Những điều trông thấy ở Trại giam Phú Sơn 4 (kỳ 2)

22-03-2012 17:09 | Xã hội
google news

Khắp hành tinh này, có trại giam là có người muốn trốn trại. Không có ai muốn trốn mới là sự lạ. Và tất nhiên phải có những bức tường làm hàng rào canh giữ.

Kỳ II : Bức tường canh giữ

Khắp hành tinh này, có trại giam là có người muốn trốn trại. Không có ai muốn trốn mới là sự lạ. Và tất nhiên phải có những bức tường làm hàng rào canh giữ. Nhưng bức tường nào có thể ngăn được tất cả những mưu toan vượt trại? Phú Sơn 4 – đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT có một bức tường kiên cố hơn tất cả mọi bức tường được cán bộ chiến sĩ (CBCS) ở đây xây trong ý nghĩ phạm nhân bằng tất cả tình cảm tôn trọng con người và giáo lý hướng thiện...

Với pháp luật, việc lĩnh án vào tù là sự trả giá cho những hành vi sai lầm theo khung hình phạt đã quy định và người dân thấy kẻ phạm tội là phải cách ly khỏi xã hội. Ở Phú Sơn 4, ông Đại tá giám thị Nguyễn Xuân Trường lại cho rằng, nỗi đau đớn khi phải đối mặt với bản án không đau bằng nỗi ân hận khi phải đối mặt với chính mình trong sự tiếc nuối “giá như lúc ấy” biết kiềm chế, biết nghĩ thiệt hơn để không gieo cho gia đình mình và cả gia đình bị hại những đau đớn.
 
Hiểu được mọi ngõ ngách từ trong góc khuất mỗi phạm nhân, CBCS ở đây giúp họ bình tâm làm một người bình thường để yên tâm cải tạo. Người án dài, kẻ án ngắn, trước đây phạm tội gì đều bình đẳng như nhau ở trong trại bởi tội có tòa tuyên, còn ở đây, họ vẫn là những con người.

Trại giam như một xã hội thu nhỏ, phạm nhân đủ cả mọi tầng lớp thành phần, từ tiến sĩ đến người thất nghiệp, từ người có chức đến nhân viên bình thường. Một “xã hội” trại giam cũng phải bình đẳng trong đối xử và lao động theo khả năng của mình. Phạm nhân bác sĩ được lao động ở trạm y tế, phạm nhân giáo viên lao động ở nhà trẻ hay lớp dạy chữ... Cái tri thức và vốn hiểu biết của phạm nhân được sử dụng cũng là một cách để người ta yên tâm cải tạo bởi thấy mình còn có ý nghĩa trong cuộc đời này. Người không biết chữ thì phải học, chưa biết nghề thì phải học nghề.

Bị lao động cải tạo, phải cách ly khỏi xã hội nhưng phạm nhân vẫn thấy những giá trị trong con người mình để quyết phấn đấu ra trại sớm mới là bức tường ngăn giữ họ khi có ý định trốn trại. Thượng tá Duy - Phó giám thị phụ trách phân trại K1 đã đúng khi nói “chúng tôi giữ phạm bằng cái đầu của họ chứ chả có tường cao hào sâu nào giữ được”.
 
Chả thế mà Trại giam Phú Sơn 4 còn mời cả Đại đức Thích Nhật Từ đến thuyết giảng cho hơn 4.600 phạm nhân ở cả 6 phân trại để “chuyển tâm”. Sự chuyển tâm mới là quan trọng bởi gốc của tội ác hay hạnh phúc đều bắt đầu từ nhận thức. Không có sự luyện tập để chuyển hóa tâm thì sau khi hết thời hạn tù, nhiều anh em phạm nhân dễ tái phạm bởi lối sống bản năng và rồi lại như một sự bế tắc.
 
Ở Phú Sơn 4, bài học hướng thiện, yêu thương con người hình như được đặt lên đầu tiên. Phân trại nào cũng có hòm tình thương giúp đỡ phạm nhân không có thân nhân thăm nuôi. Người được tiếp tế có khi tự nguyện bớt tiền gia đình cho để bỏ vào đấy giúp bạn tù cô đơn. Người nhà thăm phạm nhân có điều kiện khi ủng hộ tiền, khi ủng hộ vật chất. Tất cả công khai minh bạch để ngày lễ, ngày Tết phạm nhân cô đơn cảm thấy ấm lòng từ những món quà chia sẻ. Nói chuyện tiền nong hẳn bạn đọc không hiểu phạm nhân tiêu thế nào. Họ không được giữ tiền mặt.
 
Gia đình cho 200 ngàn đồng chẳng hạn, họ được cấp phiếu lưu ký - “hóa đơn” kiểu như thẻ tín dụng có tài khoản 200 ngàn đồng trong đó có nhiều ô ghi “mệnh giá” lẻ, mua gì, giá bao nhiêu thì ô tương ứng bị gạch. “Hóa đơn” lại có tên nên chả ai lấy được của ai. Và giá cả ở căng-tin của Trại giam Phú Sơn 4 được ghi rõ trên bảng cũng không khác giá cả ngoài xã hội. Tất nhiên, mỗi tháng mỗi phạm nhân chỉ được nhận số tiền không quá 1 triệu đồng bởi trại giam không thể tồn tại sự giàu nghèo quá chênh lệch trong khi tiền là nguyên nhân chính khiến nhiều người phạm tội.

Công bằng và minh bạch là bức tường chắc chắn nhất giữ chân phạm nhân, giúp họ yên tâm cải tạo. Sự công bằng và minh bạch ấy lại bắt đầu từ niềm tin của CBCS về phần thiện ở mỗi phạm nhân để khẳng định và khích lệ. Công bằng bởi phạm nhân vào trại không phải là những đối tượng để trừng trị mà họ cần được khẳng định phần người trong họ. Những đợt bình chọn phạm nhân tiên tiến thường sôi nổi nhất với tiêu chuẩn công khai ghi trên bảng tin. Cũng họp, cũng phân tích đánh giá và biểu quyết giữa các bạn tù với nhau.

 Bảng giá trong căng tin và phiếu lưu ký của phạm nhân.    Ảnh: QH
Ngồi với Đại tá Trường và Thượng tá Lượng - Phó giám thị hậu cần tôi không khỏi giật mình khi Ban giám thị ở đây không chỉ lo cho phạm nhân tại trại mà đau đáu hơn về những số phận sau khi ra trại. Cái nguồn gốc của tội phạm được các anh trăn trở, cảm thông với tất cả niềm trắc ẩn. Hoàn cảnh khó khăn, “túng quá hóa liều” cũng là nguyên do của tội lỗi. Lúc này đây, Phú Sơn 4 đang vận động các nhà tài trợ, những phạm nhân sau khi ra tù làm ăn khá giả cùng CBCS xây dựng “Quỹ hoàn lương” để giúp người trở về với xã hội có chút vốn, có điều kiện làm lại cuộc đời.
 
Nhân văn quá khi đạo đức không thể bằng hô hào, thuyết giảng mà phải bằng sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Phú Sơn 4 có lẽ là nơi “sáng tác” ra rất nhiều chương trình để toàn bộ hệ thống trại giam cả nước làm theo. Như chương trình “Tiếng hát tình đời” cũng từ đây mà ra để rồi lúc này các trại giam thuộc Tổng cục VIII đều có. Và bây giờ, “Quỹ hoàn lương” ở đây đã có vài trăm triệu để giúp những con người từng lầm lạc thoát ra khỏi sự bế tắc. Hy vọng Quỹ ngày một lớn và trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn