Cây Hồng Diospyros kaki T. họ Thị (Diospyros). Là loại cây sống ở vùng ôn đới nên khi du nhập vào Việt Nam nó sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những khu vực có khí hậu mát mẻ quanh năm. Cây hồng đã có mặt ở Đà Lạt (Lâm Đồng) từ lâu, nhưng trước đây người dân chủ yếu thu hoạch hồng chín để bán, làm mứt hoặc sấy khô. Mỗi năm cứ vào tháng 7 cho tới tháng 11 khắp các chợ lớn nhỏ trong thành phố Đà Lạt nơi đâu cũng ngập tràn hồng. Hồng dòn Đà Lạt có vị ngọt ngọt, thơm thơm, khi chẻ ra những miếng vừa ăn, cho vào miệng nhai nghe dòn rôm rốp.
Trên thị trường, có 2 loại chính:
Giống (cultivar) hồng mòng (Hachiya) có dáng con cù với lượng tannin cao khi còn xanh nên vị chát. Phải đợi thật chín mềm mới ăn được.
Giống hồng dòn(Fuyu) có nguồn gốc từ Nhật Bản, hình dẹt, hơi vuông, quả khi chín màu vàng cam, thịt quả màu vàng sáng, dòn, không chát. Lượng tannin tuy không kém giống hồng mòng nhưng trong quá trình chuyển từ xanh sang chín, giống hồng giòn mất tannin rất nhanh nên trái có thể ăn được sớm hơn khi còn dòn.
Quả hồng chứa 12 - 16% đường, chủ yếu là đường glucose và fructoze, lượng acid thấp 0,1%. Trong 100g thịt quả có chứa 0,16mg caroten, 16mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin PP, B1, B2 và các hợp chất hữu cơ… Quả hồng được dùng rộng rãi để ăn tươi cũng như phơi khô. Trong khi phơi khô chúng được phủ một lớp đường và lượng đường có thể tăng đến 60 - 62%. Quả hồng còn dùng để làm thuốc.
Quả hồng ngâm rượu uống là một vị thuốc bổ để chống suy nhược. Tai quả phơi hoặc sấy khô gọi là “thị đế” dùng chữa ho, nấc, đầy bụng. Khi làm mứt, đường tiết ra gọi là “thị sương” có đường manit dùng chữa đau và khô cổ họng. Nước ép từ quả hồng chưa chín phơi hay sấy khô gọi là “thị tất” dùng chữa huyết áp cao…
Quả hồng nhiều tác dụng tốt
- Ruột màu vàng của trái hồng cho biết nó có chứa nhiều beta-caroten, giúp chúng ta củng cố thị lực và ngăn ngừa lão hóa. Beta-caroten đặc biệt quan trọng đối với người hút thuốc lá, vì nó giúp ngăn ngừa sự hình thành ung thư phổi.
- Ngoài beta-caroten, trong quả hồng còn có khá nhiều vitamin C (giúp cơ thể chống đỡ với các loại virút), vitamin PP (chống đỡ sự mệt mỏi, trầm cảm, cũng như cải thiện sức khỏe làn da và tóc), magiê (cần thiết cho tim hoạt động tốt), sắt (giúp da hồng hào và duy trì thành phần đúng của máu), kali (củng cố thành mạch máu) và iod.
- Tuy nhiên, cái quý nhất của quả hồng là đường thực vật rất bổ ích đối với người bị bệnh tim mạch.
- Ngoài ra hồng còn có tác dụng lợi tiểu nhẹ, bởi vậy những người bị bệnh cao huyết áp được khuyên nên ăn hồng. Chỉ cần 3 - 4 quả hồng mỗi ngày có thể giúp làm ổn định huyết áp mà không cần dùng thuốc.
- Hồng còn được sử dụng khi bị các bệnh về dạ dày, đặc biệt khi bị rối loạn đường ruột. Người ta còn sử dụng hồng đắp vào vết thương và vết bỏng để lên sẹo nhanh, vì hồng có tác dụng diệt khuẩn tốt.
- Quả hồng ngọt giúp chế ngự cơn đói rất tốt mà vẫn không có nhiều calori, bởi vậy các nhà dinh dưỡng khuyên những người thừa cân nên bổ sung hồng vào khẩu phần ăn của mình.
- Hồng rất bổ ích cả dưới dạng tươi và sấy khô. Hồng sấy khô có vị giống với nho khô. Tất cả các loại hồng đều thích hợp để sấy khô, nhưng loại không hột là tốt nhất.
Như vậy hồng dòn là trái cây rất tốt về mặt dinh dưỡng.
Vậy tại sao hồng gây tai hại cho ruột?
Trong thành phần của quả hồng còn có chứa chất tannin - chất chát và chất pectin. Khi ăn hồng xanh hoặc độ chín chưa tới, người ăn thường thấy có vị chát. Tannin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Ăn quá nhiều, nhất là lúc đói thì các chất tannin, pectin cộng với hàm lượng chất xơ trong quả hồng tương đối cao (100g hồng có 2,5g chất xơ) sẽ kết tụ dưới tác dụng của acid dạ dày; dễ khiến đầy bụng, khó tiêu, thậm chí còn có cảm giác buồn nôn, nôn mửa… Ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột. Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý: nếu không cẩn thận những chất có trong quả hồng lại biến thành chất hại cơ thể.
Vì vậy, chỉ nên ăn hồng vào lúc no và chỉ nên ăn trái chín - không ăn trái xanh.
Khi ăn không nên dùng chung với những thực phẩm quá nhiều chất đạm khiến việc tiêu hóa chậm hơn, dễ tạo đông vón thực phẩm.
Đối với người hay táo bón, hệ tiêu hóa không tốt; trẻ nhỏ ăn vội, nhai không kỹ hoặc người đã có tổn thương ruột, có tiền sử phẫu thuật ở vùng bụng, đặc biệt là dạ dày thì không nên ăn loại trái này. Nếu có ăn cũng nên ăn ít hoặc chuyển sang ăn hồng chín sẽ tốt hơn.
Đặc biệt, người cao tuổi răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm nên khi ăn quả hồng sẽ càng làm cho nhu động ruột chậm hơn. Thực phẩm dễ tạo thành những cục đông vón thành bã thức ăn, khi không thải được ra ngoài dễ làm tắc ruột.
Cũng nên coi chừng quả thị
Ngoài hồng, có một trái cây khác cũng cần lưu ý khi ăn, vì có thể gây tai hại cho dạ dày, đó là quả thị.
Trong y sử cũng đã đề cập một số bệnh nhân bị chứng sỏi thị dạ dày do ăn trái thị.
Cầm quả thị vàng chín đưa lên mũi khó mà cưỡng nổi mùi thơm ngào ngạt của nó, chỉ muốn cho ngay vào miệng và đây là điều tai hại nếu không biết dùng đúng cách.
Quả thị có tên khoa học là Diospyros decandra Lour. Quả tròn, màu vàng, mọng nước và thường chia thành 6 - 8 múi. Quả thị chín ăn ngon nếu biết cách ăn (xoay quả và bóp nhẹ cho đến khi thịt quả mềm ra và nứt ra một khe nhỏ thì cho lên miệng hút). Trong một nghiên cứu gần đây, khi so sánh 19 loại trái cây trong đó có nhiều loại trái có mặt ở Việt Nam thì tác giả nhận thấy hàm lượng flavonoid tương đối cao. Flavonoid là một trong những hoạt chất tự nhiên có mặt rộng rãi nhất trong thực vật và là phân nhóm quan trọng trong các hợp chất phenol. Flavonoid có nhiều tác dụng được biết đến như: chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống lão hóa. Nghiên cứu cũng cho thấy quả thị có tác dụng chống oxy hóa nhẹ, bổ sung vitamin C và đường. Ngoài ra, trong một nghiên cứu khác cho thấy quả thị có tác dụng bổ máu, kháng khuẩn, kháng nấm và kháng sốt rét.
Như vậy, quả thị cũng khá hấp dẫn về mặt dinh dưỡng. Tại sao ăn thị lại gây tai hại cho dạ dày?
Có thể hiểu như sau: sỏi thị ở dạ dày là do ăn trái thị lúc đói, trong trái thị có nhiều tanin, gặp acid trong dạ dày kết lại thành khối, cứng lại như đá không tiêu.
Trong sách Thiên gia diệu phương có nêu một số bệnh án sỏi thị dạ dày và bài thuốc để trị sỏi thị dạ dày có hiệu quả, đó là bài thuốc Tiêu trệ thang (kê nội kim 15g, tiêu tra 30g, đào nô 12g; sắc, thêm đường đỏ uống). Sau khi uống thuốc nửa giờ, bệnh nhân thấy trong dạ dày khó chịu, bứt rứt, muốn nôn, sau đó khoảng hai giờ, đột nhiên thấy dễ chịu, muốn ăn. Hôm sau uống tiếp 1 thang, uống xong, cảm thấy muốn ăn tăng lên, không thấy đau, tinh thần tốt. Lại sờ khám vùng bụng, không thấy khối u gì nữa, sau đó X-quang dạ dày ruột, không thấy dị vật trong dạ dày… Trong Tiêu trệ thang, kê nội kim, tiêu tra có tác dụng phá khối cứng, tiêu khối tích; đào nô thiên về tiêu trầm tích, phá kết thạch không có gì cứng mà không công phá được. Ba thứ cùng nhau tăng cường sức tiêu phá, khối cứng, do đó có thể chữa được bệnh này.
Qua các trường hợp ăn trái hồng và thị dẫn đến tắc ruột, sỏi dạ dày, có thể nhận thấy:
Hai loại trái cây này đều có tannin (chất chát), làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột… Ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột (trái hồng) hoặc tannin, gặp acid trong dạ dày kết lại thành khối, cứng lại như đá không tiêu (trái thị).
Không chỉ 2 loại trái này mà những cây trái có nhiều tannin, khi ăn, cần lưu ý không ăn nhiều nhất là loại còn xanh (chứa nhiều tannin).
Chỉ nên ăn hồng vào lúc no và chỉ nên ăn trái chín - không ăn trái xanh.