Hà Nội

Những đối tượng tuyệt đối không giác hơi

07-09-2015 11:01 | Y học cổ truyền
google news

Giác hơi là liệu pháp giải độc cơ thể ngày càng được ưa chuộng nhưng nếu lạm dụng hoặc dùng sai cách sẽ rất nguy hiểm.

Giác hơi là gì?

Giác hơi là liệu pháp lợi dụng áp suất âm trong dụng cụ giác nhằm gây hiện tượng sung huyết tại chỗ để giải độc cơ thể, chữa bệnh. Những vật dụng dùng để giác hơi bao gồm: ống nứa, ống thủy tinh, lọ nhỏ hoặc cốc nhỏ để làm dụng cụ giác cùng với bông, nước ấm hoặc cồn.

Cách giác hơi cũng khá đơn giản:

- Đốt bông tẩm cồn rồi bỏ vào ống giác, trong khi lửa vừa cháy, úp nhanh ống giác vào chỗ giác.

- Dùng panh kẹp bông tẩm cồn đốt cháy rồi hơ nhanh vào lòng ống giác, rút panh ra và úp ống giác vào chỗ định giác.

- Úp ống vào nước đang sôi. Nhanh tay dùng khăn sạch nhấc lên, thấm khô miệng ống và úp nhanh vào chỗ giác.

Giác hơi là cách chữa bệnh trong Đông y, đặc biệt với những bệnh nhân không chịu được châm cứu và khó thích ứng thuốc. Giác hơi có tác dụng tiêu sưng, tan ứ, giảm đau, lưu thông khí huyết… Ngày nay, nhiều người coi giác hơi như một phương pháp thư giãn.

Nguy cơ bị bỏng khi giác hơi

Mặc dù cơ chế hoạt động của giác hơi khá đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là bỏng nhiệt. Giác hơi sử dụng cồn, lửa và những vật dụng dễ bắt lửa nên khả năng bị bỏng rất cao.

Nhiều người bị bỏng khi tự giác hơi ở nhà như trường hợp của anh Pham Văn Hòa tại T.P Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do đổ cồn bất cẩn trong khi giác. Trên thực tế số lượng người bị bỏng do giác hơi không phải ít.

Một số lưu ý khi giác hơi

Để giác hơi có tác dụng tốt, bạn cần chú ý những điểm sau:

- Đúng tư thế, đúng vị trí: Chỉ nên thực hiện ở những vị trí có cơ bắp đầy đặn và lớp mỡ dưới da.

- Không nên thực hiện ở những nơi có mạch máu nông, vùng da mới liền hoặc có sẹo, những vùng da nhạy cảm như quanh mi mắt, môi, đầu vú, vùng da có nhiều nếp nhăn hoặc các vùng da đã giác hơi trước còn vết.

- Không giác hơi ngoài trời, nơi quá lạnh hoặc quá nóng. Tuyệt đối không thực hiện tại bãi biển, trong phòng có điều hòa.

Những lưu ý quan trọng khi giác hơi - ảnh 1
Giác hơi là biện pháp giải độc cơ thể trong Đông y

- Cần chọn tư thế sao cho người bệnh thoải mái nhất. Với những người thần kinh yếu, người già, người lần đầu giác hơi nên chọn tư thế nằm an toàn.

Trong quá trình giác hơi cả người bệnh và nhân viên y tế cần theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe để có những biện pháp xử trí kịp thời.

- Về phía người bệnh: Cần chuẩn bị tâm lý. Khi có những biểu hiện nóng tại chỗ giác, căng, buồn ngủ… cần báo cho nhân viên kỹ thuật để dừng lại. Nếu thấy những hiện tượng bất thường: nóng, choáng váng, hoa mắt, đau đầu… cần báo cho nhân viên y tế để xử lý kịp thời, tránh những biến chứng. Sau khi giác hơi xong, người bệnh cần nghỉ ngơi, không hoạt động mạnh, không nên tắm luôn.

- Về phía nhân viên kỹ thuật y tế: Kiểm tra sức khỏe của người bệnh trước khi giác hơi. Theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân trong và sau khi thực hiện.

Những lưu ý quan trọng khi giác hơi - ảnh 2
Phương pháp này cần phải được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn

Nên giác hơi khi nào?

Là một liệu pháp giải độc cơ thể và chữa bệnh tốt nhưng không phải ai, không phải bệnh nào cũng áp dụng được. Giác hơi chỉ nên dùng trong những trường hợp sau:

- Đau nhức xương khớp: Thực hiện tại những khớp đau

- Ho kéo dài: Giác hơi tại huyệt của hai lưng

- Cảm nóng, cảm lạnh: Với bệnh nhân cảm lạnh cần giữ ấm cho bệnh nhân

- Đau bung, sôi bụng: Thực hiện các vùng huyệt bụng, thắt lưng

Những người không nên giác hơi

Những lưu ý quan trọng khi giác hơi - ảnh 3
Một trường hợp bị bỏng nặng do giác hơi sai cách

Trong các trường hợp sau không nên dùng giác hơi để chữa bệnh vì có thể gây nên những biến chứng, thậm chí tử vong.

- Những người mắc bệnh thận, phổi có hiện tượng thiếu máu, xuất huyết dưới da, phù thũng toàn thân, thiếu tiểu cầu.

- Người mắc bệnh tâm thần, suy nhược thần kinh, thường xuyên bị chuột rút.

- Người gầy, cơ da đàn hồi kém.

- Người trong tình trạng quá no, quá đói hoặc say rượu.

- Những người đau vùng thắt lưng, vùng bụng dưới, phụ nữ có thai, đang thời kỳ kinh nguyệt, cho con bú.

- Những người đang sốt phát ban, mê sảng, co giật toàn thân…

Ảnh minh họa: Internet

BS Cẩm Tú (Lưu Nhạn ghi)

 

 


Ý kiến của bạn