Trong y học hiện đại thì Tỳ là lá lách và Vị là dạ dày. Theo Đông y, tỳ vị là cơ quan có tác dụng vận chuyển, tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng, là cơ quan có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người.
Tuy nhiên, nếu thường xuyên ăn đồ xào rán, chiên nướng, ăn quá nhiều những thứ có vị chua, cay mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ vị. Khi chức năng tỳ vị bị tổn thương có thể dẫn đến những tình trạng như đau bụng, đầy hơi, rối loạn đại tiện, viêm loét dạ dày tá tràng và thậm chí là nhiều biến chứng nguy hiểm hơn nữa.
Mặc dù, rất khó để tránh hoàn toàn những loại thực phẩm này, nhưng chúng ta cũng có thể dùng thêm những thực phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khỏe, giúp ôn ấm, cải thiện công năng tỳ vị để cân bằng lại.
Người xưa có câu "Bệnh ở tỳ vị thì ba phần chữa, bảy phần dưỡng", những đồ ăn hằng ngày chính là phương thuốc hiệu quả giúp phục hồi chức năng tỳ vị.
Dưới đây là một số loại thực phẩm có tác dụng tốt với tỳ vị:
1. Hoài sơn nấu cháo, nấu chè
Hoài sơn còn gọi là sơn dược. Ở Việt Nam ta thường dùng củ mài, khoai mài cũng có tác dụng tương tự. Theo Đông y, hoài sơn có vị ngọt, tính bình, quy kinh tỳ, phế, thận và vị, có tác dụng ích khí dưỡng âm, kiện tỳ, bổ phế thận, sinh tân.
Hoài sơn là vị thuốc kinh điển để kiện tỳ vị, hỗ trợ tiêu hóa, bồi bổ ngũ tạng, phục hồi thể trạng. Hoài sơn xuất hiện trong rất nhiều bài thuốc cổ phương, bên cạnh đó đây cũng là một loại thực phẩm có nhiều cách chế biến có lợi cho sức khỏe như hầm cùng một số thực phẩm khác, nấu cháo, nấu chè…
2. Cháo kê bổ tỳ vị, cải thiện triệu chứng bệnh dạ dày
Kê là loại ngũ cốc thường dùng trong đời sống có tác dụng tốt với công năng tỳ vị. Theo Đông y, kê còn được gọi với tên tiểu mễ, có vị ngọt, mặn, tính mát, nhập kinh tỳ, vị, thận, có tác dụng kiện tỳ hòa vị, bổ ích hư tổn, trừ nhiệt, giải độc.
Đối với người tỳ vị bị tổn thương, cháo kê chính là loại thực phẩm thuộc hàng thượng phẩm có tác dụng bổ trung ích khí, có thể phối hợp với một số loại thực phẩm bổ dưỡng khác như đậu đỏ, hoài sơn, táo đỏ… giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm các triệu chứng ăn không ngon miệng, khó tiêu, hấp thu kém.
3. Bí đỏ hỗ trợ chức năng tiêu hóa
Bí đỏ còn gọi là nam qua, trong sách Bản thảo cương mục có ghi: "Nam qua tính ấm, vị ngọt, nhập kinh tỳ, vị, có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ ấm vị, tiêu đàm chỉ thống, giải độc sát trùng".
Người Trung Hoa thậm chí còn gọi bí đỏ là "Thông tiện qua" tức loại dưa có tác dụng thông đại tiện, trong đó có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như các vitamin, pectin, các khoáng chất, bên cạnh tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ hệ miễn dịch, tốt cho hệ tim mạch, bí đỏ còn có tác dụng tăng cường nhu động đường tiêu hóa, trợ giúp chức năng tiêu hóa, giải quyết vấn đề bí đại tiện.
Cách dùng bí đỏ để bổ dưỡng tỳ vị cũng rất đa dạng, hằng ngày chúng ta có thể dùng bí đỏ dưới dạng ăn sống, ép lấy nước, nấu hoặc hầm đều cho tác dụng rất tốt.
4. Táo
Táo là loại quả rất quen thuộc trong đời sống của chúng ta. Theo Đông y, táo có vị ngọt, chua, tính bình, bên cạnh các tác dụng như dưỡng phế, bổ vệ huyết quản, táo còn có tác dụng rất lớn trong việc kiện tỳ vị, tiêu thực tích.
Táo khi ăn chín giúp kiện tỳ dưỡng vị, tiêu thực, bổ khí, sinh tân nhuận táo, có tác dụng cải thiện tốt cho những người tỳ vị hư tổn.
Ngoài những cách dùng thông thường như ăn trực tiếp, ép lấy nước, táo còn có thể dùng dưới dạng hầm, nấu cháo hay phối hợp với những loại thực phẩm khác và cần phân biệt với táo đỏ.
5. Cà rốt hỗ trợ phục hồi chức năng dạ dày
Cà rốt là thực phẩm có lợi cho sức khỏe được nhiều người biết đến. Bên cạnh những tác dụng mà nhiều người vẫn biết như cải thiện thị lực, ức chế tế bào ung thư, ổn định huyết áp, cà rốt còn là loại thực phẩm có tác dụng kiện tỳ ích vị, sinh tân, nếu ăn thường xuyên có tác dụng tốt trong việc điều dưỡng tỳ vị, giúp phục hồi chức năng tỳ vị khi bị hư tổn.
Cà rốt có thể được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau như làm sinh tố, ăn sống, nấu canh, nấu cháo...
6. Táo đỏ
Táo đỏ từ xa xưa đã được Đông y đưa vào các thang thuốc có tác dụng kiện tỳ. Các thầy thuốc Đông y thường hay có cách nói "khương ba táo bốn" chính là có ý thuốc kiện tỳ không thể thiếu hai vị thuốc quan trọng là sinh khương và đại táo.
Theo Đông y, táo đỏ có tác dụng kiện tỳ dưỡng vị, dưỡng tâm an thần, dưỡng khí bổ huyết. Những người tỳ vị vốn đã hư tổn nếu có thể thường xuyên ăn táo đỏ sẽ thấy chức năng táo hóa cải thiện đáng kể, lâu dài sức khỏe toàn thân cũng được cải thiện, cho nên mới có câu "nhất nhật tam táo chung thân bất lão" tức là mỗi ngày ăn ba quả táo thì có thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi trẻ.
Mời bạn xem tiếp video:
Những thói quen sau khi ăn cơm tàn phá dạ dày nên từ bỏ |SKĐS