1. Vì sao trẻ hay bị viêm mũi dị ứng?
Cũng như người lớn, trẻ bị viêm mũi dị ứng là do niêm mạc mũi bên trong bị viêm. Quá trình này xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Mùa xuân là mùa của các loài hoa nở rộ, phấn hoa lan tỏa nhiều. Cùng với mưa phùn, độ ẩm không khí cao, nấm mốc, virus… nhanh phát triển. Đây là các yếu tố nguy cơ khiến cho các bệnh dị ứng dễ bùng phát, trong đó có viêm mũi dị ứng.
Nguy cơ viêm mũi dị ứng ở trẻ tăng lên còn do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh hơn. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi, ngạt mũi… Cơ thể khó chịu nên trẻ thường quấy khóc. Tuy viêm mũi dị ứng không phải là bệnh nghiêm trọng, nhưng nếu điều trị không đúng, không hiệu quả, bệnh có thể tiến triển thành các biến chứng viêm họng, viêm xoang, viêm tai giữa…
2. Biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ
Khi trẻ có dấu hiệu hắt hơi sổ mũi, nghẹt mũi… ngoài vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý thì không nên tự ý cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào. Trẻ em là đối tượng đặc biệt, rất nhạy cảm với thuốc, nếu dùng sai có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ hướng dẫn cách vệ sinh mũi và dùng các thuốc khác nếu cần thiết.
Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ. Dùng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng nhằm đạt mục tiêu giảm thiểu triệu chứng một cách tối đa và giảm thiểu tác dụng phụ. Các thuốc điều trị gồm dùng thuốc dùng tại chỗ và thuốc uống.
2.1 Các loại thuốc dùng tại chỗ
- Nước muối sinh lý (Natri Clorid 0.9%), là thuốc không cần kê đơn, có thể được sử dụng thường xuyên làm thuốc nhỏ mũi, vệ sinh mũi cho trẻ. Nước muối sinh lý có tác dụng làm loãng dịch mũi, giúp dịch dễ thoát ra ngoài. Nước muối sinh lý dạng phun xịt có thể làm sạch mũi sâu hơn, giúp thông thoáng đường thở cho trẻ.
- Thuốc nhỏ mũi co mạch: Các thuốc nhỏ/xịt mũi có tác dụng co mạch, giúp dễ thở như như oxymetazolin, naphazolin thường được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng. Nhưng cha mẹ không nên tự ý sử dụng cho trẻ vì nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ gây tím tái, choáng và các biểu hiện khác. Nhóm thuốc này cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng cũng như hàm lượng của thuốc.
- Thuốc nhỏ mũi chứa corticoid: Các thuốc nhỏ mũi chứa corticoid có thể được sử dụng rất hiệu quả đối với viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên khi sử dụng phải thận trọng và đúng cách. Việc sử dụng thuốc lâu dài không được khuyến nghị vì có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Thực tế lâm sàng đã ghi nhận trẻ em dưới 5 tuổi bị ngộ độc corticoid xịt mũi khi sử dụng cùng thuốc nhỏ mũi naphazolin. Cũng có một số trường hợp trẻ bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc corticoid xịt mũi lâu ngày. Do đó cha mẹ cho trẻ dùng thuốc cần phải tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ chỉ định cho từng trường hợp bệnh nhân vì không phải các bệnh nhân bị bệnh giống nhau đều sử dụng thuốc như nhau.
2.2 Thuốc uống điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ
Nhóm thuốc này chỉ được sử dụng cho bé khi có hướng dẫn và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa tai mũi họng.
- Nhóm kháng histamin: Gồm các thuốc loratadin, clorpheniramin, cetirizin được sử dụng rất phổ biến trong điều trị viêm mũi dị ứng. Thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng như sổ mũi, nhầy mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt, nhưng không có hiệu quả trong làm giảm tình trạng nghẹt mũi.
- Kháng sinh: Khi trẻ bị viêm mũi dị ứng có bội nhiễm vi khuẩn thì cần sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh chỉ được sử dụng sau khi bác sĩ khám và xác nhận trẻ có nhiễm khuẩn và kê đơn. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc về cho trẻ dùng để tránh các bất lợi nhiều hơn cho sức khỏe của trẻ.
- Glucocorticoid: Được bác sĩ chỉ định cho các trường hợp viêm mũi, viêm xoang nặng, mạn tính khi trẻ không đáp ứng với các thuốc điều trị khác. Đây là nhóm thuốc rất hiệu quả trong điều trị dị ứng, viêm và rất nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên thuốc có rất nhiều tác dụng phụ, phụ huynh cần nghiêm túc cho trẻ uống thuốc theo đơn.
3. Phòng ngừa viêm mũi dị ứng cho trẻ
Ngoài việc dùng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng cho bé, thì việc phòng ngừa bệnh rất quan trọng. Cần xác định tác nhân gây dị ứng cho trẻ để hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn chặn bệnh nặng hơn và tái phát nhiều lần. Trong gia đình có trẻ có cơ địa dị ứng, cần lưu ý các vấn đề sau đây:
- Hằng ngày vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Đặc biệt là sau khi trẻ đi học, đi chơi về và khi thời tiết giao mùa.
- Luôn vệ sinh phòng của trẻ sạch sẽ, thông thoáng.
- Ngăn không cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như phấn hoa, khói thuốc, khói bụi, lông chó, mèo…
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ trước và sau khi ngủ dậy.
- Hướng dẫn cho trẻ và tạo thành thói quen thường xuyên rửa sạch tay, nhất là trước và sau khi ăn. Không đưa tay lên mặt, không cho tay lên miệng, mũi…
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cân đối. Tăng cường rau và hoa quả tươi để cung cấp các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, tăng cường sức đề kháng.
- Đảm bảo cho trẻ ngủ đúng giờ, tốt nhất là đi ngủ từ 21 giờ (không cho trẻ thức sau 22 giờ).
- Trong những ngày chuyển mùa, cần đặc biệt chú trọng việc giữ ấm cho cơ thể trẻ, nhưng cũng không nên mặc quá nhiều quần áo khiến trẻ đổ mồ hôi, khó chịu cũng là nguyên nhân kích ứng cơn dị ứng.
Mời độc giả xem thêm video:
Viêm mũi dị ứng khi giao mùa.