Cư sĩ là những cô bác anh chị ngoài việc đời để kiếm sống, việc nhà để chăm lo gia đình, họ còn dành thời gian để đọc kinh, nghe pháp, tu tập và đặc biệt là đến Chùa phụ giúp các thầy cô trong việc chăm lo Chùa hàng ngày.
Công quả-là thành tâm muốn làm những công việc thiện nguyện nơi cửa Chùa, để tâm trí bình an, hết phiền não và tích phước báu cho gia đình con cháu -một niềm tin đẹp lâu đời của những người cư sĩ thuần thành.
Có bác cư sĩ từng tâm sự, “ở nhà tôi thỉnh thoảng hay phiền con cháu tôi lắm nói mà chúng nó không nghe lời, nhưng khi đến Chùa tôi buông xả được và tâm tôi an hơn. Khi con tôi vừa đi làm về là tôi gửi cháu cho nó ngay, tranh thủ qua Chùa quét cái sân cho khỏe người.”
Khi nghe có tiếng gõ mõ tụng kinh vào tờ mờ sáng từ láng giềng , ta biết rằng có một người cư sĩ đang công quả. Bởi họ đang truyền năng lượng bình an, tỉnh thức và che trở đi khắp con ngõ nhỏ qua tiễng mõ đều đặn của mình.
Ngoài khuôn viên thiêng liêng thanh tịnh của Chùa, bất cứ nơi nào mà người cư sĩ dành thời gian để làm những việc đem lại bình yên và hạnh phúc cho mọi người-như xâu hộ cụ già hàng xóm hơi khó tính một cái kim khâu- tất cả dù là việc tốt nhỏ nhất đều mang ý nghĩa công quả cao quý.
Thiền Tôn Phật Quang
Thông thường, ngoài các việc lớn như tu học, đi cúng kiến cho các nhà, tụng kinh mỗi chiều, giảng pháp, xây Chùa, tham gia hỗ trợ các nghi lễ của Giáo Hội, tổ chức các ngày lễ tại Chùa như lễ Vu Lan Báo Hiếu, làm từ thiện, tiếp đón các Phật tử gần xa… các sư thầy sư cô còn đảm đương rất nhiều những việc nhỏ khác để chăm sóc Chùa như nhổ cỏ, nấu ăn,nấu cỗ, dọn dẹp, trưng hoa, giặt giũ, trồng cây, trồng rau và đôi khi thậm chí là trông trộm.
Đại Đức Thích Pháp Hòa tu viện Trúc Lâm Canada cười hiền hậu chia sẻ trong một bài giảng của mình, “tu bên này cực hơn tại Việt Nam vì thiếu người tu và cư sĩ công quả, hết giờ làm thầy, Pháp Hòa lại xuống làm tiểu để chăm lo cho Chùa và những chú khác còn đang đi học”, “ khi Pháp Hòa còn nhỏ Pháp Hòa cũng xin mẹ vào Chùa công quả phụ các cô cuốn mắm nêm chay để bán làm từ thiện, vì lúc đó Chùa còn rất nghèo.”
Đại Đức Thích Pháp Hòa
Khi những vị cư sĩ phát tâm chân thành đi công quả ở Chùa, dù chỉ là một việc nhỏ như quét sân Chùa, họ đã góp phần giúp các thầy cô có thêm thời gian để tu học trong những ngày thường hay chuyên ròng thiền định, an tịnh tâm hồn và trau rồi giáo pháp của Đức Phật trong ba tháng an cư kiết hạ.
Để khi bước ra, các thầy các cô có thể dùng sức định, năng lượng bình an, những lời khai thị ngắn nhân hậu, và những thời giảng pháp trí tuệ của mình- để giúp các Phật tử an tâm hơn và bớt phiền não hơn giữa cuộc đời ngày càng hiện đại và nhiều bon chen vất vả này.
Nếu hôm nào đó, do cơ duyên tình cờ được dẫn đi ăn cơm chay giỗ tổ ở Chùa, nếm vị ngọt bùi dẻo của bánh dầy đậu xanh, ngắm nhìn những đóa cúc chi vàng nở rộ trong vườn, bất chợt an tâm khi nhận thấy đóa hoa ly trắng dáng cao sang mà tươi lâu trên bàn thờ Phật - khi ấy, đó là-sự hiện diện của những đôi chân công quả áo lam, áo nâu sòng với đôi dép tổ ong trắng giản dị- đã chuyên tâm và chân thành chuẩn bị từ nhiều ngày hôm trước trong thầm lặng.