờ nhận tin sét đánh ngang tai. Anh gục ngã ngay trên chiếc bàn ăn vốn từng đầy ắp tiếng cười của các thành viên trong gia đình.

Trong buổi gặp và trò chuyện với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, anh Mạnh nén nỗi đau cho biết, tối 28/8, chị Thanh có dấu hiệu vỡ ối và được anh Mạnh tức tốc đưa đến Bệnh viện Từ Dũ. Làm xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay trong đêm tại bệnh viện thì chị Thanh có kết quả dương tính. Anh Mạnh may mắn hơn là kết quả xét nghiệm âm tính nên được trở về, tự cách ly theo dõi tại nhà. Chị Thanh được chỉ định sinh bé út bằng phương pháp can thiệp.

"Ngay sau khi ra đời, đủ điện kiện xuất viện, dì út (em của chị Thanh) đã thay vợ chồng tôi đón con gái út về chăm sóc, nuôi dưỡng. Còn mẹ nó diễn biến trở nặng, đến ngày 8/9 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 14 nhưng chưa đến chục ngày sau cũng xa mấy bố con tôi mãi mãi", anh Mạnh mắt ngân ngấn lệ.

Với anh Mạnh lúc này, gánh nặng trên vai không riêng cơm áo gạo tiền nữa, mà chính sự thay đổi, ảnh hưởng tâm lý của các con khi vừa trải qua những ngày chiến đấu COVID-19 tại nhà, vừa mất đi hơi ấm của người mẹ mới là điều làm anh Mạnh đau đáu.

"Mấy hôm nay, thằng Quân nó ít nói và hay cau bẳn. Nhiều lúc gọi nó ăn cơm, hỏi han nó cũng không thưa tôi. Nó quấn mẹ thương mẹ nó quá, giờ lo nhất là nó. Nếu nó trầm cảm, thân tôi xoay sở làm sao đây…?", anh Mạnh quặn lòng.

Những đứa trẻ “ghim” hơi ấm mẹ ở từng góc nhà - Ảnh 4.

Ngày chị Thanh ra đi, căn gác nhỏ của ngôi trường mầm non B.M trở nên ảm đạm. Đêm đêm, những tiếng nấc lại vang nơi góc phòng. Em Trần Hoàng Hồng Quân (học lớp 9) trở nên ít nói hẳn. Đôi lúc, Quân trầm mặc ở góc học tập hàng giờ đồng hồ, hình ảnh mẹ giúp em làm bài tập như vẫn còn đây.

Hồng Quân cũng bị nhiễm SARS-CoV-2 và trở lại âm tính ngay sau đó. Khi tự điều trị tại nhà thì mẹ em ra đi. Từ khi bản thân nhiễm SARS-CoV-2, Quân càng thấu hiểu hơn những nỗi đau mà mẹ em vừa nếm trải.

Những đứa trẻ “ghim” hơi ấm mẹ ở từng góc nhà - Ảnh 5.

Nét chữ nguệch ngoặc của em Trần Hồng Quân ghi lại chi tiết những lời dặn của mẹ.

Quân ghi lại chi tiết những lời mẹ dặn và dán cẩn thận ở góc học tập. Dòng chữ "các con luôn ghi nhớ công ơn cha mẹ" được viết nguệch ngoặc bằng chữ đỏ đậm, bên dưới là những bảng tính số bữa cơm đã được ba mẹ nuôi nấng từ khi sinh ra. 

Em gái Quân là Trần Hoàng Bảo Anh (lớp 5) với đôi mắt đỏ hoe, lúc nào cũng ngồi lặng thinh. Bàn học của Bảo Anh được kê đối nghịch với góc học tập của Quân. Hai người ngồi quay lưng với nhau và chẳng ai nói chuyện với ai câu nào. Từ ngày mẹ ra đi, Bảo Anh có thể dành cả ngày chỉ để phác họa lại hình mẹ từ những tấm ảnh chụp cũ kỹ, nhuốm màu thời gian.

