Lời tòa soạn: Tháng 7/2021, dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào giai đoạn cam go, Báo Sức khoẻ & Đời sống nhận nhiệm vụ tăng cường vào Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19.
Đến tháng 8 khi dịch bước vào đỉnh, lúc này những người mắc COVID-19 có dấu hiệu chuyển nặng được điều trị tích cực tại các bệnh viện dã chiến của Bộ Y tế, bệnh viện chuyển đổi công năng, thì ngoài cộng đồng, hàng trăm ngàn người mắc COVID-19 thể nhẹ đã và đang theo dõi, điều trị tại nhà. Trong số này, tôi đặc biệt chú ý đến hai phận người yếu thế là người già và trẻ nhỏ.
Có rất nhiều đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi một bề, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những phận người lớn tuổi thì chống chọi COVID-19 trong sự cô đơn. Họ có một điểm chung là dù không hoặc rất ít người thân bên cạnh. Bằng những điều mắt thấy, tai nghe tại "chiến trường COVID-19" TP Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống gửi tới bạn đọc loạt bài: "TP Hồ Chí Minh kiên cường giữa đại dịch", bằng niềm khao khát, sức sống mãnh liệt, nghị lực phi thường, cùng sự đồng hành của các y, bác sĩ, của tất cả người dân thành phố mang tên Bác, và hơn cả sự đồng hành sát cánh của Đảng, Nhà nước với phương trâm "không một ai bị bỏ lại phía sau"...họ đã kiên cường vượt qua đại dịch.
TP Hồ Chí Minh những ngày giãn cách xã hội rất vắng lặng, cơn mưa đầu mùa đan xen ánh hoàng hôn khiến khung cảnh thêm phần ảm đạm. Chốc chốc người ta lại nghe thấy tiếng còi hú liên hồi của xe cứu thương, nhưng rồi cũng vụt đi trong nháy mắt.
Căn nhà cũ kỹ 2 tầng của gia đình bé Nguyễn Hoàng Tùng (4,5 tuổi) nằm kế bên phố Phạm Thế Hiển (ở phường 6, quận 8, TP Hồ Chí Minh) vốn tấp nập, rôm rả tiếng nói cười, nay lại im phăng phắc. Thỉnh thoảng, anh Nguyễn Xuân Hải (38 tuổi - bố bé Tùng) lại mở hé ra để đón thêm khí trời.
Anh Hải sinh ra trong gia đình 4 chị em, kinh tế không khá giả. Giữa mảnh đất Sài thành tấp nập, anh sớm phải gác lại chuyện học hành để cùng anh chị bươn chải. 8 năm trước, sau những ngày dầm mưa dãi nắng làm công trình, anh bén duyên với chị H (xin được giấu tên, quê ở Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Những tưởng lấy vợ xong, có bé Tùng là cuộc sống viên mãn, nhưng cái khổ, cái nghèo đeo đẳng, anh phải thay nghề để mong cuộc sống cải thiện hơn. Nhiều năm bươn chải từ nghề phụ hồ, xây dựng đến điện lạnh, cơ khí, thợ sửa xe, cộng thêm những khoản "hoa hồng" từ việc bán thêm vài dây dầu gội, nước giặt trước cửa nhà do vợ anh đảm đương, cuộc sống của vợ chồng anh Hải cũng tạm "đủ ăn đủ mặc", lo được cho bé Tùng.
Năm nay, hai vợ chồng anh Hải mới dám nghĩ đến chuyện có đứa thứ 2, nhưng rồi, khi chỉ còn ít tuần nữa là có thể "mẹ tròn con vuông", bé Tùng có thêm em bồng bế, căn nhà hiu quạnh có thêm tiếng nói cười trẻ thơ… thì dịch COVID-19 ập tới, đã mang cả vợ, cả đứa con chưa kịp chào đời đi mãi…
Trong căn nhà chật chội, anh Hải bần thần ngồi nép mình vào tường, tay mân mê chiếc bánh Trung thu rồi lại đặt lên chiếc bàn gỗ đã sờn bóng theo thời gian. Đây là chiếc bánh đặt trên bàn thờ vợ và con trai thứ 2, vừa được anh hạ xuống cho bé Tùng đón Trung thu muộn.
Ở từng góc nhà, những kỷ vật của vợ anh vẫn nguyên vẹn, đôi dép lê đổi màu anh Hải từng bảo vợ thay đôi mới, nay vẫn không chút xê dịch ở góc tường. Anh Hải chưa thể tin được vợ cùng con trai thứ của mình đã ra đi mãi mãi vì dịch COVID-19.
Thỉnh thoảng, anh lại gọi "vợ ơi" trong vô thức. Còn bé Tùng, khi được hỏi đến mẹ lại òa khóc nức nở mà bảo rằng: "Mẹ đi công chuyện…mãi chưa thấy dzề…".
Ngày định mệnh 31/8 đã xảy đến với gia đình bé Tùng, khi mẹ của bé đang mang bầu em trai 7 tháng tuổi thì nhập viện cấp cứu do mắc COVID-19 trở nặng.
