Những điều trông thấy ở Trại giam Phú Sơn 4 (kỳ 3)

26-03-2012 1:17 PM | Xã hội

Những phạm nhân trẻ khi vào đây chưa vợ chưa chồng, hoặc có vợ chồng người ở trong trại, người ngoài xã hội, thậm chí có cả hai vợ chồng cùng lĩnh án.

Kỳ III : Chuyện tình phạm nhân

Những phạm nhân trẻ khi vào đây chưa vợ chưa chồng, hoặc có vợ chồng người ở trong trại, người ngoài xã hội, thậm chí có cả hai vợ chồng cùng lĩnh án. Nhưng dù hoàn cảnh thế nào thì họ cũng là những con người với những đòi hỏi rất người và cảnh sát trại giam (CSTG) cũng không quên cái phần tình trong những con người dù phạm tội. Ấy là sự nhân đạo và ở trại giam, ta chỉ có thể cảm hóa con người bằng chính sự nhân đạo.

Ai đã đến Phú Sơn 4, điều ngạc nhiên nhất là “buồng hạnh phúc”. Tất nhiên, trại giam nào cũng có nơi chốn gặp gỡ vợ chồng cho những phạm nhân cải tạo tốt. Thế nhưng buồng hạnh phúc ở đây không phải chỉ là nơi phần “con” trong con người “tâm sự”. Thượng tá Quân - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám thị phụ trách Phân trại K1 tâm sự: “Nơi vợ chồng gặp gỡ ở đây không thể tạm bợ mà chất văn hóa trong buồng hạnh phúc phải thể hiện được thái độ trân trọng của trại đối với con người dù họ là phạm nhân”. Quả là văn hóa khi buồng hạnh phúc như khách sạn có nệm ga trắng muốt, có tủ lạnh, có chú gấu bông tủm tỉm cười trên chiếc tủ con đầu giường.
 
 Buồng hạnh phúc là một trong những động lực để phạm nhân phấn đấu cải tạo. Ảnh: Hoàng Dương
Ngay đến thùng rác trong buồng cũng mang hình chú vịt ngộ nghĩnh, rồi phòng vệ sinh riêng, nước nôi đủ cả. 24 giờ chồng vợ hạnh phúc bên nhau để thấy ý nghĩa cuộc sống gia đình quý biết chừng nào. Đại tá Trường đăm chiêu: “Vợ chồng có người vào đây dễ ly hôn lắm, chỉ khổ bọn trẻ! Nhiều cặp vợ chồng trở nên thắm thiết hơn dạo ở nhà sau những giờ phút yêu thương và cả trách móc dỗi hờn”. Sau lưng người phạm tội còn có cả gia đình và Ban giám thị không chỉ quan tâm phạm nhân mà còn lo đến cả những đứa con có thể bơ vơ của họ.

Khi buồng hạnh phúc được nhìn, được thiết kế dưới góc độ văn hóa thì phạm nhân được vào cảm thấy yêu cuộc sống hơn đã đành mà người chưa được vào buồng hạnh phúc cũng nhìn mà muốn, mà phấn đấu cải tạo.

Cách đây hơn chục năm, ở Cao Bằng có đôi vợ chồng buôn ma túy. Anh chồng bị án chung thân, thụ án ở Trại Tân Lập. Chị vợ mang án 18 năm, được đưa về Trại Phú Sơn 4. Ngày chia tay, anh chồng được các cán bộ quản giáo đưa lên đường tiễn vợ và con xuống Trại giam Phú Sơn, rồi sau đó mới về Tân Lập, Phú Thọ.Họ cứ đứng ở cổng trại ôm nhau khóc rưng rức. Chị vợ khi vào trại đang mang thai 6 tháng và 3 tháng sau sinh cháu trong trại.
 