Đêm đêm ôm bà ngoại ngủ nhưng bên tai Bảo Anh vẫn còn đâu đó những lời nỉ non của mẹ. Rồi em dần chìm vào giấc ngủ cùng những dư âm về mẹ, cùng những khoảnh khắc được mẹ ôm lưng, xoa bụng, cùng những ký ức đẹp về mẹ…

Bảo Anh trải lòng: "Mấy ngày vừa rồi, em bé trong bụng mẹ lớn lắm, lúc nào mẹ cũng thấy đau lưng. Tối nào em cũng bóp chân và đấm lưng cho mẹ nhưng em bé lớn rồi, ba sợ con gác chân lên bụng nên xoa lưng, bóp chân cho mẹ xong, con lại xuống ngủ với ba. Ngày nhận tin mẹ ra đi, con ngồi ở giường, con buồn lắm, con khóc hoài nhưng ba vẫn khóc nhiều nhất".

Nén nỗi đau trong lòng, Bảo Anh gượng dậy, tiến ra phía ban công giúp bà nhặt rau, chuẩn bị cho bữa trưa. Với Bảo Anh, giúp ba làm việc nhà, lau cầu thang, phơi đồ, gấp đồ hay nhặt rau, em đều cảm nhận được hơi ấm của mẹ. Để nhớ về những giây phút bên mẹ, Bảo Anh tự hứa sẽ giúp ba nuôi dạy em nên người để báo hiếu ba và mẹ.

Song, điều Bảo Anh lo lắng và suy tư hơn cả là khi em út vào lớp 1, khi cô giáo ra đề văn miêu tả về mẹ thì không biết, bé út sẽ miêu tả ra sao. Em có nói gia đình mình vui vẻ không? Em có nói rằng không biết mặt mẹ mình là như thế nào không?

Những đứa trẻ “ghim” hơi ấm mẹ ở từng góc nhà - Ảnh 6.

Bé Trần Hoàng Bảo Anh ngồi thu mình ở góc học tập, từ ngày mẹ ra đi, em phác họa hình ảnh mẹ từ những bức ảnh cũ kỹ, sờn nếp thời gian.

Những đứa trẻ “ghim” hơi ấm mẹ ở từng góc nhà - Ảnh 7.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Bùi Thị Xuân Mai, chuyên gia tâm lý - công tác xã hội (Trường Đại học Văn Lang) cho biết, những dấu hiệu rối loạn, rối nhiễu về mặt tâm lý với trẻ vị thành niên ở ngưỡng tuổi 19, 20 đều bị ảnh hưởng từ khi còn nhỏ và các em nhớ rất chi tiết những trải nghiệm ấy. Đặc biệt là những trải nghiệm đau buồn, mất mát. Đây là những điều quá sức với con trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Đối với những con trẻ phải chịu đau thương bởi dịch COVID-19 như mất bố, mất mẹ hoặc những hình ảnh về người thân ra đi, người đến thăm viếng… dù trẻ không nói ra nhưng không có nghĩa là không đau khổ. Sự đau khổ này sẽ kéo dài cho đến khi trưởng thành.

PGS.TS Bùi Thị Xuân Mai cho biết, bé bị ảnh hưởng tâm lý có những biểu hiện rất đa dạng và những biểu hiện này phụ thuộc vào từng lứa tuổi. Ví dụ, trẻ nhỏ tuổi có bố hoặc mẹ mất thì chưa hiểu cái chết là gì, chỉ biết rằng không nhìn thấy bố mẹ hoặc mất hẳn sự hiện diện của người chăm sóc mình, người mang lại cảm giác an toàn cho mình… thì những đứa trẻ ấy có thể có biểu hiện sợ hãi, hay khóc về đêm và thậm chí là hét lên khi đang ngủ.

Cũng tùy vào tính cách của mỗi đứa trẻ mà sự sợ hãi này có thể sẽ giảm hoặc hết trong quá trình phát triển. Song trẻ có thể mang sự sợ hãi, nỗi buồn trong suốt quá trình phát triển, lớn lên.

PGS.TS Bùi Thị Xuân Mai cho biết: "Với những bé lớn cảm nhận được sự mất mát của người thân, có thể sự đau khổ hiện rõ hơn như: Khóc thầm, thương tiếc, dễ có những dấu hiệu về tâm lý như về mặt thực thể thì chán ăn, không ngủ; về mặt xã hội thì thu mình, không giao tiếp hoặc hạn chế giao tiếp, đêm ngủ có những khoảng lặng, giấc mơ gây ra sự sợ hãi cho trẻ. Nhất là những trẻ có bố mất, mẹ mất mà không có người thân khác bên cạnh, chăm sóc, không có người gần gũi thì cảm giác đau khổ càng tăng lên".

(* Tên nhân vật đã được thay đổi)

còn nữa…

                                                                                             Bảo Loan (Từ tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh)

Ý kiến của bạn