Những đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh từ 1/1/2024 người dân cần biết

25-12-2023 10:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ 01/01/2024).

Dưới đây là những đối tượng được ưu tiên khi đi khám, chữa bệnh từ 2024 người dân cần biết để đảm bảo quyền lợi của mình.

Các trường hợp được ưu tiên khám, chữa bệnh từ 1/1/2024

Theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) quy định về giải thích từ ngữ như sau:

- Khám bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để đánh giá tình trạng sức khỏe, nguy cơ đối với sức khỏe và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh.

- Chữa bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để giải quyết tình trạng bệnh, ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh hoặc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh trên cơ sở kết quả khám bệnh.

- Người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Những đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh từ 1/1/2024 người dân cần biết- Ảnh 1.

Người bệnh có thể được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh nếu từ đủ 75 tuổi trở lên. Ảnh minh họa.

Khoản 2, Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:

  • Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu;
  • Trẻ em dưới 06 tuổi;
  • Phụ nữ có thai;
  • Người khuyết tật đặc biệt nặng;
  • Người khuyết tật nặng;
  • Người từ đủ 75 tuổi trở lên;
  • Người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, độ tuổi được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh được quy định như trên.

Ngân sách nhà nước về khám chữa bệnh ưu tiên bố trí cho những hoạt động nào?

Theo Điều 4 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, quy định về ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động sau đây nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng và đáp ứng nhu cầu y tế đa dạng của người dân:

- Phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc y tế cơ sở, hệ thống cấp cứu ngoại viện: Việc đầu tư và phát triển hệ thống y tế cơ sở và hệ thống cấp cứu ngoại viện là cực kỳ quan trọng để cung cấp dịch vụ y tế hiệu quả và kịp thời cho nhân dân, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp.

- Tập trung đầu tư cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Điều này đảm bảo rằng người dân ở những khu vực khó khăn sẽ có cơ hội truy cập dịch vụ y tế đầy đủ và phù hợp với tình hình địa phương của họ.

- Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động sau đây: Khám bệnh, chữa bệnh đối với người có công với cách mạng; trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; người đang sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người mắc bệnh tâm thần, bệnh phong; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Nghĩa vụ của bệnh nhân trong khám bệnh, chữa bệnh từ năm 2024

Các Điều 16, 17, 18, Mục 2, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ 1/1/2024) quy định về nghĩa vụ của người bệnh như sau:

Điều 16. Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 17. Nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh:

Cung cấp trung thực và chịu trách nhiệm về thông tin liên quan đến nhân thân, tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề.

Chấp hành và yêu cầu thân nhân, người đến thăm mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 18. Nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh:

Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ năm 2024, người bệnh có các nghĩa vụ trên khi khám bệnh, chữa bệnh.

Năm 2024 có thêm đối tượng nào được cấp thẻ BHYT miễn phí?Năm 2024 có thêm đối tượng nào được cấp thẻ BHYT miễn phí?

SKĐS - Năm 2024 sẽ có thêm đối tượng nào được cấp thẻ BHYT miễn phí? Toàn bộ đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí gồm những ai? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu ngay sau đây.


Tú Diệp (t/h)
Ý kiến của bạn