Ngày 2/4, đại diện Vườn quốc gia Phú Quốc cho biết thời gian qua đơn vị ghi nhận rái cá vuốt bé (loài nằm trong sách đỏ Việt Nam) vẫn còn phân bố và sinh sống ở sông Rạch Tràm (xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Rái cá vuốt bé được phát hiện ở Vườn quốc gia Phú Quốc.
Rái cá vuốt bé có thân hình ngắn, chắc hơn các loài rái cá khác, màng bơi không phủ hết ngón chân và có phủ lông, tai có nắp che lỗ tai, bộ lông màu nâu nhạt hoặc xám nâu. Chúng có đặc điểm nổi bật là chân nhỏ, không thò ra khỏi ngón, sống ở các vùng thủy vực, dọc nơi có rừng ngập mặn, nước lợ, suối.
Để ghi nhận sự tồn tại của loài rái cá này, các nhân viên Vườn Quốc gia Phú Quốc đã thực hiện khảo sát qua các sinh cảnh rừng, đặc biệt là dọc sông Rạch Tràm. Đội khảo sát sử dụng bẫy ảnh để ghi lại hình ảnh các loài động vật hoang dã. Thực hiện sơ thám qua các sinh cảnh rừng, đặc biệt là dọc theo sông Rạch Tràm (xã Bãi Thơm) để tìm dấu vết hoạt động của loài như: phân, dấu chân hoặc thức ăn của loài rái cá.Kết quả thu được, xác thực sự tồn tại của rái cá vuốt bé tại khu vực này.
Đơn vị thời gian qua đặt bẫy ảnh thu giữ được một số hình ảnh của một số loài quý hiếm như kỳ đà, diều hoa... và đặc biệt có loài rái cá vuốt bé còn sinh sống dọc sông Rạch Tràm.
Rái cá vuốt bé (tên khoa học là Aonyx cinerea) đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Rái cá vuốt bé có thân hình ngắn, chắc hơn các loài rái cá khác, màng bơi không phủ hết ngón chân và có phủ lông, tai có nắp che lỗ tai, bộ lông màu nâu nhạt hoặc xám nâu, phần bụng màu sáng hơn. Đặc điểm nổi bật là vuốt chân nhỏ, không thò ra khỏi ngón.
Hiện nay ở nước ta, rái cá vuốt bé phân bố ở Quảng Ninh, Quảng Trị, Bình Phước, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau. Trên thế giới, rái cá vuốt bé xuất hiện ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia...