Làm gì khi bị đột quỵ?
Số ca đột quỵ ngày càng tăng cao, với những người bị đột quỵ khâu sơ cứu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vậy lúc này cần phải làm gì? Có nhiều trường hợp người bệnh đột quỵ bị cấp cứu sai cách hoặc không kịp thời đã dẫn đến biến cố nặng nề thậm chí là khiến người bệnh tử vong. Vậy khi gặp người bị đột quỵ, cần thực hiện ngay những bước sau:
- Gọi cho xe cứu thương: Ngay khi gặp người bị đột quỵ/có biểu hiện đột quỵ cần gọi ngay cho cứu thương để nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Với người bị đột quỵ, thời gian là vàng, do vậy việc người bệnh được nhanh chóng tiếp cận với các phương pháp điều trị đột quỵ não càng sớm càng tốt. Người nhà không nên tự ý vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế.
- Trong trường hợp bệnh nhân bị bất tỉnh, cần để người bệnh nằm ở tư thế nghiêng an toàn. Cho bệnh nhân nằm nghiêng về một bên và để đầu thấp, miệng mở nhằm mục đích cho đờm, dãi, chất nôn hoặc dị vật trong miệng đi ra ngoài dễ dàng.
Đây là cách giúp các chất dịch không bị trào ngược hoặc ứ đọng ở đường thở khiến bệnh nhân có nguy cơ tắc thở dẫn tới suy hô hấp, suy tuần hoàn.
- Luôn giữ bình tĩnh và theo dõi tình trạng của người bệnh trước khi các bác sĩ đến.
Những điều cần tránh khi sơ cứu người bệnh bị đột quỵ
Cùng với đó, cần lưu ý những sai lầm khi cấp cứu người đột quỵ thường gặp đó là
- Cho người bị đột quỵ uống thuốc: Rất nhiều trường hợp người thân khi thấy người bị đột quỵ liền cho sử dụng các loại thuốc. Tuy nhiên, với người bệnh bị đột quỵ, tuyệt đối không được tự ý cho uống bất kỳ loại thuốc gì. Bởi có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ và người nhà không thể tự xác định được loại đột quỵ.
Trong các loại thuốc có thể có thành phần chống đông máu khiến tình trạng chảy máu não nặng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Hơn nữa khi uống thuốc có thể gây ra tình trạng nghẹn, mắc dị vật ở đường thở cho người bệnh.
- Chích rạch máu ở đầu ngón tay, ngón chân hoặc dùng các biện pháp dân gian như bôi vôi vào lòng bàn tay. Việc chích rạch có thể khiến người bị đột quỵ chảy máu và gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bác sĩ, phản khoa học.
- Để người bệnh nằm bất động, hoặc nằm tại nhà nhiều ngày sau đó mới đưa đến viện. Trong trường hợp người thân có dấu hiệu đột quỵ, cần đưa ngay đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Có thể các biểu hiện của đột quỵ không rõ ràng ngay từ đầu. Mọi người cần nắm rõ các biểu hiện của đột quỵ hoặc các bất thường để đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất:
F (Face): Miệng người bệnh bị lệch hoặc trĩu xuống
A (Arm): Yêu cầu người bệnh giơ tay lên và quan sát xem tay có yếu hoặc bị rơi xuống hay không
S (Speech): Yêu cầu người bệnh nói một số từ đơn giản để kiểm tra xem người bệnh có gặp khó khăn khi phát âm hoặc không nói được.
T (Time): Gọi đến cơ sở y tế để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng xe cứu thương.
Ngoài ra, một số dấu hiệu có thể là cảnh báo của đột quỵ là:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
Nếu những biểu hiện trên xảy ra nhiều lần thì cần tới cơ sở y tế để thăm khám, tìm nguyên nhân hoặc phát hiện đột quỵ sớm nếu có.
Xem thêm video được quan tâm:
Làm thế nào để phòng tránh đột quỵ? | SKĐS