Hà Nội

Những điều không thể bỏ qua về Lao màng não ở trẻ em

20-01-2018 10:11 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS -Theo Ths.BS Nguyễn Thị Ngoạn - BV Phổi T.Ư, ở trẻ em, lao màng não thường gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ càng nhỏ thì càng dễ mắc. Lao màng não có tỷ lệ tử vong rất cao, chiếm tới 30%. 50% số sống sót để lại di chứng nặng nề về tâm thần, về vận động, thị giác.

Theo Ths.BS Nguyễn Thị Ngoạn - Trưởng khoa Nhi BV Phổi T.Ư, mỗi năm, Khoa Nhi BV Phổi T.Ư tiếp nhận và điều trị cho khoảng 30 em bị lao màng não, chiếm khoảng 10%/tổng số ca lao ở trẻ em vào điều trị tại khoa.

“Lao màng não có tỷ lệ tử vong rất cao, chiếm tới 30%; 50% số sống sót để lại di chứng nặng nề về tâm thần, về vận động, thị giác; còn lại khoảng 20% khỏi hoàn toàn do trẻ được chuẩn đoán phát hiện sớm bệnh”, BS Ngoạn cho biết.

Ở trẻ em, lao màng não thường gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ càng nhỏ thì càng dễ mắc. Lao màng não là biến chứng nặng và xảy ra sớm của lao sơ nhiễm. Khi trẻ có tiếp xúc với nguồn lây, hít phải vi khuẩn lao và gây sơ nhiễm tại phổi, nếu không được phát hiện và điều trị tốt từ giai đoạn này sẽ có thể biến chứng lao màng não. Ngoài ra, khi trẻ mắc lao kê ở phổi, vi khuẩn lao sẽ lan tràn theo đường máu đến lưu trú tại não gây tổn thương não, màng não và nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

Biểu hiện bệnh không đặc trưng

Biểu hiện lao màng não giai đoạn đầu thường không đặc trưng, trẻ quấy khóc, ăn kém, mệt mỏi, sốt cao 39-400C, có thể sốt nhẹ nếu trẻ suy dinh dưỡng sau đó xuất hiện đau đầu (trẻ lớn), nôn, co giật, thóp căng (trẻ nhỏ).

“Đa số các bé vào đây đều có chẩn đoán ban đầu là viêm đường hô hấp trên, viêm họng, viêm phế quản phổi, viêm mũi họng... Hoặc có những em khởi đầu bị tiêu chảy được chẩn đoán là rối loạn hoặc tiêu chảy cấp đến khi xuất hiện triệu trứng điển hình như co giật mới nghĩ đến bệnh lý của não, màng não”, BS Ngoạn nói.

Ths.BS Nguyễn Thị Ngoạn thăm khám cho bệnh nhân nhi điều trị tích cực Lao màng não tại BV Phổi Trung ương

Khó chẩn đoán lao màng não

BS Ngoạn cho biết, chẩn đoán lao màng não ở trẻ em gặp nhiều khó khăn, bởi thiếu “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán. Ở lao trẻ em nói chung và lao màng não rất khó tìm thấy vi khuẩn lao gây bệnh, mà triệu chứng bệnh chỉ biểu hiện rõ khi trẻ ở giai đoạn nặng.

Trước đây, các bác sĩ tiến hành lấy dịch não tủy xét nghiệm nuôi cấy để tìm bằng chứng về vi khuẩn gây lao màng não, nhưng thời gian cấy cho kết quả chậm, từ 6-14 ngày, có khi lên đến 50 ngày, nhưng tỷ lệ cũng chỉ có khoảng 30% xét nghiệm tìm ra vi khuẩn dương tính.

Những năm gần đây, Chương trình chống lao Quốc gia đã quan tâm và ưu tiên nhiều hơn cho chương trình lao trẻ em. Ưu tiên sử dụng các phương pháp hiện đại như  phương pháp Gene -Xpert để chẩn đoán lao ở trẻ em nhằm tầm soát tăng tỷ lệ phát hiện, điều trị và hạn chế tử vong do lao. Đây là một kỹ thuật hiện đại, xác định vi khuẩn lao với độ nhạy rất cao, cho kết quả nhanh trong vòng 2h. Nhờ phương pháp này, bệnh nhân được phát hiện và điều trị lao sớm, hạn chế di chứng và tử vong (nếu có bệnh).

Phòng và điều trị lao màng não

Lao màng não nếu phát hiện và điều trị muộn di chứng sẽ rất nặng nề như thiểu năng trí tuệ, rối loạn tính tình, vô kinh, đái tháo nhạt, liệt nửa người, liệt tứ chi, động kinh, mù mắt, thiểu năng trí tuệ.

Về điều trị lao màng não, theo BS Ngoạn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian điều trị kéo dài 12 tháng hoặc hơn. Muốn điều trị bệnh có kết quả tốt thì cần chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Vì ở giai đoạn này tổn thương ở màng não và não nhẹ có thể phục hồi chức năng tốt sau quá trình điều trị.

Theo Bs Ngoạn, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ ngay trong tháng đầu tiên sau khi sinh; điều trị triệt để nguồn lây và phát hiện điều trị lao sơ nhiễm sớm.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn
Tags: