Cuộc trường chinh ngoạn mục kéo dài 68 giờ của tàu Thần Châu 7 đã ghi tên Trung Quốc vào ngành vũ trụ thế giới. Trung Quốc - quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 3 trên thế giới sau Nga và Mỹ thực hiện thành công chuyến đi bộ ngoài không gian. Đây là bước mở đầu cho kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc là lắp đặt một phòng thí nghiệm, một trạm vũ trụ ngoài không gian và xa hơn là đưa con người khám phá mặt trăng...
Những con người làm nên lịch sử
Năm 2003 đánh dấu năm đầu tiên Trung Quốc đưa lên quỹ đạo tàu vũ trụ có người lái. Phi hành gia Vương Lợi Vỹ cùng với tàu Thần Châu 5 đã thực hiện chuyến đi 14 vòng quanh trái đất. Nhưng chuyến đi lần này, cuộc tuyển chọn phi hành gia trở nên gắt gao hơn bởi Thần Châu 7 sẽ bước những bước dài trong lịch sử với việc nhà du hành vũ trụ Trung Quốc đầu tiên sẽ thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian.
Trác Chí Cương bước chân ra khỏi tàu Thần Châu 7. Ảnh: AFP |
Trác Chí Cương tay cầm lá cờ Trung Quốc, bước từng bước ra khỏi tàu Thần Châu, hình ảnh này đã được truyền trực tiếp tới hơn 1 tỷ người Trung Quốc. Trác Chí Cương đã vẫy chào mọi người và nói: "Thần Châu 7 đã bước ra khỏi khoang tàu, sức khỏe tốt, xin gửi lời thăm hỏi tới nhân dân cả nước và nhân dân toàn thế giới". Nhiệm vụ của Chí Cương ở bên ngoài khoảng không chỉ kéo dài trong 20 phút để thu hồi các mẫu thiết bị thử nghiệm đặt ngoài khoang tàu. Hình ảnh này đã trở thành biểu tượng đánh dấu mốc quan trọng cho một chặng đường phát triển của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Sau gần 3 ngày làm việc trên vũ trụ, đoàn phi hành gia Trung Quốc đã trở về an toàn như những người anh hùng trong lịch sử. Họ sẽ phải trải qua 2 tuần cách ly để kiểm tra và phục hồi sức khỏe. Thủ tướng Ôn Gia Bảo theo dõi sự trở về của 3 nhà du hành vũ trụ và khẳng định: "Thần Châu 7 hoàn thành nhiệm vụ là một thắng lợi của ngành vũ trụ và công nghệ Trung Quốc".
Những sự kiện lần đầu tiên trong ngành hàng không vũ trụ
Đó là lần đầu tiên một người Trung Quốc đi bộ ra ngoài không gian, khẳng định tên tuổi cũng như vị thế mới của Trung Quốc trong ngành vũ trụ không gian của nhân loại. Nhà du hành vũ trụ Trác Chí Cương bước ra ngoài không gian với một chiếc áo vũ trụ do chính người Trung Quốc thiết kế và sản xuất. Trác Chí Cương và Lưu Bá Minh là hai nhà du hành vũ trụ vào buồng chuyển đổi áp suất song chỉ có Trác Chí Cương bước ra khoảng không. Trong khi đó Lưu Bá Minh trong bộ áo vũ trụ của Nga ở lại buồng chuyển áp để hỗ trợ Chí Cương trong tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là cuộc thử nghiệm chiếc áo vũ trụ có tên "Phi Thiên" trị giá 4,4 triệu USD (tương đương 30 triệu NDT) do chính người Trung Quốc nghiên cứu chế tạo. Chiếc áo này gồm 10 lớp và nặng tới 120kg, để mặc được chiếc áo này người phi công cần 14 tiếng đồng hồ thao tác trong điều kiện không trọng lượng. Bộ quần áo này không chỉ điều chỉnh áp suất, cung cấp ôxy cho người mặc mà còn tạo độ ẩm thích hợp cho da cũng như ngăn chặn những bức xạ có hại khi con người ra khỏi khoảng không... Để thực hiện chuyến đi trên quỹ đạo cách trái đất 343km, Trác Chí Cương đã phải buộc thân mình với 2 dây kim loại dọc thân tàu và di chuyển trong trạng thái không trọng lượng.
Nhiệm vụ của Thần Châu 7 không chỉ đưa con người lên quỹ đạo mà còn có một sứ mệnh vô cùng quan trọng là phóng một vệ tinh nhỏ khoảng 40kg ra ngoài khoảng không, di chuyển quanh quỹ đạo Thần Châu 7. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện kỹ thuật thả vệ tinh nhỏ trong quá trình tàu đang vận hành. Ngoài ra Thần Châu 7 còn tiến hành những thử nghiệm về chuyển tải dữ liệu vệ tinh...
Tham vọng của Trung Quốc
Lần thứ 2 trong lịch sử ngành không gian vũ trụ, Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái vào quỹ đạo. Đây là tiền đề để Cơ quan vũ trụ Trung Quốc đặt ra cho mình những mục tiêu tiếp theo trên con đường chinh phục vũ trụ. Trong tương lai Trung Quốc có thể tự lắp ráp, sửa chữa và tiến hành những thử nghiệm khoa học, hay ghép nối giữa hai tàu vũ trụ, kể cả tiếp tế hoặc hoạt động thí nghiệm thời gian dài trong vũ trụ... Dự kiến đến năm 2017 Trung Quốc sẽ đưa con người lên mặt trăng.
Trần Hải (Theo Tân hoa xã)