Anh Hải nghẹn ngào: "2h đêm, tôi nhận cuộc điện thoại từ Bệnh viện Hùng Vương báo về, vợ vừa bị ngưng tim, kích tim đập rồi nhưng hôn mê sâu. Bác sĩ nói, sáng hôm sau sẽ phải mổ lấy bé gấp để giảm áp lực cho mẹ. Đến 9 rưỡi ngày hôm sau, ca mổ thành công nhưng vợ tôi nguy kịch, hôn mê sâu và hệ tuần hoàn yếu, tim yếu nên khi được hỏi về việc chuyển vợ lên tuyến trên, cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi đồng ý không chút chần chừ. Miễn sao vợ được cứu chữa nhanh nhất, với thiết bị máy móc tốt nhất".
Câu chuyện dang dở, anh Hải nghẹt thở khi nhắc đến từng dòng tin dữ từ những cuộc điện thoại gọi về của bác sĩ.
Đó là lúc 3h chiều cùng ngày vợ anh được chuyển tuyến, bác sĩ thông báo với anh về tình hình nguy kịch của vợ và đang được cứu chữa bằng mọi cách tốt nhất. Nhưng rồi 10 phút sau, cuộc gọi đau lòng mà anh Hải không muốn nhận cũng phải đến, vợ anh đã xa ba bố con anh mãi mãi. 4 ngày sau, đứa con thứ hai phải sinh thiếu tháng đang được chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Hùng Vương cũng theo mẹ mà rời xa anh và bé Tùng…
Thắp nén tâm nhang lên bàn thờ, khóe mắt anh Hải lại ngấn lệ. Xoay đầu sang trái là hũ tro cốt của vợ vừa nhận chưa đầy 24 giờ, hướng mắt sang phải là di ảnh con trai 7 tháng tuổi mà anh chưa kịp đến gần lần nào. Ống thở vẫn vẹn nguyên trên khuôn miệng, ống dây dẫn máu đỏ thẫm vẫn đang gài dưới đôi bàn chân tí hon, anh Hải không thể cứng rắn hơn được nữa, ngoảnh mặt lên trần nhà, anh lén lau hai hàng nước mắt… khi đó, bé Tùng vẫn đang vô tư chạy nhảy xung quanh. Chốc chốc, bé Tùng lại nhăn nhó: "Sao mẹ lâu về quá…".
"Thành phố mở cửa, tôi cũng không biết làm gì nữa, học phí cho con đến trường cũng không biết nữa. Chắc làm nghề gì đó cho con có tiền đi học…", anh Nguyễn Xuân Hải thất thần.
Khi ánh chiều tà đang dần buông, anh nén nỗi đau, tiến ra mép nhà sắp xếp lại những gói hóa mỹ phẩm của vợ cho gọn gàng. Nét mặt của người đàn ông trong cảnh "gà trống nuôi con" nặng trĩu nỗi đau, nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Rồi thành phố cũng mở giãn cách, rồi bé Tùng cũng cần đến lớp và rồi… cuộc sống mưu sinh vẫn phải tiếp diễn, anh Hải đã nghĩ chuyện mượn tiền anh chị em để cho bé Tùng đi học, để đưa tro cốt của vợ trở về quê nhà Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) yên nghỉ, để đưa con trai 4 ngày tuổi nương nhờ nơi cửa chùa. Nhắc đến cuộc sống lâu dài, anh chép miệng, lắc đầu…
Khu phố Phạm Thế Hiển nhà san sát, cứ chiều chiều, họ thấy bé Tùng tựa mạn cửa, hướng mắt ra phía đầu hè chờ mẹ đi "công chuyện" trở về, còn người đàn ông chạm tứ tuần lại bần thần, lầm lũi. Họ thấy anh không khóc, nhưng cảm giác có vị mặn chát trên môi…
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, bà Mao Thị Kim Liên – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bé Nguyễn Hoàng Tùng hiện đang theo học lớp Chồi 5 của trường Mầm non Tuổi Ngọc.
Qua thống kê nhanh của Phòng GD&ĐT Quận 8, các học sinh có thân nhân là cha hoặc mẹ mất do mắc COVID-19 ở độ tuổi đến trường "có mặt" ở các cấp. Riêng cấp mầm non, hiện có 2 bé đều có mẹ mất vì dịch COVID-19, còn cha nhưng làm nghề tự do và thu nhập rất bấp bênh.
Riêng với bé Nguyễn Hoàng Tùng thì mẹ mất khi đang mang thai 7 tháng. Trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bố của bé là anh Nguyễn Xuân Hải có làm nghề sửa xe nhưng thu nhập không đảm bảo. Gia đình anh Hải phải sống với đại gia đình gần 20 người (gồm ông bà, gia đình hai chị gái, 1 em gái của anh Hải cùng các cháu) đều sinh sống trong 2 ngôi nhà xây sát tường, không gian sống chật chội.
Theo bà Liên, Phòng GD&ĐT Quận 8 đã tổ chức buổi chia buồn và động viên tinh thần hai bố con anh Hải. Với bé Tùng, Phòng cũng đề nghị ban giám hiệu trường Mầm non Tuổi Ngọc lưu tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để bé Tùng có thể đảm bảo việc đến lớp.
Còn nữa...
Anh Nguyễn Xuân Hải không cầm được nước mắt khi nhắc lại bi kịch của gia đình mình.
Bảo Loan (Từ tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh)