Những đóng góp thầm lặng của các nhóm đồng đẳng viên trong phòng chống HIV

25-11-2023 06:38 | Y tế

SKĐS - Sau 10 năm hoạt động, nhóm Quỳnh Hương Xanh đã tiếp xúc, giúp đỡ hàng chục nghìn người nhiễm HIV và các đối tượng nguy cơ cao tiếp cận với các dịch vụ trong phòng và điều trị HIV. Đồng thời giúp đỡ nhiều người nhiễm HIV, có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng hành và sẻ chia

Thực tế cho thấy, tại Nghệ An các tổ chức dựa vào cộng đồng đóng một vai trò quan trọng khi những người tình nguyện viên hàng ngày đi tìm kiếm, thuyết phục người có HIV đi điều trị, kéo họ từ "cõi chết" trở về, hoặc cùng họ vượt qua cơn bạo bệnh để tái nhập với cuộc sống.

Chị Trần Thu T. - Trưởng Nhóm Quỳnh Hương Xanh (TP. Vinh, Nghệ An) cho hay, từ năm 2013, nhóm đã được thành lập, có những thời điểm lên đến 23 thành viên và hiện tại chỉ còn 10 thành viên tham gia.

Nhóm đồng đẳng và những đóng góp thầm lặng- Ảnh 1.

Các tình nguyện viên của nhóm Quỳnh Hương Xanh đến tận nhà hỗ trợ xét nghiệm nhiễm HIV.

Chị là một tuyên truyền viên đồng đẳng, theo cách nói "mềm" hơn là nhân viên tiếp cận cộng đồng, gặp gỡ các đối tượng mại dâm... để tuyên truyền, tư vấn cho họ các biện pháp an toàn, phòng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS.

Chúng tôi gặp chị Trần Thu T., ngay tại căn phòng làm việc của nhóm trong ngõ nhỏ trên đường Kim Đồng, TP. Vinh (Nghệ An). Dáng cao cao, ăn nói có duyên và còn rất trẻ so với tuổi nên chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết chị đã có hơn 15 năm làm tuyên truyền viên đồng đẳng - một công việc thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng mại dâm, ma túy... có mối nguy tiềm ẩn, và phải vượt qua sự dị nghị của người đời để tuyên truyền, góp phần hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Chị T. cho hay, hằng ngày chị và các thành viên, đồng đẳng viên, cộng tác viên của nhóm phân nhau đến các nhà hàng, khách sạn, hay các tụ điểm "nhạy cảm" để tiếp cận với các chị em bán dâm. Khi tiếp cận được, chị T. tư vấn cho họ về cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, thực hiện hành vi tình dục an toàn, phòng, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.

Thời gian làm việc của chị T. không theo giờ giấc, lúc buổi trưa, khi trời tối để tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm bệnh và phát bao cao su miễn phí cho họ.

Nhóm đồng đẳng và những đóng góp thầm lặng- Ảnh 2.

Các tiếp cận viên của Quỳnh Hương Xanh (Nghệ An) ra vào các tụ điểm nóng về mại dâm thường xuyên để tiếp cận, phân phát bao cao su cho khách hàng và các chủ nhà nghỉ.

Thời gian đầu đi tuyên truyền, thấy chị T. cầm bao cao su ra vào nhà hàng, khách sạn, người thân của chị còn tỏ ý nghi ngờ, tưởng chị làm việc gì phạm pháp, có một số người còn có ý né tránh. Có lần chị đến một khách sạn, thuyết phục mãi, chủ khách sạn mới cho vào tiếp cận. Ðang tư vấn thì công an vào kiểm tra thế là chị bị đưa đi luôn cùng tiếp viên nhà hàng.

Công việc không phải là dễ dàng đối với chị T., nhưng rồi nghĩ đến việc sẽ cứu cho nhiều người tránh được căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, chị lại không quản ngại khó khăn, vất vả, lăn lộn để đạt được các chỉ tiêu mà dự án phòng, chống HIV/AIDS đã đặt ra cho các nhóm hoạt động vì cộng đồng như nhóm của chị.

Khi đủ sự chia sẻ, đồng cảm và tin tưởng, chị T. giới thiệu "khách hàng" đến phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện để được tư vấn và xét nghiệm HIV. Khó khăn, vất vả nhưng đổi lại chị sẽ giúp được nhiều người, chí ít cũng nhận biết, thay đổi hành vi có nguy cơ cao, tự bảo vệ bản thân trước các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thời gian đầu hoạt động, nhóm Quỳnh Hương Xanh đã gặp không ít khó khăn, bị nhiều người rèm pha với ánh mắt kỳ thị. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và sự quyết tâm, nhóm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chung tay, góp sức để cùng ngành y tế hướng tới các mục tiêu trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Chỉ riêng năm 2023, nhóm đã thực hiện hàng trăm lượt tư vấn, hỗ trợ 8 người nhiễm HIV dùng thuốc ARV. Ngoài ra còn thuyết phục những người sử dụng ma túy điều trị bằng Methadone, hỗ trợ người bệnh mua bảo hiểm y tế…

Nhìn lại những chặng đường đã qua, cho đến thời điểm hiện tại, nhóm Quỳnh Hương Xanh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều người cũng đã hiểu và chia sẻ với công việc mà nhóm đang làm vì cộng đồng. Thậm chí còn có nhiều tình nguyện viên còn tự nguyện tham gia, để giúp cho cộng đồng được nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, thay đổi hành vi để giảm bớt những hành vi nguy cơ cao và thực hiện các biện pháp an toàn nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.

Được sự hỗ trợ của ngành y tế, sở ngành liên quan, sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI). Nhóm đã giúp hàng trăm người nhiễm HIV trên địa bàn được tiếp cận với thuốc điều trị. Công việc này thực sự vất vả, nguy hiểm nhưng họ luôn cố gắng bởi hơn ai hết họ thấu hiểu được tâm tư những người nhiễm HIV và khát khao được trở lại với cuộc sống đời thường.

Góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng

Ông Thái Văn Nhàn – Phó Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, các tổ chức phòng chống HIV dựa vào cộng đồng (CBO), các đồng đẳng viên là nhóm hoạt động rất cần thiết của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Họ đóng vai trò quan trọng, là cầu nối trung gian giữa người quản lý, điều hành chương trình với cộng đồng.

Nhóm đồng đẳng và những đóng góp thầm lặng- Ảnh 3.

Test nhanh cho các trường hợp bị nghi nhiễm HIV.

Những bài học đắt giá từ chính cuộc đời họ đã góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Nếu không có sự quyết tâm, lòng nhiệt tình, các đồng đẳng viên sẽ khó bám trụ lâu dài với công tác xã hội này.

Các tổ chức xã hội đã tham gia góp phần vào hầu hết các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Từ đóng góp ý kiến trong khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Cho đến xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ và theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình. Đặc biệt, nhóm đã cung cấp một số dịch vụ mà các tổ chức cộng đồng có lợi thế.

Các báo cáo quốc gia cho thấy, các tổ chức cộng đồng có thể đóng góp từ 25-50% các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ nhất là các dịch vụ mà tổ chức cộng đồng có lợi thế như tiếp cận cộng đồng, cung cấp dịch vụ can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV và chuyển gửi điều trị ARV hay điều trị PrEP.

Riêng về xét nghiệm HIV tại cộng đồng, do đặc thù ở Nghệ An, dịch HIV vẫn là dịch tập trung nên nhiều người nhiễm HIV thuộc nhóm dễ tổn thương như người nghiện chích ma túy, người bán dâm hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới, đây là nhóm dễ bị kỳ thị phân biệt đối xử.

Do vậy hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận các đối tượng này hơn so với với các tổ chức cộng đồng, vì các tổ chức cộng đồng thường là người trong cuộc nên họ đồng cảm hơn, hiểu đối tượng của mình hơn nên dễ tiếp cận để truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ cho các nhóm này.

Việc xét nghiệm và tìm ca nhiễm HIV dương tính tại một số huyện hiện nay, các tổ chức cộng đồng đóng góp tới 50% số ca mới, thậm chí một số huyện có tới 60-70% các ca nhiễm HIV mới được phát hiện do các tổ chức xã hội thực hiện. Việc xét nghiệm sớm và điều trị sớm HIV là một trong giải pháp quan trọng để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Cũng theo ông Thái Văn Nhàn, một lợi thế khác là các tổ chức cộng đồng ngày nay cũng rất nhanh nhạy và có lợi thế đó là tiếp cận, truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng đích. Các tổ chức cộng đồng tổ chức truyền thông qua mạng xã hội như facebook, zalo, ticktok, livestream... rất nhanh nhạy, sáng tạo, phù hợp với thị hiếu của đối tượng đích nên thu hút sự quan tâm của cộng đồng những người có hành vi nguy cơ cao.

Với vai trò của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua có thể khẳng định nhóm cộng đồng đã có đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch HIV tại Nghệ An. Do vậy việc huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới cũng như cần có một cơ chế chính sách để duy trì sự tham gia của các tổ chức cộng đồng bằng nguồn ngân sách địa phương là hết sức quan trọng.

Hiệu quả mô hình can thiệp phòng, chống HIV trong nhóm MSMHiệu quả mô hình can thiệp phòng, chống HIV trong nhóm MSM

SKĐS - Âm thầm, lặng lẽ, các tình nguyện viên của nhóm công tác xã hội Liên Minh MSM-TG Nghệ An đang từng ngày, từng giờ thắp sáng niềm tin cho người nhiễm HIV và cả những con người đã có một thời lầm lỡ.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn