Những điều trông thấy ở Trại giam Phú Sơn 4 (kỳ 4)

28-03-2012 07:10 | Xã hội
google news

Phạm nhân và cán bộ quản giáo, người có quyền công dân và mất quyền công dân vẫn có thể nắm tay nhau chung một điệu múa, chung một lời ca.

Kỳ cuối: Tiếng hát tình đời

Phạm nhân và cán bộ quản giáo, người có quyền công dân và mất quyền công dân vẫn có thể nắm tay nhau chung một điệu múa, chung một lời ca. Cuộc sống có những rạch ròi theo quy định của pháp luật nhưng trên sàn diễn mấy chục mét vuông này, họ cùng mang một trái tim hướng thiện, cùng chung một khát khao về những điều tốt đẹp để làm nên Tiếng hát tình đời.

Hôm chúng tôi đến thăm Phú Sơn 4, Thiếu tá Hoàng Thị Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ ra đón, thay cho câu chào là lời trách có kèm theo nụ cười tươi rói:

- Thế mà các anh không đến sớm vài ngày. Hôm 8/3 chị em nữ phạm nhân K1 thi thời trang vui lắm!

Tôi trố mắt ngạc nhiên. Ở đây đồng phục quần áo kẻ sọc thì thời trang thế nào. Thế là anh em báo chí vào ngay Phòng Quản lý giáo dục đòi xem băng để giải khát cơn tò mò. Hóa ra thời trang là “cây lá vườn nhà” hoặc sản phẩm do chị em làm ra được gài giắt lên người một cách rất nghệ thuật và độc đáo. Có cô ở đội tăng gia “diện” luôn hai củ su hào lủng lẳng trước ngực cực hóm hỉnh hài hước nhưng không hề phản cảm. 8/3 trong trại giam mà sao cứ vui như ngày hội ở bên ngoài thế này và những nụ cười của giám thị, quản giáo, phạm nhân cứ quyện vào nhau, vỡ ra từ trái tim con người, như tiếng hát tình đời.

 Tiếng hát tình đờitrong nhà tập.

Tiếng hát tình đời

là chương trình ca múa nhạc, thơ giờ có mặt ở khắp các trại giam nhưng xuất xứ từ đây. Lần trước đến, tôi đã sững sờ khi thấy một thiếu tá quản giáo lên sân khấu hát bài do mình tự sáng tác. Tác giả và giọng hát nghiệp dư mà sao lay động đến thế mới hay cảnh sát trại giam đâu phải khô cứng mà thấm đẫm tình người mới chia sẻ được với phạm nhân. Mấy chục mét vuông sàn diễn mà diễn viên có cả cán bộ quản giáo, phạm nhân cũng tham gia chương trình. Có tiết mục múa, Thiếu úy Thoa múa cùng các phạm nhân và ranh giới cán bộ - phạm nhân như không còn để nhường cho trái tim rung lên những cảm xúc tình đời.

Đại tá Trường là người mê văn nghệ thể thao nhưng không hẳn đó là lý do khiến phong trào ở đây mạnh. Ông muốn qua văn hóa văn nghệ để những con người mất quyền công dân ở đây vứt bỏ mặc cảm, khơi dậy trong họ niềm tin, sự chia sẻ cảm thông và lòng trắc ẩn để xích lại gần nhau, để đứng vững trên chính đôi chân mình.Thượng tá Quân, Phó Giám thị phụ trách K1, Phó Bí thư đảng ủy cũng mê văn nghệ không kém. Đến đạo diễn Nguyễn Văn Bộ, Chánh văn phòng Hội Nghệ sĩ sân khấu còn “phong” cho ông chức “Giám đốc nhà hát” khi ông tổ chức, thiết kế những đêm diễn thật hoàn hảo.
 
Tiếng hát tình đời ấy đã thực sự làm phạm nhân tin vào chính mình và yên tâm cải tạo. Nhìn ban nhạc 6 chàng trai trẻ vừa đàn vừa hát không khác gì một ban nhạc chuyên nghiệp bên ngoài. Không có cái tâm thực, khó mà có thể có phong cách tự nhiên đến vậy. Được biết, thỉnh thoảng Tiếng hát tình đời của Phú Sơn 4 còn đi phục vụ miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa.

Ngồi trong Phòng Quản lý giáo dục, Trung tá Thức, Thiếu tá Tâm còn đưa chúng tôi xem cả tập Thơ phạm nhân, tập tạp cảm Nỗi lòng và trái tim hướng thiện chọn từ phong trào sáng tác trong phạm nhân. Tiếc là khuôn khổ báo có hạn, không trích được một ít ra đây.

Nhiều anh em trong đoàn không biết Tiếng hát tình đời thế nào thì đúng hôm đội văn nghệ đang tập. Thế là cánh nhà báo vào nhà thi đấu để thực mục sở thị những tiết mục đội văn nghệ đang ôn luyện. Tôi giật mình nhận ra một cô trông quen quen. Thì ra là Kim Anh từng có mặt liên tiếp trên các báo một dạo vì vụ... “cắt cổ người tình” trên xe Lexus.
 
Như là một Kim Anh khác hẳn với một “nữ sinh giết người” trông lành lạnh ngày nào, giờ cô như xinh ra, mềm mại với điệu múa Chăm và khỏe hơn trong tiết mục trống. Hỏi, Kim Anh thoáng chút buồn khi nhớ đến một thời ngồi trên ghế giảng đường đại học rồi rắn rỏi: “Cháu sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về tìm lại mình ngày trước kia”. Và còn bao nhiêu người như Kim Anh cảm nhận được “tình đời” ở đây để tìm được phần thiện ngay trong chính mình khi thụ án trong Phú Sơn 4?

Chia tay Phú Sơn 4 ra về, lúc trên xe bỗng cậu phóng viên trẻ lần đầu đến trại giam buông một câu đùa:

- Xe cộ để ở đây lắm tội phạm mà không sợ bị vặt nhỉ. Về thành phố bị mất gương đèn như chơi.

Ông trưởng đoàn phì cười:

- Đấy là nghịch lý. Chứ còn lắm sự vô tình mà rất thuận lý. Như Phòng Quản giáo dục lại có 2 vị tiếp chúng mình tên là Tâm và Thức. Giáo dục bằng tâm thức và đánh thức tâm thì còn gì bằng. Hay ở phân trại K1, ông Phó Giám thị phụ trách là Quân, ông phó phân trại là Dân. Trại giam có 2 ông Quân Dân bên nhau thì ngại gì...

“Tán” thế thì cũng vô cùng vì trại giam cũng là trường học lại có ông Trường đứng đầu; là nơi vực dậy những con người bị ngã thì ông giám thị tiền nhiệm lại có tên là Vực. Nhưng sự vô tình này sao cứ vận đúng vào Trại giam Phú Sơn 4 thế nhỉ...  

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn