Những điều trông thấy ở Trại giam Phú Sơn 4 (kỳ 1)

21-03-2012 07:31 | Xã hội
google news

Có dịp công tác vào thăm Trại giam Phú Sơn 4, tất nhiên chúng tôi không phải là đối tượng cải tạo nhưng thực tế nhìn thấy ở đây đã vô tình “cải tạo” những ý nghĩ trong đầu về khái niệm “trại giam”.

Kỳ 1: Bất ngờ

Có dịp công tác vào thăm Trại giam Phú Sơn 4, tất nhiên chúng tôi không phải là đối tượng cải tạo nhưng thực tế nhìn thấy ở đây đã vô tình “cải tạo” những ý nghĩ trong đầu về khái niệm “trại giam”. Hóa ra, trại giam của ta không phải là cái kho giữ người để cảnh sát trại giam là những thủ kho nhập xuất người theo bản án của tòa. Cán bộ cảnh sát (CBCS) ở đây có sự trái ngược với các lực lượng khác trong ngành công an: cảnh sát bên ngoài phát hiện, truy tìm tội phạm để lập án, truy tố và đưa vào trại. Còn cảnh sát trại giam thì bằng mọi cách đưa người phạm tội về với xã hội sau quá trình cải tạo...

Hai mục đích dịch chuyển người phạm tội trong ngành công an kể cũng gọi là trái ngược nhưng đến Trại giam Phú Sơn 4 chúng tôi còn thấy lắm chuyện “trái ngược” hơn, thậm chí là “vô lý”. Anh em ở đây từ Đại tá giám thị Nguyễn Xuân Trường, vài vị thượng tá phó giám thị đến không ít cán bộ quản giáo, cảnh sát bảo vệ có vợ là giáo viên. Chuyện người này người kia lấy ai, làm nghề gì là chuyện của mỗi người nhưng nhiều khi cái vô lý tồn tại ngay trong một ngôi nhà có chồng là cảnh sát trại giam (CSTG), vợ là cô giáo.
 
 Ký túc xá sinh viên? Không! Một góc phân trại K1-Phú Sơn 4.
Cô giáo làm nhiệm vụ “trồng người” cứ đến ngày 20/11 là có hoa, có lời chúc nhưng ông xã họ không những “trồng người” mà còn khó khăn vất vả hơn là việc “trồng lại người” vậy mà trong ngày nhớ đến thầy cô chả thấy có hoa tặng cũng như những lời chúc mừng, cảm tạ. Chuyện trồng cây đã khó nhưng cây to lại sâu, lại đổ phải trồng lại cho bằng cả triệu cây khác càng khó hơn huống là việc trồng lại người cũng chăm sóc, dạy chữ, dạy nghề, dạy cách sống... Giá ngày 20/11 anh em CSTG cũng có hoa nhỉ và họ cũng được xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú thì công bằng biết mấy!

Còn lắm sự “vô lý” đến với CSTG. Trại giam tù thành án tất nhiên không ở nơi đô thị mà chắc chắn tìm đến nơi heo hút mà ta vẫn gọi là vùng sâu vùng xa. Thôi thì người có tội phải lao động cải tạo, chịu rét buốt hay nắng lửa vùng sơn cước nhưng ông trời lại không phân biệt được ai là phạm nhân, ai là CSTG để mà phân phối cơn gió cắt thịt da, nắng nóng hầm hập cho đúng đối tượng để đảm bảo sự công bằng. Nhìn quản giáo và phạm nhân nhấp nhô sau những đồi chè, lò gạch bỗng chợt nghĩ: Phạm nhân đến đây có án vẫn biết được ngày rời khỏi nơi đây chứ anh em CSTG thì làm sao tự biết. Ngay đến vị Giám thị tiền nhiệm ở đây - Đại tá Anh hùng LLVT Nguyễn Duy Vực cũng gắn đời mình ở đây tới 17 năm cho tới lúc nghỉ hưu. Nhiều cặp vợ chồng CSTG còn “chung thân” với trại giam nghĩa là “chung thân” với khó khăn, gian khổ thiếu thốn nữa chứ!

Vì nhiệm vụ, vì sự phân công nhưng các cháu con CBCS ở đây có nhiệm vụ gì, ai phân công mà cũng phải vất vả đi học xa, chuyện học thêm như các bạn thành phố lại càng không. Lớn lên, cuộc đua giành một chỗ trong giảng đường đại học có phải chịu thiệt thòi dù có được cộng thêm 1 điểm ưu tiên? Những CBCS có vợ có chồng ở xa cứ phải biền biệt, đằng đẵng cả tuần cả tháng, có khi nửa năm để rồi chưa kể chuyện lớn phải chia sẻ lo toan, việc bình thường như đưa đón con đến trường, thậm chí được mắng con, giận vợ như bao người cũng thành hạnh phúc nho nhỏ mà khó tìm.

Sự thiệt thòi hy sinh được biết đến cũng là niềm an ủi nhưng dân ta hiểu về công an thường chỉ qua CSGT, CSKV, CSHS với những hình ảnh chỉ lối cho xe cộ ngược xuôi, kiểm tra hộ khẩu, làm chứng minh thư hoặc truy bắt tội phạm... Đã mấy ai đến trại giam và người đến trại giam phần nhiều là thăm nuôi thân nhân, trong lòng đeo nặng nỗi lo buồn làm sao có lúc “ngắm” CSTG một cách khách quan và đầy đủ. Thành ra CSTG trong tưởng tượng của dân chỉ là những ông “canh tù” lạnh lùng đến chai sạn! Những chiến công của các lực lượng khác trong ngành công an có thể đong đếm được nhưng có đong đếm những giá trị được không những cuộc đời hoàn lương đóng góp cho xã hội.

Đứng giữa vùng đất những nhấp nhô đồi, uốn lượn sông, tôi cứ nghĩ đến sự “vô lý” đến với những con người lương thiện và đi tìm sự lương thiện cho người khác ở đây bỗng chợt nhận ra sự thầm lặng hy sinh của những người thầy “trồng lại người” nhưng chưa bao giờ có hoa tặng vào ngày 20/11.

Điểm lạ nhất ở Phú Sơn 4 là những con đường. Từ Quốc lộ 3 cách TP. Thái Nguyên 7km đi vào thêm 3km nữa có một con đường bê-tông đẹp. Con đường này có từ thời Giám thị Nguyễn Duy Vực và đến thời Giám thị Nguyễn Xuân Trường được nâng cấp thêm nối các phân trại với nhau như một gạch nối giữa trại giam với cuộc sống xã hội. Vâng, trại giam ta không phải là một ốc đảo tách ra khỏi cuộc sống khi mà việc giáo dục người lầm lỗi không thể không có sự chung tay của cộng đồng.
 
Cái con đường - gạch nối ấy là “lối về” của người lầm lạc và lạ thay, người lương thiện cũng đến đây như đến với... khu du lịch sinh thái mà CBCS ở đây đã bền bỉ gây dựng suốt bao nhiêu năm. Chuyện dân vào vùng đất trại giam để tham quan là có thật và thường xuyên. Cảnh đẹp đã đành mà biết đâu du khách nghĩ sau cảnh hữu tình ấy là những cuộc đời đang ân hận với hai chữ “giá như” để rồi tỉnh táo hơn, biết răn mình hơn sao cho cuộc đời không có chữ “giá như” với nỗi ân hận muộn mằn khi đi trên những con đường...

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn