Những dòng họ “Anh hùng”

09-04-2013 10:55 | Tin nóng y tế
google news

Cách Hà Nội chừng 120km về hướng Đông Bắc, huyện miền núi Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) được biết đến với những đồi vải bạt ngàn, người dân quanh năm vất vả bám đất, trông chờ vào từng gốc vải.

Cách Hà Nội chừng 120km về hướng Đông Bắc, huyện miền núi Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) được biết đến với những đồi vải bạt ngàn, người dân quanh năm vất vả bám đất, trông chờ vào từng gốc vải. Cả huyện có 12 dân tộc khác nhau, giao thông cách trở, xã xa nhất cách trung tâm huyện khoảng 70km, muốn triển khai hoạt động cộng đồng gì ở đây cũng khó. Nhưng riêng hoạt động hiến máu tình nguyện lại được triển khai thường xuyên và thành công, mỗi đợt hiến máu tổ chức được cả cán bộ và người dân đón nhận như một ngày hội. Nếu như ở đâu đó chỉ thanh niên hiến máu là chính thì đến Lục Ngạn chúng ta sẽ thấy được cảnh nhiều người dân hăng hái hiến máu khi đã ở tuổi ngũ tuần. Có được thành công đó là cả quá trình đầy khó khăn của những người giàu tâm huyết “không giống ai” như ông Triệu, ông Héc... - họ không chỉ hiến máu một mình mà còn vận động cả dòng họ cùng hiến máu.
Những dòng họ “Anh hùng” 1
 Ông Triệu (người mặc áo trắng) đang tham gia hiến máu.

Tự làm mới để thay đổi

Với quyết tâm triển khai cho được hoạt động này tại huyện, thậm chí phải tốt nhất trong toàn tỉnh, ông Hồ Công Triệu (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lục Ngạn) đã không quản ngại, lặn lội đến từng xã, từng thôn, bản, tìm cách gặp trực tiếp từng trưởng bản, trưởng thôn vận động, giải thích cho họ hiểu về việc hiến máu. Khó khăn không làm ông chùn bước vì ông có niềm tin vững chãi rằng: “Không cứ ở đâu, dù ở thành phố hay nông thôn, miền núi, nơi nào cũng có thể làm tốt việc hiến máu, chỉ cần mình có quyết tâm hay không”. Nhưng quyết tâm chưa đủ thuyết phục được người dân đi hiến máu, ông nghĩ và làm theo cách riêng: “phải trực tiếp hiến máu”, rồi vận động cả vợ, con, anh, chị em trong gia đình hiến máu. Cho đến nay, ông Triệu hơn 20 lần hiến máu, trong dòng họ ông (chỉ tính người trong nội tộc) có 15 người đã hiến máu và duy trì hiến máu thường xuyên, sau người “vô địch” hiến máu là ông, em trai ông Triệu đang giữ ngôi “á quân” với 9 lần hiến máu. Năm 2011, trong dịp tôn vinh người hiến máu của tỉnh Bắc Giang, dòng họ Hồ (xã Mỹ An) là một trong năm dòng họ đầu tiên, tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang được tôn vinh.

Nói chuyện với chúng tôi, ông hào hứng kể lại: “Hiện nay, tôi đã có hai đội hiến máu dự bị, bây giờ huyện yên tâm về nguồn máu điều trị rồi, cũng bõ công sức mình bỏ ra”. Bà Nguyễn Thị Minh Khánh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bắc Giang cho biết: “Chúng tôi tự hào rằng Bắc Giang hiện có 7 dòng họ hiến máu tích cực như họ Triệu ở Lục Ngạn”.

Nối tiếp nghĩa cử “anh hùng”

Từ phong trào hiến máu mà vùng quê này xuất hiện ngày càng nhiều “những anh hùng” hiến máu, nhiều dòng họ hiến máu như dòng họ Hồ. Mặc dù mỗi năm, nơi này chỉ tổ chức hiến máu một đến hai lần, nhưng ông Lăng Văn Héc (dân tộc Nùng, xã Biên Sơn, Lục Ngạn) đã hiến máu 3 lần, ở dân tộc ông thì số người hiến máu 3 lần chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng lạ lắm cả dòng họ Lăng của ông hiện nay đã có khoảng 10 người cùng đi hiến máu.  Ở cái tuổi 55 nhưng ông còn hăng hái lắm, việc gì trong nhà cũng đến tay, từ ngày biết đến hoạt động hiến máu, ông tự nhận luôn việc đến từng nhà người thân, anh em, họ hàng vận động họ đi hiến máu. Ban đầu, nhiều người cũng không nghe ông, họ nhìn thấy là lẩn tránh nhưng rồi thấy ông đi hiến máu nhiều rồi, cũng vẫn khỏe vậy, dần dần vợ ông cũng hiến máu, rồi những người thân trong họ cũng theo ông hiến máu.

Những người như ông Triệu, ông Héc và dòng họ của các ông chẳng nghĩ sẽ có lúc ai đó gọi hay phong cho họ danh hiệu “Anh hùng” rồi mới làm việc thiện, những việc họ làm tự nhiên như hơi thở vậy. Những giọt máu giàu tình nghĩa của họ đã góp cho cuộc sống này thêm đẹp, cho tình người gắn kết với tình người và sự sống lại tiếp tục được hồi sinh.  Họ sẽ là những nhân chứng khẳng định rõ ràng rằng “Hiến máu theo hướng dẫn hoàn toàn không có hại cho sức khỏe”.            
 
Bài và ảnh: Quang Hải

Ý kiến của bạn