Hà Nội

Những điều nên biết về ung thư cổ tử cung và cách phòng tránh

31-08-2016 15:33 | Đời sống
google news

SKĐS - Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư cổ tử cung (UTCTC) cao nhất thế giới.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư cổ tử cung (UTCTC) cao nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân vẫn chưa quan tâm tìm hiểu về căn bệnh này. Theo Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam, GS. TS Nguyễn Trần Hiển - Nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nếu UTCTC được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ cứu mạng sống cho người bệnh là khá cao.

Vi rút HPV - nguyên nhân hàng đầu của UTCTC

Nguyên nhân chính gây UTCTC là do vi rút có tên Human papillomavirus (viết tắt: HPV). Vi rút này thường gây nhiễm ở cả nam và nữ trong độ tuổi có hoạt động  tình dục.

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển cho biết: HPV là nguyên nhân hàng đầu của UTCTC. Có hơn 100 chủng HPV đã được mô tả, trong đó có 13 chủng nguy cơ cao (đặc biệt là các chủng 16 và18). Hơn 50% phụ nữ có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó của cuộc đời và nguy cơ nhiễm HPV trong suốt cuộc đời có thể lên tới 80%.

ung thu co tu cung

Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 5.100 ca mắc mới và 2.400 trường hợp tử vong do UTCTC. UTCTC là một trong những ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao hàng đầu trong số các loại ung thư ở phụ nữ, chỉ sau ung thư vú.

Các dấu hiệu cảnh báo

Theo Trung tâm nghiên cứu và phát hiện sớm ung thư, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến khi các tế bào cổ tử cung bất thường trở thành ung thư và khi bệnh đã diễn biến xấu hơn, người phụ nữ sẽ thấy một trong những triệu chứng sau đây:

- Chảy máu âm đạo bất thường: giữa các chu kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục, rửa hoặc khám khung chậu, các kỳ hành kinh dài hơn bình thường và chảy máu sau khi mãn kinh.

- Chảy dịch âm đạo nhiều.

- Đau vùng khung chậu - phần bụng dưới, không liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt.

- Đau khi quan hệ tình dục.

ung thu co tu cung

Theo các nhà khoa học, những thay đổi tiền ung thư và ung thư sớm của cổ tử cung không gây đau. Vì thế, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP smear) nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để được điều trị kịp thời.

Tiêm vắc xin ngừa HPV - cách hữu hiệu phòng ngừa UTCTC

Hiện nay, tiêm vắc xin ngừa HPV là cách phòng ngừa chủ động rất hữu hiệu và an toàn để phòng tránh UTCTC.

Cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin trong vòng 6 tháng cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục.

Cùng với sàng lọc phát hiện và điều trị sớm UTCTC, tiêm vắc xin ngừa HPV cùng đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong do UTCTC ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi mà đa số phụ nữ chưa được tiếp cận với chương trình sàng lọc.

Vắc xin ngừa HPV được phê duyệt cho sử dụng ở người vào tháng 6 năm 2006 tại Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, vắc xin ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2008. Tháng 4 năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức đề nghị đưa vắc xin ngừa HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tính đến nay, hơn 200 triệu liều đã được phân phối ở hơn 140 quốc gia trên toàn cầu. Vắc xin ngừa HPV là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, và đã được chứng minh là một vắc xin có độ an toàn và hiệu quả cao qua các thử nghiệm lâm sàng và thực tế sử dụng.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã chứng minh vắc xin ngừa HPV an toàn, hiệu quả và được khuyến khích tiêm chủng rộng rãi để phòng ngừa UTCTC tại Hoa Kỳ.

LINH LAN
Ý kiến của bạn