Người dân đã có thể tích hợp GPLX, đăng ký xe vào VNeID
Hiện nay, người dân đã có thể tích hợp 4 loại giấy tờ vào ứng dụng VNeID (chỉ tài khoản định danh điện tử mức độ 2 mới có thể tự tích hợp 4 loại giấy tờ). Trong đó việc tích hợp giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe được người dân vô cùng quan tâm.
Về nguyên tắc tích hợp giấy phép lái xe và đăng ký xe lên VNeID thì tất cả dữ liệu sau khi được công dân đăng ký tích hợp, hệ thống định danh và xác thực thực điện tử sẽ thực hiện tra cứu xác thực với cơ sở dữ liệu do Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng.
Trường hợp thông tin trả về trùng khớp với thông tin công dân đã nhập thì thông tin của công dân sẽ được phê duyệt tích hợp thành công và hiển thị thông tin đầy đủ trên ứng dụng VNeID của công dân.
Như vậy, để tích hợp thành công giấy phép lái xe lên VneID, yêu cầu công dân phải có đầy đủ thông tin lưu trữ trên hệ thống Giấy phép lái xe do Cục đường bộ Việt Nam quản lý.
Vì sao nhiều người chưa thể tích hợp GPLX, đăng ký xe vào VNeID
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để tích hợp thành công GPLX lên VNeID, yêu cầu phải có đầy đủ thông tin và thông tin phải chính xác, thông tin khớp với các liên kết đã lưu trữ trên hệ thống. Nhiều trường hợp chưa thể tích hợp GPLX là do trước đây đăng ký loại giấy tờ này bằng chứng minh thư, giờ hầu hết người dân đã đổi sang CCCD nên dữ liệu chưa được cập nhật.
theo đó, với những trường hợp khi cấp giấy phép lái xe sử dụng chứng minh thư nhân dân loại 9 số, trên đó chỉ có năm sinh mà không có ngày tháng sinh nên khi cập nhật thì không đồng bộ dữ liệu dân cư quốc gia và chưa hiển thị trên VNeID.
"Thời gian tới Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý Hành Chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) thực hiện bổ sung, làm sạch thông tin công dân (số giấy phép lái xe, số căn cước công dân, họ tên, ngày tháng năm sinh,...) từ đó hoàn thành việc tích hợp GPLX vào VNeID", ông Thống cho biết thêm.
Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe của Cục đang quản lý hơn 55,6 triệu giấy phép lái xe ô tô và xe máy (ô tô hơn 8,8 triệu; xe máy hơn 46,7 triệu).
Đến nay, cơ quan chức năng xác thực thành công, hiển thị đầy đủ trên hệ thống VNeID 31,3 triệu giấy phép các loại.
Như vậy còn 24,3 triệu giấy phép lái xe chưa thể tích hợp được lên hệ thống VNeID. Trong số này hầu hết là giấy phép lái xe máy, được in trên bìa giấy (không phải thẻ nhựa PET).
Liên quan đến vấn đề đổi GPLX sang thẻ nhựa (thẻ PET) để tích hợp trên VneiD, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định không bắt buộc người dân phải đổi. Đồng thời phủ nhận thông tin người dân phải tốn hơn 3.000 tỷ đồng tiền lệ phí đổi thẻ.
Hướng dẫn tích hợp GPLX, đăng ký xe vào VNeID
Hướng dẫn cách tích hợp Giấy đăng ký xe vào VneID
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VNeID
Bước 2: Kiểm tra phiên bản của ứng dụng. Lưu ý là để tự tích hợp Giấy đăng ký xe (Cà vẹt xe vào VNeID thì ứng dụng phải là phiên bản 2.0.8 trở lên. Để kiểm tra phiên bản ứng dụng, người dùng nhấn chọn "Cá nhân". Phiên bản của ứng dụng sẽ nằm ở cuối trang.
Bước 3: Chọn "Ví giấy tờ". Sau đó chọn "Tích hợp thông tin"
Bước 4: Chọn "Tạo mới yêu cầu"
Bước 5: Nhấn vào dấu mũi tên và chọn Giấy đăng ký xe
Bước 6: Nhập các thông tin tích hợp theo yêu cầu, gồm:
- Loại phương tiện (Bấm vào dấu mũi tên để chọn loại phương tiện); Số khung; Biển số xe (Ví dụ nhập là 59N31234)
Sau đó chọn vào “Tôi xác nhận các thông tin ở trên là đúng” và chọn “Gửi yêu cầu”
Hướng dẫn cách tích hợp Giấy phép lái xe vào VneID
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VNeID
Bước 2: Kiểm tra phiên bản của ứng dụng. Lưu ý là để tự tích hợp bằng lái xe vào ứng dụng VNeID thì ứng dụng phải là phiên bản 2.0.6 trở lên. Để kiểm tra phiên bản ứng dụng, người dùng nhấn chọn "Cá nhân". Phiên bản của ứng dụng sẽ nằm ở cuối trang.
Bước 3: Chọn "Ví giấy tờ". Sau đó chọn "Tích hợp thông tin"
Bước 4: Chọn "Tạo mới yêu cầu"
Bước 5: Nhấn vào dấu mũi tên và chọn Giấy phép lái xe
Bước 6: Nhập các thông tin tích hợp theo yêu cầu, gồm: Số giấy phép lái xe; Hạng giấy phép lái xe. Cuối cùng, nhấn vào "Gửi yêu cầu".
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, trong trường hợp người dân đã tích hợp GPLX mô tô và ô tô, khi vi phạm giao thông, bị giữ bằng lái xe mô tô (hoặc ô tô) thì cũng không được điều khiển phương tiện còn lại do 2 loại GPLX đã được tích hợp làm 1 và luật quy định rõ người điều khiển phương tiện phải có GPLX. Trường hợp người sử dụng GPLX tích hợp vi phạm giao thông bị giữ bằng sẽ không được điều khiển phương tiện.
Vì vậy nếu cảm thấy bất tiện, người dân hoàn toàn có thể tách GPLX đã tích hợp ra làm 2 loại GPLX mô tô và ô tô.
Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 100/2019 quy định: Phạt phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo GPLX.
Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo GPLX bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.
Xem thêm video được quan tâm:
Dự Báo Thời Tiết Ngày 11/8: Chưa Có Dấu Hiệu Tạnh Ráo, Miền Bắc Tiếp Tục Mưa Lớn Kèm Dông | SKĐS