Hà Nội

Những điều ít biết về virus nCoV mới

01-02-2020 07:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngày 31/1/2020, WHO chính thức tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Nhân sự kiện này, Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cập nhật những điều ít biết cũng như đưa ra khuyến cáo nhằm ngăn ngừa sự lây lan của loại virus mới và nguy hiểm này.

Virus nCoV

Dịch viêm đường hô hấp cấp do do chủng mới của Coronavirusa (nCoV hay 2019-nCoV) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Nó được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 21 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ghi nhận có trường hợp mắc virus này.

Tính đến đầu giờ sáng ngày 31/1/2020, số người mắc bệnh trên toàn thế giới là 9.807 trường hợp, 213 tử vong. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh là 5, trong đó có 2 công dân Trung Quốc (01 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Virut Corona.

Coronavirus là gì?

Theo CDC, coronavirus là một họ virus lớn có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh thông thường. Hầu hết mọi người đều bị nhiễm coronavirus vào  một thời điểm nhất định trong cuộc đời và các triệu chứng thường từ nhẹ đến trung bình. Trong một số trường hợp, virus có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp dưới như viêm phổi và viêm phế quản.

Những loại virus này thường tồn tại trong các loài động vật, chỉ một số ít trong số này ảnh hưởng đến con người. Hiếm khi, Coronavirus có thể tiến hóa và lây lan từ động vật sang người. Đây là những gì đã xảy ra với các coronavirus được gọi là Coronavirus hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) và Coronavirus hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-Cov), cả hai đều được biết là gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

Coronavirus từ đâu ra?

Kể từ khi virus xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán ở những người đã đến thăm chợ hải sản và động vật địa phương Huanan, các quan chức Trung Quốc cho rằng nó lan truyền virus từ động vật sang người. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới, sau khi so sánh trật tự gen 2019-nCoV với trình tự gen virus lưu trữ, các nhà khoa học phát hiện thấy nó liên quan chặt chẽ nhất với hai loại coronavirus có nguồn gốc từ dơi, cả hai coronavirus này đều chia sẻ 88% trật tự di truyền với virus 2019-nCoV.

Dựa trên những kết quả này, các nhà khoa học cho hay 2019-nCoV có khả năng bắt nguồn từ loài dơi. Tuy nhiên, không có con dơi nào được bán ở chợ hải sản Huanan, điều này cho thấy có một loài động vật chưa được xác định khác là vật trung gian để truyền virus sang cho người. Nghiên cứu trước đây cho thấy rắn, được bán tại chợ hải sản Huanan, có thể là vật trung gian truyền 2019-nCoV. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại chỉ trích nghiên cứu này, và cho rằng coronavirus lây nhiễm từ rắn sang người là không chính xác.

Rắn và dơi là hai vật trung gian truyền virut Corona.

Virus mới đã có tên gọi chính thức chưa?

Cả virus và căn bệnh mà nó gây ra đều chưa có tên chính thức. Vào ngày 30 tháng 1, WHO đã đề xuất gọi căn bệnh này là "bệnh hô hấp cấp tính 2019-nCoV" còn virus có tên là "2019-nCoV"  (Trong các tên gọi này chữ 'n’ có thể hiểu là mới, còn ‘CoV’ là  coronavirus).  WHO sẽ cần tìm kiếm sự đồng thuận cho tên gọi chính thức của loại virut này từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông & Lương (FAO). Tuy nhiên WHO cho hay, quyết định cuối cùng sẽ được Ủy ban Quốc tế về phân loại virus quy định và công bố.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 29 tháng Giêng, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc gọi căn bệnh này là viêm phổi do coronavirus mới (2019-nCoV) hay còn gọi là NCIP. WHO không khuyến khích đặt tên virus mới theo vị trí địa lý, con người, loài hoặc nhóm động vật hoặc thực phẩm. Thay vào đó, WHO khuyến khích sử dụng các thuật ngữ mô tả của một bệnh, chẳng hạn như "bệnh hô hấp", cũng như "nghiêm trọng" hoặc "tiến triển". WHO cho rằng nếu một mầm bệnh được biết đến, thì nó nên được sử dụng như một phần cho tên gọi của căn bệnh này.

Virus 2019-nCoV có thể lây từ người sang người?

Theo CDC, virus được báo cáo lây lan từ người sang người ở nhiều nơi tại Trung Quốc và ở một số quốc gia khác. Vào ngày 30 tháng 1, CDC đã xác định trường hợp lây lan từ người sang người đầu tiên ở Mỹ. Về cách con người bị nhiễm virut, CDC cho rằng coronavirus có thể lây lan giữa người bị nhiễm sang người khác qua:

- Không khí (từ các hạt virus phát ra từ ho hoặc hắt hơi);

- Tiếp xúc cá nhân (chạm hoặc bắt tay);

- Đồ vật hay bề mặt có các hạt virut trên đó (sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt trước khi rửa tay);

- Hiếm khi nhiễm bệnh từ phân.

Corona virut có thể lây từ người sang người.

Vì sao WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu liên quan đến nCoV?

