Theo nghị quyết, đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam, cư trú trên địa bàn Hà Nội, có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.
Nội dung, mức hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết này gồm: Hỗ trợ 100% phí phải nộp của các đối tượng quy định của Nghị quyết này mà không thuộc đối tượng được miễn phí theo quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Cụ thể, hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ); mức hỗ trợ 100.000 đồng/lần/người. Hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của các đối tượng khác; mức hỗ trợ 200.000 đồng/lần/người.
Trường hợp đối tượng quy định của Nghị quyết này có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người (tương đương 10 phiếu lý lịch tư pháp). Kinh phí thực hiện việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định tại Nghị quyết này được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố giao Sở Tư pháp.
Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố, từ năm 2021 đến 2023, Hà Nội đã cấp khoảng 222.500 phiếu lý lịch tư pháp và trung bình mỗi ngày, Sở Tư pháp tiếp nhận trên 500 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của công dân, tổ chức.
Thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ, từ ngày 22/4, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp của Hà Nội đã được triển khai thí điểm trên ứng dụng VNeID. Từ 22/4 đến ngày 6/5, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 5.272 hồ sơ; trong đó có 2.097 hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID (đạt 39,78%); có 3.175 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công thành phố (đạt 60,22%).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Video Đập ngăn mặn xuống cấp đe dọa nguồn cấp nước sinh hoạt TP Đông Hà.