Những đứa trẻ câm nín

27-04-2009 10:38 | Đời sống
google news

Theo số liệu của bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP. HCM, hàng năm nơi này đón nhận số trẻ bị chậm nói tăng thêm khoảng 100 em, riêng năm 2008 có hơn 500 em. Tại sao lại có hiện tượng bất thường này?

Theo số liệu của bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP. HCM, hàng năm nơi này đón nhận số trẻ bị chậm nói tăng thêm khoảng 100 em, riêng năm 2008 có hơn 500 em. Tại sao lại có hiện tượng bất thường này?

Đứa con chậm nói

Chị Hồng, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM có 2 con, đứa con đầu nay 4 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói. Từ lúc cháu 2 tuổi, chưa nói được là gia đình đã ngờ ngợ có điều gì đó bất thường nhưng vẫn “đợi thêm một thời gian nữa hẵng tính”, vì cháu vẫn tỏ ra khỏe mạnh, ham ăn, ham chơi như mấy đứa nhà hàng xóm. Vả lại, nhà chị Hồng không có một ai bị chậm nói. Thế nhưng, khi bé lên 3, gia đình vẫn chỉ nghe bé thỉnh thoảng hét lên chứ không hề nói. Đặc biệt là cháu càng lớn lên, tiếng hét càng to như bức bối vì không dùng ngôn ngữ để biểu đạt ý muốn của mình được. Gia đình mang cháu đến BV và được biết cháu bị mắc chứng chậm nói, cần phải kiên trì điều trị mới hy vọng có kết quả.

 Trẻ rất cần một môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh.
(ảnh có tính minh hoạ). Ảnh: Hoàng Hải
Con chị Nam, ngụ tại Hóc Môn, TP.HCM lại không hét mà cháu (gần 3 tuổi) muốn gọi ai, muốn nói về cái gì cũng chỉ a... aa… Những lúc này chỉ mẹ là hiểu cháu muốn gì. Cũng như một số bà mẹ khác, chị Nam không hiểu chuyện gì đã xảy ra, chị chỉ hy vọng con mình theo thời gian rồi sẽ biết nói. Khi nghe những đứa bé các nhà bên biết gọi: ba, mẹ, ông, bà… chị Nam lòng đầy lo lắng hoang mang, mong con mình một ngày nào đó thốt nên lời. Chị thường mang con lân la nhà hàng xóm để con mình học nói với những đứa trẻ khác. Vậy mà, khi lũ trẻ thua con chị gần cả năm tuổi ngày càng nói được nhiều từ hơn, rõ hơn thì con của chị Nam vẫn chỉ a… a…

Anh Hùng và chị Hương, quê ở thị trấn Chương Mỹ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng vậy. Mãi khi thằng cu Vận lên 6 tuổi mà chỉ bập bẹ được vài từ không rõ tiếng, họ mới đưa con đi chữa bệnh.

Trường hợp của anh Hiếu chị Lý, ở tỉnh Bình Phước lại có vẻ khó hiểu hơn, vì anh chị có 4 đứa con, 3 đứa đầu nói liền mồm còn đứa út không chịu nói dù nó đã lên 3. Đứa bé này thậm chí không thèm nghe ba mẹ nó gọi. Anh chị không thể nào dạy cho con nói được những từ đơn giản nhất như ba, mẹ và đành mang con đi BV.

Tại sao?

Thường thì không có bố mẹ nào ngay lập tức nhận ra con mình chậm nói. Nhất là với người mẹ, con mình bao giờ cũng tuyệt vời nhất, đẹp và thông minh nhất. Như anh Hùng và chị Hương có thằng cu Vận đến 6 tuổi mới ngờ ngợ hình như nó bị gì đó, vì không giống như con người ta ăn nói đã rõ ràng rành mạch. Tại phòng nhận bệnh, đơn vị Tâm lý, BV. Nhi Đồng 1, chị Hương còn hỏi mọi người: “Không biết máu nó có bị gì không? Có phải xét nghiệm máu không nhỉ?”. Anh Hùng còn bô bô kể rằng cháu rất là thông minh, biết chơi trò nấu ăn và rất thích trò này. 2 anh chị còn khẳng định bệnh của con anh chị không nơi nào chữa được, kể cả bên Mỹ và chỉ uống thuốc bổ rồi có ngày tự khắc nó sẽ khỏi. Nhưng khi được hỏi tại sao lại biết đến BV. Nhi Đồng 1 mà vượt cả ngàn cây số đứa con đến, chị Hương lại nói là do xem trên truyền hình và hy vọng ở đây chữa được.

Không biết tại sao cu Vận chậm nói nhưng nhìn bề ngoài nó xanh rớt, khi cân lên chỉ nặng hơn 14kg. Hỏi mới biết, anh Hùng là tay nghiện đủ thứ: thuốc lá, rượu và đặc biệt là rượu. Hầu như ngày nào anh cũng nốc rượu và ngay cả lúc mang con đi khám bệnh, anh cũng đã có một chầu sương sương trước đó nên giọng nói hơi nhịu. Phải chăng, những điều đó ảnh hưởng đến việc trẻ bị chậm nói?

Anh Hiếu, chị Lý thú nhận bé Minh chậm nói là do anh chị quá bận làm ăn nên không chú ý đến con mà giao phó hoàn toàn cho người giúp việc. Anh Hiếu nói: “Người giúp việc mê ti-vi, cứ xong việc là ôm ti-vi nên bé Minh cũng mê theo, riết rồi không biết nói tiếng nào”. Anh Hiếu cho hay, vì công việc kinh doanh mà anh chị đi tối ngày không chăm sóc được đứa con của mình. Thiếu vắng tình cảm của bố mẹ, xem ti-vi nhiều không được nghe nhiều tiếng nói thực của người thân là những nguyên nhân bên cạnh việc thể chất đứa bé yếu, suy dinh dưỡng hoặc có vấn đề về não, cơ quan phát âm… khiến đứa bé chậm nói, ThS.BS. Đinh Thạc, BV. Nhi Đồng 1 cho biết như vậy.

Giờ đây, vợ chồng anh Hiếu hàng tuần bỏ ra hẳn một ngày để đánh xe hơi đưa con xuống TP.HCM chữa bệnh. Anh Hiếu nói: “Mỗi từ của thằng bé nói được đáng giá tiền triệu cũng không mua được. Chữa bệnh cho con nhưng chủ yếu là để vợ chồng tôi đi học cách dạy con nói. Ví dụ dạy từ gì thì phải chỉ vào đồ vật tương ứng. Chúng tôi ân hận đã không gần gũi chăm sóc cháu mà mải mê kiếm tiền…”.

Lối sống của bố mẹ nếu không lành mạnh khi chuẩn bị cho đứa con ra đời dẫn đến việc đứa con bị ảnh hưởng về sức khỏe đặc biệt là não, tai, họng… khiến đứa bé có thể bị chậm nói. Nhưng khi đứa con ra đời, vì lý do nào đó nó thiếu tình cảm của bố mẹ, không được nghe giọng nói thực, không được dạy nói… cũng khiến đứa trẻ chậm nói. Rồi trẻ bị bệnh tật, suy dinh dưỡng và mệt mỏi đến độ không thèm nói là trường hợp có thật. Bé Lâm hồi 9 tháng tuổi đã biết kêu “bà ơi” khiến mọi người trầm trồ thán phục, vì bà giúp việc thường xuyên âu yếm trò chuyện với nó. Từ khi “bà ơi” bị người mẹ khó tính cho nghỉ việc, bố mẹ đi làm suốt ngày, bé Lâm phải xem ti-vi với người giúp việc mới cũng là một đứa trẻ đang độ tuổi ham chơi. Và nó nay đã gần 18 tháng mà chưa biết nói, quên hẳn từ “bà ơi” đã thuộc trước đó.

Như vậy, trẻ em câm nín là cũng có một phần lỗi của bố mẹ!

(Tên các nhân vật trong bài này đã được thay đổi)

Nguyễn Hưng


Ý kiến của bạn