Để virus dẫn đến đại dịch, nó cần tới 3 điều: Lây nhiễm ở người hiệu quả, nhân lên nhanh, và sau đó lây lan dễ dàng từ người sang. Hiện tại, khoa học vẫn chưa rõ virut nCoV lây lan từ người sang người như thế nào. Để xác định mức độ lây lan, các nhà khoa học tính toán cái gọi là "chỉ số sinh sản cơ bản” hay R0. Để biết số người trung bình nhiễm virus từ một người mắc bệnh. Theo nghiên cứu được công bố ngày 29 tháng Giêng trên Tạp chí y học England Journal of Medicine (NEJM), ước tính R0 của coronavirus mới là 2,2, nghĩa là mỗi người nhiễm bệnh đã lây lan virus sang trung bình 2,2 người. Điều này tương tự với ước tính trước đây, đặt giá trị R0 trong khoảng từ 2 đến 3. (SARS ban đầu có R0 khoảng 3, trước khi các biện pháp y tế công cộng được áp dụng, tỷ lệ này giảm xuống mức R0 dưới 1).

Nói chung, một loại virus tiếp tục lây lan nếu nó có giá trị R lớn hơn 1, vì vậy các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn sự bùng phát phải đạt mục tiêu giảm R0 xuống dưới 1. Theo CDC, sự bùng phát của virus mới luôn luôn là vấn đề được ngành y tế quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, theo CDC, mức này ở Mỹ còn thấp, do số lượng người nhiễm còn ít, chủ yếu là các nhân viên y tế và những người có liên hệ gần gũi với người bị nhiễm nCoV. Ngày 30 tháng Giêng WHO tuyên bố dịch coronavirus mới là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Lý do chính cho tuyên bố nói trên là lo ngại, virus có thể bùng phát và lây lan sang các quốc gia có hệ thống y tế kém, nên nguy cơ lây nhiễm cao.

Các triệu chứng điển hình do corona virut gây ra: Sốt, ho, khó thở và đau họng.

So sánh virus nCoV với SARS và MERS

MERS-CoV và SARS-CoV đều được biết là gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ở người. Không rõ coronavirus mới có nghiêm trọng như thế nào, nhưng thực tế nó đã gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong, còn một số bệnh nhân khác thì ở thể nhẹ. Theo CDC cả ba coronavirus có thể truyền giữa người với người thông qua tiếp xúc gần gũi.

MERS-CoV được báo cáo lần đầu tiên năm 2012 tại Ả Rập Saudi và ở Bán đảo Ả Rập lan truyền do tiếp xúc với lạc đà bị nhiễm bệnh hoặc tiêu thụ thịt hoặc sữa của chúng. Còn SARS được báo cáo lần đầu tiên vào năm 2002 ở miền nam Trung Quốc (không có trường hợp mới từ năm 2004) và được cho là lây lan từ những con dơi bị nhiễm bệnh từ cầy hương. Các coronavirus mới có khả năng lây truyền từ việc chạm hoặc ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh ở Vũ Hán.

Ông Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và An ninh Nội địa Mỹ cho biết trong một cuộc họp báo vào thứ Ba (28 tháng 1) thì trong đợt dịch SARS, virus đã giết chết khoảng 1 trong 10 người bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ tử vong từ 2019-nCoV chưa được biết đến. Khi bắt đầu bùng phát, những trường hợp ban đầu được xác định là "sai lệch nghiêm trọng", có thể khiến tỷ lệ tử vong có vẻ cao hơn so với thực tế. Hầu hết các bệnh nhân đã chết vì nhiễm trùng đều đã ngoài 60 tuổi và mắc một số bệnh từ trước.

Làm gì để ngăn chặn lây lan virus-nCoV?

Chính phủ Trung Quốc đưa Vũ Hán và nhiều thành phố lân cận vào tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Nghĩa là người dân không được phép ra vào khỏi khu vực. Chính phủ Đài Loan và Hồng Kông đều cho biết họ không cho phép bất cứ ai từ tỉnh Hồ Bắc đến vùng lãnh thổ của mình. Chính phủ Trung Quốc đã cấm bán động vật hoang dã ở chợ, nhà hàng và trực tuyến. Ngày 28/1, CDC thông báo 15 sân bay của Mỹ bắt đầu sàng lọc virus đối với khách du lịch, nâng tổng số sân bay cần kiểm tra dịch bệnh ở Mỹ lên 20. CDC cũng khuyến nghị người dân nên tránh tất cả các chuyến du lịch không cần thiết đến Trung Quốc. Người Mỹ đã được sơ tán khỏi Vũ Hán và sẽ được theo dõi trong 14 ngày vì có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Theo CDC, cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm 2019-nCoV là tránh tiếp xúc với virut. CDC khuyến cáo nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không rửa sạch; Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; ở nhà khi bạn bị ốm và dọn dẹp và khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào. Nếu đi du lịch tới Trung Quốc, nên tránh tiếp xúc với người bệnh, tránh động vật chết hoặc sống, chợ động vật hoặc các sản phẩm đến từ động vật như thịt chưa nấu chín. Những người đi du lịch đến Trung Quốc và bị bệnh sốt, ho hoặc khó thở trong vòng hai tuần sau nên đi khám ngay và gọi điện trước để thông báo cho nhân viên y tế về chuyến đi mới nhất của họ khi tới Trung Quốc.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn