Những điều ít biết về nhạc sĩ Văn Ký

09-06-2018 06:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Văn Ký đã viết hơn 400 ca khúc, 2 ca cảnh, 1 tổ khúc giao hưởng vũ kịch. Ông đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” ngay đợt đầu tiên cho chùm năm bài hát: Trời Hà Nội xanh, Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về.

Bản chép tay Bài Ca hy vọng.

Nhạc sĩ Văn Ký.

Sức sáng tạo dẻo dai

Quê gốc của Văn Ký là ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sinh ra trong một gia đình có bốn anh em. Bố là thầy đồ dạy học ở làng, mẹ làm nghề nông. Gia đình nghèo nên khi mới lớn, bà nội đón Văn Ký vào Thanh Hóa nuôi, cho ăn học, chiều chiều đi chăn trâu cắt cỏ đỡ bà. Tuổi thơ của Văn Ký bình thường và nghèo khổ như bất cứ trẻ em nông thôn nào khác ngày ấy. Văn Ký say mê âm nhạc từ bé, khi học phổ thông đã rủ hai người bạn mua sách nhạc lý của “Tây” để cùng tự học. Năm 1946, lúc 18 tuổi đã sáng tác bài Trăng xưa - một tác phẩm âm nhạc đầu tay nói về mối tình lãng mạn tuổi học trò…

Nổi tiếng về âm nhạc, nhưng sự thành công ban đầu trên đường đời của Văn Ký lại là… quân sự. Năm 1943, khi mới 15 tuổi, ông tham gia hoạt động Việt Minh, bị địch bắt ông đã dũng cảm vượt qua đòn tra tấn dã man trong nhà tù của bọn tay sai thực dân Pháp, 18 tuổi ông trở thành đảng viên Cộng sản, rồi làm Huyện đội trưởng Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa lúc mới 20 tuổi… Sau đó chuyển sang quân đội. Vào quân đội, đóng quân ở đâu Văn Ký cũng đàn hát và hoạt động văn nghệ phong trào hăng say nên được cấp trên cho đi học lớp bồi dưỡng văn hóa văn nghệ ở liên khu, Bộ môn Âm nhạc. Có năng khiếu, lại được “gieo mầm” đúng chỗ, nên đã tạo nên một nhạc sĩ chuyên nghiệp có tên tuổi sau này. Với Bài ca hy vọng là một minh chứng rõ nét: Đã 60 năm trôi qua nhưng với người Việt Nam, đặc biệt là lớp sinh ra từ thế kỷ trước, cứ nói đến Bài ca hy vọng là người ta lại nói đến Văn Ký và ngược lại. Đủ thấy, lời ca và giai điệu của bài hát đã in sâu vào tiềm thức người Việt Nam như thế nào. Bài ca hy vọng được nhạc sĩ Văn Ký sáng tác năm 1958 khi đất nước còn bị chia cắt làm hai miền. Qua làn sóng điện Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và qua truyền miệng học lẫn nhau, bài hát đã vượt qua vĩ tuyến 17, vượt qua cả song sắt nhà tù của Mỹ Ngụy. Chị Nguyễn Thị Châu hoạt động trong phong trào sinh viên, bị bắt, ở trong tù, dù bị tra tấn cực hình, chị vẫn hát Bài ca hy vọng cho các tù chính trị nghe… Sau khi nước nhà thống nhất, trong một cuộc gặp gỡ tại Sài Gòn, ca sĩ Thái Thanh trải lòng nói với nhạc sĩ Văn Ký: “Trong này bọn em vẫn hát Bài ca hy vọng của anh. Bài này không nói về chính trị của miền Bắc nên tụi nó không cấm được”. Rồi Thái Thanh hát cho Văn Ký nghe khiến nhạc sĩ rất xúc động vì lần đầu được nghe người ca sĩ sống trong vùng địch kiểm soát trước đây hát Bài ca hy vọng.

Văn Ký kể cho tôi nghe về cuộc đời và xuất xứ nhiều bài hát do ông sáng tác thật là lý thú. Ở tuổi 90 (nhạc sĩ Văn Ký sinh năm 1928), mà trí tuệ minh mẫn, ông vẫn nhớ vanh vách và nói liền một mạch, không ngắc ngứ hay ngần ngừ suy nghĩ… Đặc biệt, khi tôi kể chuyện là gần đây, trong số các ca sĩ trẻ hát Bài ca hy vọng rất hay có ca sĩ Nguyễn Thảo. Ông đính chính luôn: “Nguyên Thảo chứ không phải Nguyễn”. Một hôm, tôi điện thoại nhờ ông xem lại giúp Tây Nguyên bất khuất được ông sáng tác chính xác là năm nào, 1959 hay 1960. Ông bảo tôi tắt máy chờ. Thế rồi vài phút sau đã nghe tín hiệu nhắn tin. Nhạc sĩ cho biết là 1959. Hóa ra cụ già 90 còn biết cả nhắn tin trên điện thoại di động!

Có trường hợp Văn Ký dựa vào nguyên mẫu để sáng tác. Đó là dịp “Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua” toàn quốc lần thứ 3 năm 1967 ông được mời tham dự. Văn Ký đã gặp và rất ấn tượng với bản báo cáo thành tích của cô giáo người Tày Tô Thị Rỉnh - Chiến sĩ thi đua toàn quốc và  “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” ra đời như thế đó.... vinh dự và tự hào với tác giả là bản Nà Pù - một bản người Mông của xã Tân Việt, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng - nơi có lớp học của cô giáo Tô Thị Rỉnh thì từ người già đến trẻ nhỏ, hầu như ai cũng thuộc lòng bài hát Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi. Thế nhưng, với Tây Nguyên bất khuất thì Văn Ký lại sáng tác hoàn toàn do tưởng tượng sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc và được nghe tiếng cồng chiêng hùng tráng của dân tộc Tây Nguyên qua những lần xem Đoàn văn công Tây Nguyên biểu diễn. Hai trường hợp khác nhau nhưng cả hai bài hát đều có giải thưởng. Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi đoạt giải thưởng của Bộ Giáo dục, Tây Nguyên bất khuất đoạt Giải Nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1960. Cả hai bài đều nằm trong danh sách 5 tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Sự ra đời và hiệu quả của một số bài hát do Văn Ký sáng tác gắn với nhiều giai thoại lý thú. Năm 1983, sau khi Tây Nguyên bất khuất ra đời được hai mươi bốn năm, tác giả mới có dịp vào thăm Tây Nguyên. BS. Y Ngông Niết Đăm, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk đón ông, hỏi: “Anh đã đến Tây Nguyên lần thứ mấy?”. Văn Ký cười thật thà: “Lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây”. “Còn tôi đã hát bài Tây Nguyên bất khuất từ năm 1960” - Bác sĩ Y Ngông Niết Đăm hồ hởi: “Đó là tiếng lòng của đồng bào Tây Nguyên với Đảng và Chính phủ mà anh đã nói hộ chúng tôi”. Thế rồi ông Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tác giả cùng song ca Tây Nguyên bất khuất. Tiếng hát sôi nổi lôi cuốn mọi người hát theo, thành một dàn đồng ca ngẫu hứng.

Cuối năm 1968, Nhà nước cho chọn một số nhạc sĩ sang Liên Xô học theo chương trình nghiên cứu sinh, trong đó có Văn Ký. Ông sáng tác Tổ khúc giao hưởng K’ Nhí gồm bảy chương để báo cáo tốt nghiệp và được Hội đồng Giám khảo đánh giá rất cao. Tác phẩm này không chỉ được Nhà hát Giao hưởng Việt Nam biểu diễn nhiều lần mà còn được dàn dựng và công diễn tại Nhà hát Giao hưởng Hale của Đức và từng được Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Nga công diễn trong Liên hoan Âm nhạc Quốc tế II và được tặng Bằng danh dự, được NXB Âm nhạc của Nga ấn hành dày 150 trang khổ lớn. Cuốn sách và tờ áp phích hiện còn được lưu giữ ở Bảo tàng Văn hóa Quốc gia Việt Nam.

Năm 1977, Văn Ký có dịp vào miền Nam. Say mê bởi vẻ đẹp lộng lẫy nắng vàng của vùng biển Khánh Hòa, ông ghi vội cảm xúc vào vỏ bao thuốc lá. Trong tâm trí ông, những ca từ như lời thơ tuôn trào: “Trong nụ cười và trong tiếng hát say mê. Cho em yêu tình yêu trong sáng. Cho em mơ mùa thu sang…”. Về Hà Nội, Văn Ký cho ra đời nhạc phẩm Nha Trang mùa thu lại về. Ca khúc đoạt giải thưởng của tỉnh Khánh Hòa và giai điệu của bài hát được chọn làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh truyền hình tỉnh Khánh Hòa.

Bản chép tay Bài Ca hy vọng.

Bản chép tay Bài Ca hy vọng.

Cả cuộc đời là “Bài ca hy vọng”

Văn Ký là người cởi mở và dễ gần, hòa đồng vui vẻ với mọi người và luôn hài lòng với cuộc sống. Văn Ký hào hứng kể, ông tiếp xúc và tập yoga qua sách vở từ năm 2000. Hiện nay, hàng ngày ông vẫn tập luyện yoga, mỗi buổi sáng ngồi thiền hàng tiếng đồng hồ. “Tôi cảm thấy nó làm thay đổi cơ thể, sức khỏe bền bỉ, không đau ốm. Còn vi tính đến với tôi khoảng mươi năm, tôi mày mò tự tìm hiểu và con cháu hướng dẫn thêm”. Chiều chiều ông vẫn mở máy xem báo mạng cập nhật tin tức, trao đổi thư điện tử. Bà Thanh Trầm, người bạn đời của ông về cõi vĩnh hằng năm 2008, hiện ông sống một mình trong căn nhà ở tập thể Hào Nam. Bạn bè, người mến mộ đến chơi thăm, ông luôn nắm chặt tay khách - một cái bắt tay tình cảm đằm thắm chân tình, không phải của cụ già 90 yếu đuối mà là cái bắt tay của một người có thể dục thể thao và giàu tình cảm, tràn đầy sức sống của Bài ca hy vọng!

Giờ đây, có ai hỏi về Bài ca hy vọng sáng tác 1958, bài hát đã khiến ông trở nên nổi tiếng, báo chí ca ngợi, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam dùng tên bài hát Bài ca hy vọng làm tiêu đề cho nhiều chương trình… thì nhạc sĩ Văn Ký luôn bình thản, ông nhỏ nhẹ vô tư: “Tôi không muốn đề cao. Mọi người cứ nhớ về bài hát, nhưng quên tôi đi cũng được!”.

Khi hỏi về những chặng đường sắp tới, cụ trả lời tự nhiên: “Vẫn sáng tác đều và… đi máy bay”. Bây giờ ta có thể gọi nhạc sĩ Văn Ký là… cụ được rồi, tuy cụ già 90 ấy vẫn tự chăm sóc cuộc sống cho mình, cụ già nhạc sĩ ấy vẫn sáng tác và vẫn để lại những khúc ca lay động lòng người: Năm 2012 - ở tuổi 84, Văn Ký có Thương nhớ dòng sông, Chiều Thăng Long. Năm 2014 - 86 tuổi, cụ có Xinh quá! Em Sơn La; Sáng Tây Hồ; Tiếng sáo diều; Bát Tràng quê em. Năm 2015, cụ có tới bốn bài hát mới: Quốc hội Việt Nam, Mộng mơ Vũng Tàu, Tây Hồ cổ nguyệt, Lời ru. Ở tuổi 89 - năm 2017, Văn Ký phổ thơ Bùi Phấn Tiếng nói của em, Lời ru xưa Quảng Ngãi yêu thương lời thơ Lê Chín. Và mới đây thôi, tháng 3 năm 2018, Văn Ký có hai nhạc phẩm: Đêm trăng Hạ LongDệt mùa thu xanh phổ thơ Hoàng Kim Đáng...

Ở Văn Ký, niềm hy vọng không bao giờ tắt, bởi vì theo Văn Ký con người ta còn hy vọng là còn tất cả. Cụ nhạc sĩ già chỉ cho tôi xem câu nói của một danh nhân mà cụ rất tâm đắc, tự tay viết vào tờ lịch. Cần nhấn mạnh là nét chữ của cụ già 90 không run, rất mạch lạc, dễ đọc: “Chỉ có hạnh phúc trong hy vọng mới là hạnh phúc thuần túy nhất, thấu triệt nhất, hoàn toàn nhất!”. Và quả thật - Hy vọng - đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình sáng tác âm nhạc và sự nghiệp của Văn Ký!


Nguyễn Ngọc Phan
Ý kiến của bạn