SKĐS - Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi tỉnh Hà Giang, nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em, góp phần nâng cao đời sống và củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích đất tự nhiên là 7.929,48 km2, cách Thủ đô Hà Nội 318km theo đường bộ. Phía Bắc tỉnh Hà Giang giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc với trên 277 km đường biên giới; phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
Nằm trong khu vực địa bàn vùng núi cao, Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800m - 1.200m so với mực nước biển. 90% diện tích Hà Giang là đồi núi. Đây là vùng tập trung nhiều ngọn núi cao.
Hà Giang là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc anh em, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, La Chí, Giáy… Mỗi dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều có nét văn hóa truyền thống và bản sắc riêng độc đáo.
Các dân tộc ở Hà Giang dù có lịch sử cư trú từ lâu đời hay những cộng đồng di cư đến sau đều coi kinh tế nông nghiệp là nguồn sống chính. Để thích nghi với địa hình đồi núi, khe sâu, đồng bào đã cần cù phát nương làm rẫy trồng các loại cây lương thực tự cung, tự cấp cho cuộc sống. Để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của cuộc sống, nhiều ngành thủ công truyền thống ra đời như nghề rèn, nghề dệt, chế tác trang sức, đan lát, trồng và chế biến dược liệu…
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, vị trí địa lý, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại chưa thuận tiện nên đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân các dân tộc Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn.
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), diện mạo nông thôn miền núi và đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang đang dần khởi sắc.
Sau gần hai năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, cơ bản các dự án, tiểu dự án đã được triển khai thực hiện và phân bổ vốn đến các đơn vị và các địa phương.
Phần lớn các nội dung hỗ trợ, đầu tư của các dự án phù hợp với nhu cầu của cơ sở và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe… đã giúp người dân giải quyết được các nhu cầu cơ bản của đời sống, làm tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương.
Đồng chí Triệu Trung Hiệp, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác tổ chức quản lý chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình. Thành lập và kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nguồn vốn, Nghị quyết phân bổ nguồn vốn hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo triển khai Chương trình.
Đến nay có thể khẳng định Chương trình có chế độ, chính sách, nội dung dự án đầu tư, hỗ trợ phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân. Do đó được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.
Chương trình được triển khai thực hiện trên địa bàn 2.063 thôn, tổ dân phố của 192 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua gần 2 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, hiệu quả của Chương trình đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung và đối với các xã khu vực III, khu vực II, các thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số nói riêng.
Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 toàn tỉnh có 42,08%, đến năm 2022 giảm còn 37,08%; Hạ tầng giao thông được đầu tư kết nối các huyện, xã, thôn, các tuyến đường kết nối với các cửa khẩu giáp biên giới và các tuyến quốc lộ khác đều được quy hoạch, đầu tư nâng cấp.
Đến hết năm 2022 đã có 100% xã có điện lưới quốc gia. Hệ thống cấp nước sinh hoạt đô thị cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cơ sở vật chất trường học, y tế được củng cố, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.
Năm 2023 là năm thực hiện đánh giá giữa kỳ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã tổ chức đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 07-NQ/ĐH ngày 17/10/2020 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý Chương trình.
Để đầu tư đúng trọng tâm và phát huy được hiệu quả của các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể như:
Tiếp tục xây dựng và kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành, quản lý phù hợp, thống nhất, có quy chế hoạt động rõ ràng, hiệu quả. Phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình. Cùng với việc phân cấp, phải có biện pháp kiểm soát hoạt động đầu tư ở địa phương, khắc phục tình trạng cục bộ và một số bất cập trong quản lý.
Chú trọng đến công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, nắm tình hình để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát hiện những hạn chế, sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện để chỉ đạo, điều chỉnh và xử lý cho kịp thời, phù hợp.
Tích cực nghiên cứu và phổ biến các mô hình tổ chức triển khai có hiệu quả. Tổ chức các hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, nhằm nâng cao trình độ và năng lực quản lý cho cán bộ triển khai Chương trình các cấp. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các tiểu dự án, dự án thành phần và các hoạt động của Chương trình.
Để đạt được mục tiêu của Chương trình, tỉnh Hà Giang đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho tỉnh Hà Giang để đảm bảo đủ nguồn lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình, góp phần thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đề nghị Trung ương bổ sung nguồn vốn viện trợ, các tổ chức quốc tế để đầu tư các công trình thiết yếu nhằm phục vụ cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung Chương trình này.
Đồng thời xem xét từ năm ngân sách 2024, Trung ương nên giao tổng kế hoạch thực hiện từng Chương trình MTQG cho địa phương chủ động phân bổ giao dự toán chi tiết đến từng dự án để các địa phương chủ động hơn trong triển khai thực hiện phù hợp với tình hình đời sống xã hội của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ để các địa phương triển khai thực hiện; Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm ban hành bộ tài liệu tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình của các cấp thuộc tiểu dự án 4 của dự án 5. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan xem xét. Đối với các hộ thuộc dân tộc có khó khăn đặc thù được phê duyệt tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN đều được hưởng chính sách theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ban hành phần mềm báo cáo thực hiện chương trình và tổ chức tập huấn chế độ báo cáo theo quy định để các địa phương dễ dàng trong thực hiện chế độ báo cáo.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Một già làng vùng dân tộc Raglai ở Khánh Hòa kiên trì vận động xây nên những ngôi nhà mới.