Những đóa hoa lặng lẽ tỏa hương

27-02-2011 07:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

Cuốn sách Sự hy sinh thầm lặng (Nhà xuất bản Văn học – Báo Sức khỏe và Đời sống) vừa ra mắt tháng 2/2011 sẽ là món quà ý nghĩa cho những người làm trong ngành y và những người yêu mến ngành y.

Cuốn sách Sự hy sinh thầm lặng (Nhà xuất bản Văn học – Báo Sức khỏe và Đời sống) vừa ra mắt tháng 2/2011 sẽ là món quà ý nghĩa cho những người làm trong ngành y và những người yêu mến ngành y. Ở đó không chỉ là sự trang nhã, giản dị như tên gọi của cuốn sách, mà quan trọng hơn người đọc có thể tìm thấy nhiều điều chưa biết hoặc rõ hơn về những điều đã biết bởi ở đây, các tác giả đã song hành cùng cuộc sống của mỗi thầy thuốc – những người mà bạn có thể đã gặp, đã hàm ơn, nhưng chưa hiểu tận cùng ngọn nguồn về họ.

Với hơn 200 trang in, 33 nhân vật của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam và những người có tấm lòng nhân ái dành hết tâm sức chăm sóc sức khỏe cộng đồng được lựa chọn từ cuộc thi ký văn học, phóng sự báo chí với chủ đề Sự hy sinh thầm lặng chưa thể nói là đại diện tiêu biểu của những người thầy thuốc, mà họ chỉ là một con số rất nhỏ trong đội ngũ những người thầy thuốc cần được vinh danh.

Nói đến sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc, nhiều người sẽ có cảm giác lại kể lể thành tích kiểu gương người tốt việc tốt. Nhưng đọc kỹ những bài viết trong tập sách này, với sự tham gia của những cây bút chuyên và không chuyên, trong đó có những nhà văn, nhà thơ như Phạm Quang Đẩu, Nguyễn Uyển, Vũ Đảm, Bùi Hoàng Tám, Phạm Vân Anh… và nhiều nhà báo đang công tác ở nhiều tờ báo trên toàn quốc như Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Pháp luật Việt Nam, báo Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Lào Cai…, các đài phát thanh truyền hình ở Trung ương và địa phương mới thấy các tác giả đã có sự đầu tư nghiêm túc. Ngoài việc tìm tòi, phát hiện ra những nguyên mẫu nhân vật cảm động thì cũng đã tìm ra cách viết sinh động, hấp dẫn, không chỉ là những bản báo cáo thành tích khô khan, mà mỗi nhân vật có số phận, có tình huống và họ đã vượt qua những điều đó để thực hiện tốt thiên chức nghề nghiệp của mình. Nhiều người trong số họ - điều kiện, hoàn cảnh sống còn hết sức khó khăn, nhưng với họ - chữa bệnh cứu người  là nghĩa vụ thiêng liêng nên âm thầm cống hiến, phục vụ mà không hề tính toán thiệt hơn. Có người là nữ y tá tận vùng Tây Nguyên xa xôi dám vượt qua lời nguyền giành giật mạng sống trước những hủ tục và trở thành “bà tiên” trong con mắt dân bản; Có người là nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, trong kháng chiến chống Mỹ đã hy sinh cả tuổi trẻ cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, hòa bình rồi lại ngậm ngùi xếp tình riêng để gánh vác sứ mệnh nặng nề hơn, nuôi dưỡng, chăm sóc đàn con của đồng đội mang di chứng chất độc da cam với tâm hồn thánh thiện; Có nhà sư đã biến nhà chùa thành trung tâm khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; Có những bác sĩ lương y mặc dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn hăng hái chữa bệnh cứu người; Lại có những bác sĩ mang hai màu áo – họ là những chiến sĩ trong lực lượng công an nhưng trái tim họ luôn biết chia sẻ nỗi đau bệnh tật với đồng loại, không quản ngại chữa bệnh cho cả những người lầm lỗi, những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, không hợp tác với bác sĩ, nhưng họ vẫn kiên nhẫn chăm sóc; Rồi cả những bác sĩ mang quân hàm xanh tình nguyện sang tận nước bạn Lào để khám chữa bệnh bởi họ quan niệm lãnh thổ có biên giới, còn tình người không có biên giới. Vì thế việc mang lại niềm vui hạnh phúc cho người dân nước bạn cũng là niềm vui của chính họ; Rồi có những giáo sư, bác sĩ ở những bệnh viện lớn, luôn luôn không bằng lòng với chính mình, tìm mọi cách tiếp cận với công nghệ y học tiên tiến, kỹ thuật cao, mong muốn  mang lại sự hưởng lợi cao nhất cho người bệnh…

Có một điều đặc biệt là, lấy cảm hứng từ những nguyên mẫu có thật, nhưng nhân vật “có giá” của xã hội – bởi trong xã hội hiện nay không có gia đình nào không có người ốm, không có người nào trong cả cuộc đời lại không phải một lần đi khám bệnh, nghĩa là phải cần đến người thầy thuốc, nhưng các nhân vật không hề bị hư cấu hay tô vẽ lên mà là từ những mầm cảm xúc rất thật. Cái mầm cảm xúc ấy đã được các cây bút chuyên và không chuyên giàu tâm huyết, đầy đam mê, đậm chất nhân văn làm nên tác phẩm nhỏ xinh mang ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống hôm nay khi mà có những vấn đề gọi là chưa tích cực của ngành y tác động đến tất cả mọi thành viên trong xã hội.

Dường như 33 nhân vật trong cuốn sách Sự hy sinh thầm lặng chưa thỏa mãn nhu cầu của độc giả, mà lẽ ra còn phải nhiều nữa những thầy thuốc cần được ngợi ca. Bởi xã hội luôn coi ngành y là nghề cao quí, bởi giá trị cuộc sống con người cả về tinh thần và thể xác đều được giao cho ngành y. Nhưng nói như Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu – Bộ trưởng Bộ Y tế: Cuốn sách không tham vọng vinh danh được hết những tấm gương thầy thuốc, song tập sách này như nét vẽ đầu tiên của bức tranh chân thật về đội ngũ y tế.

Tố Lan


Ý kiến của bạn