Con chị được các bác quản giáo cũng như các anh em trong tù cưng chiều lắm. Mỗi lần có quà của người thân gửi lên, mọi người đều dành những phần ngon nhất cho cháu. Chịu án chung thân, anh chồng chán nản trở nên cáu bẳn và cục tính, liên tục vi phạm các quy định của trại giam. Thế nhưng, như một phép màu, những lá thư của vợ từ Phú Sơn 4 gửi đến với tiếng gọi đầu thư “ông xã ơi” khiến anh cảm thấy cuộc sống còn ý nghĩa.
 
Cán bộ quản giáo ở Phú Sơn cung cấp cho chị vợ giấy bút và cả tem thư để giữ được niềm tin và hạnh phúc gia đình họ. Thư gần đây chị khoe tổng cộng mấy lần xét giảm án đã thành 4 năm và chờ ngày về với 2 cô con gái. Anh chồng lúc này ở Tân Lập “lây” thư vợ đã xin cán bộ cuốn sổ để viết hồi ký, nhật ký những mong sau này trao lại cho con gái, những mong cuộc đời này đừng có ai lầm lỡ như bố mẹ.

Chuyện tình ngay trong Trại Phú Sơn 4 cũng có. Dân Thái Nguyên nhiều người biết đến một “đại gia cấp tỉnh” là “Dũng Ka cơ”. Anh vốn là cựu tù của Phú Sơn 4, từng là tướng cướp khét tiếng khắp vùng đào vàng đất Thái.       

Ngày thụ án, trong trại có cô giáo O. bị tội “lạm dụng tín nhiệm” do vỡ nợ được trại điều về nhà trẻ Phân trại K2. Duyên trời run rủi thế nào mà anh chị phải lòng nhau chỉ bằng ánh mắt nhìn từ xa. Thế rồi mỗi lần trông thấy nhau, gần thì buông được vài câu, xa thì cả hai nói chuyện bằng ký hiệu, vậy mà đêm về, cả hai cũng xốn xang hoặc trăn trở vì bên kia dỗi hờn trách móc qua ký hiệu. Ra trại, họ đợi nhau và xây tổ ấm, nay trở nên thành đạt trên thương trường với một công ty đóng ven đường quốc lộ gần thị trấn Sông Công. Hôm Dũng “Ka cơ” đối thoại với nhà văn Chu Lai trên truyền hình, Chu Lai đùa: “Hôm nay khán giả truyền hình tưởng tớ là cựu tướng cướp, cậu là nhà văn vì trông tớ bụi quá còn cậu bảnh bao quá!”.

Không biết còn bao cuộc tình trên mảnh đất Trại giam Phú Sơn 4 này dẫu họ không hề gần gũi chỉ đối thoại bằng ký hiệu tay từ xa để rồi khi trở về với xã hội đã tìm đến nhau nên vợ nên chồng, chí thú làm ăn, dựng xây tổ ấm. Thượng tá Chung - Phó giám thị phụ trách tại K4 bảo: “Tôi bao nhiêu năm ở đây mà vẫn không thể dịch được những ký hiệu ấy. Mà mình hiểu sao được bởi đấy là ngôn ngữ của tình yêu, chỉ những người yêu nhau mới hiểu”.

Còn sự sống, còn tình yêu ngay cả nơi ai đó mất quyền công dân. Thấu hiểu điều này, CBCS Trại giam Phú Sơn 4 bằng thái độ thật sự trân trọng con người đã khơi dậy phần tình trong những trái tim lầm lỗi. Các anh chị không chỉ làm công việc hiện tại theo nhiệm vụ được giao mà còn lo cả phần tương lai của phạm nhân bằng việc xây dựng niềm tin trong họ, tin ở cuộc sống, ở bè bạn và tin vào chính mình. Niềm tin ấy cũng là bức tường chắc chắn nhất không phải để trốn trại mà quan trọng hơn, để chống lại mọi cám dỗ đang rình rập xung quanh.

Lê Quý Hiền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH