Hà Nội

Những điều cần tránh khi sơ cứu chấn thương cột sống

29-04-2022 10:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Chấn thương cột sống nói chung chiếm khoảng 4-6% trong tất cả các chấn thương. Khi bị chấn thương này, bệnh nhân cần được xử lý đúng cách để không gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Chấn thương cột sống thường gặp trong sinh hoạt, lao động hằng ngày, trong đó, tai nạn lao động chiếm khoảng 20% và thường do té ngã từ trên cao và để lại di chứng yếu liệt rất nặng nề, tàn phế.

Người bệnh thường tốn kém chi phí cho điều trị, chế độ chăm sóc kéo dài, phục hồi chức năng. Đặc biệt, người bị tai nạn có thể mất mất khả năng sinh hoạt và lao động.

Thực tế cho thấy, việc sơ cứu, xử lý ban đầu trong chấn thương cột sống là vô cùng quan trọng.

1. Lý do dễ gây ra chấn thương cột sống

Chấn thương cột sống nói chung chiếm khoảng 4-6% trong tất cả các chấn thương. Chấn thương cột sống là một loại chấn thương thường gặp trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn thể thao... Khi bị những tai nạn này, bệnh nhân cần được xử lý đúng cách để không gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Có nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương cột sống, thường gặp nhất là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngã cao, tai nạn thể thao, vết thương cột sống do hỏa khí, ẩu đả…

Khi bị chấn thương cột sống có thể là chấn thương trực tiếp và chấn thương gián tiếp.

- Chấn thương trực tiếp: Bị vật cứng đập trực tiếp vào cột sống hoặc bị té ngửa làm ưỡn quá mức hay gập quá mức cột sống.

- Chấn thương gián tiếp có thể là tai nạn té ngã gập quá mức, duỗi ngửa quá mức hoặc kết hợp cả hai do tình trạng va đập, té ngã…

Các biến chứng của chấn thương cột sống nếu không được sơ cứu điều trị đúng thì có thể gây ra nhiều hệ lụy trong đó có thể gặp là loét chèn ép: hoại tử da do tì đè; nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng hô hấp; viêm tắc tĩnh mạch chi, co cứng chi; mất vận động…

Cần nghĩ đến chấn thương cột sống trong trường hợp tai nạn sau:

  • Có bằng chứng về chấn thương vùng đầu và/hoặc có rối loạn ý thức.
  • Ngã từ độ cao hơn 2 lần chiều cao nạn nhân.
  • Tham gia giao đấu thể thao, võ thuật.
  • Nạn nhân phàn nàn về cơn đau dữ dội vùng cổ hoặc lưng, không thể cử động cổ.
  • Chấn thương đã tác động một lực đáng kể vào vùng cổ hoặc lưng.
  • Nạn nhân than phiền về yếu, tê, liệt; đại, tiểu tiện không tự chủ; thở bụng hoặc co cứng dương vật.
  • Cổ hoặc cơ thể bị xoắn hoặc ở tư thế bất thường do thay đổi tư thế đột ngột.
Nguyên tắc sơ cứu chấn thương cột sống cần biết - Ảnh 1.

Diễn tập sơ cứu tai nạn giao thông xảy ra trên đường.

2. Dấu hiệu nhận biết chấn thương cột sống

Dấu hiệu của chấn thương cột sống tùy vào mức độ nặng nhẹ, tổn thương do trực tiếp hay gián tiếp có các biểu hiện khác nhau bao gồm:

Nếu biểu hiện lâm sàng không có tổn thương tủy, người bị chấn thương có các biểu hiện đau khu trú ở đốt sống bị tổn thương, có điểm đau chói tại chỗ. Hạn chế vận động, khi đó người bệnh đau nhiều khi đi lại, vận động cột sống khó khăn…. Biến dạng cột sống có thể thấy cột sống gồ ra sau, bầm tím và sưng nề tại chỗ, nếu có tổn thương ở cột sống cổ có đôi lúc nhìn như ngắn lại.

Nếu chấn thương cột sống có tổn thương tủy, có biểu hiện tổn thương từ D2, D10 có thể liệt mềm 2 chân, mất toàn bộ các loại cảm giác ( cảm giác đau, xúc giác) từ chỗ tổn thương trở xuống.

Nếu tổn thương từ D11, L1 có thể tủy liệt mềm 2 chân, chướng bụng do liệt ruột, mất cảm giác đau từ ngang nếp lằn bẹn. Nếu tổn thương từ L2 trở xuống có biểu hiện liệt 2 chân, hai chân teo nhanh, mất cảm giác ngang bẹn, vùng tầng sinh môn.

3. Cần sơ cứu đúng khi nghi ngờ chấn thương cột sống

Đứng trước một sự cố thấy người bị chấn thương có các biểu hiện nghi ngờ về cột sống bị tổn thương cần thực hiện các bước sơ cứu đúng.

Bước 1: Gọi Trung tâm Cấp cứu 115.

Bước 2: Nhẹ nhàng đặt nạn nhân nằm ngửa, duỗi thằng chân tay, tránh gập cổ và kiểm tra xem tình trạng tim còn đập, mạch cổ, tình trạng sức khỏe để sẵn sàng chuyển vào viện.

Bước 3: Cố định cột sống cổ. Cột sống cổ phải thẳng với trục cơ thể, có thể dùng 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn hai bên tai khi nạn nhân nằm.

Bước 4: Kiểm tra các vết thương chảy máu để cầm máu, băng ép bằng quần áo hay sợi dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người sơ cứu phải quấn băng quanh đầu họ để cầm máu nhưng luôn giữ đầu cố định.

Bước 5: Cố định các vết thương gãy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.

Bước 6: Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, ôtô, tuyệt đối không vận chuyển bằng xe máy; giữ tư thế đầu nạn nhân thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.

- Với bệnh nhân nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ, đặt đầu bệnh nhân nằm thẳng trục, ở tư thế trung gian (không cúi gập, ngửa hay xoay cổ) trên nền cứng (như miếng ván gỗ), chèn bao cát hai bên để chống xoay cổ hoặc tốt nhất là có bộ cố định cột sống cổ chuyên dụng.

- Đối với cột sống ngực và cột sống lưng, đặt bệnh nhân nằm ngửa trên cáng cứng hoặc nằm sấp trên cáng mềm nếu không có áo cố định chuyên dụng, sau đó cố định bệnh nhân vào cáng ở ba điểm: đầu, vai và ngang khung chậu.

Những việc cần tránh khi sơ cứu chấn thương cột sống

- Tuyệt đối không được: xốc, vác, cõng, vận chuyển bệnh nhân bằng xe đạp, xe gắn máy, xích lô, taxi… dễ làm tăng tổn thương cột sống của bệnh nhân.

- Tuyệt đối tránh loay hoay thăm khám tìm xem có tổn thương cột sống hay không vì việc này sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân, làm mất cửa sổ can thiệp.

- Tuyệt đối không lôi, kéo, lật trở bệnh nhân nếu không có nhiều người phối hợp hoặc làm không đúng phương pháp. Khi vận chuyển bệnh nhân, nếu không có cáng cứng phải có nhiều người cùng đứng một bên đỡ bệnh nhân để đảm bảo cho cột sống bệnh nhân vẫn được cố định.

Đối với trường hợp bệnh nhân nặng cần cấp cứu hồi sinh tim phổi hoặc trường hợp gãy cột sống cổ gây ngừng thở vẫn phải chú ý vừa cấp cứu theo các bước cấp cứu ngừng tim vừa kết hợp cố định tránh di lệch cột sống.

Nguyên tắc sơ cứu chấn thương cột sống cần biết - Ảnh 3.

Khai thông đường thở bằng cách dùng ngón tay nhẹ nhàng đẩy xương hàm và nâng về phía trước (hình 2a); không dùng kỹ thuật ngửa đầu nâng cằm (hình 2b).

Cách tiến hành hồi sinh tim phổi:

Nếu gọi bệnh nhân không thấy đáp ứng, không thấy thở khi đó cần gọi người hỗ trợ nhân viên y tế cơ sở gần nhất hoặc cấp cứu 115.

‎Cách cấp cứu ban đầu theo nguyên tắc khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo, hỗ trợ tuần hoàn.

‎- Kiểm soát đường thở

  • Làm thông nếu có tắc: nâng cằm, kéo lưỡi; móc hút bỏ dị vật (kể cả răng giả).
  • Lau khô đờm dãi và các chất tiết họng miệng, làm nghiệm pháp Heimlich.
  • Đặt bệnh nhân nằm trên nền phẳng, cứng, ưỡn cổ (đẩy trán, kéo cằm). Khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ thì chỉ nâng hàm dưới.
  • Dùng ngón tay nhẹ nhàng đẩy xương hàm và nâng về phía trước (hình 2a); không dùng kỹ thuật ngửa đầu nâng cằm (hình 2b).

‎- Hô hấp nhân tạo

  • Bằng cách thực hiện miệng – miệng hay miệng – mũi: trực tiếp hay gián tiếp (hai lần liên tiếp, mỗi lần thổi vào trong 2 giây).
  • Nếu thấy lồng ngực không nhô lên khi thổi vào, thổi nặng, phải xem lại tư thế đầu của bệnh nhân, có tụt lưỡi không.
  • Nếu không cải thiện, làm nghiệm pháp Heimlich để loại bỏ dị vật đường thở.

- ‎Hỗ trợ tuần hoàn bằng cách ép tim ngoài lồng ngực

Nếu không thấy có mạch đập, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Ban đầu dùng nắm tay đấm lên vùng tim 5 lần, sau đó cứ 30 lần ép tim liên tiếp lại thổi ngạt 2 lần (cho cả tình huống có 2 người cấp cứu trở lên). Vị trí ép 1/2 dưới xương ức, mỗi lần ép xuống khoảng 4 - 5 cm, hoặc bắt thấy mạch đập theo nhịp ép, tần số 80-100 lần/phút.

Chú ý người cứu:

  • Quỳ bên phải bệnh nhân, 2 tay dang thẳng, đặt cùi bàn tay trái ở dưới rồi đặt cùi bàn tay phải trên bàn tay trái.
  • Sau khoảng 1 phút cấp cứu, kiểm tra mạch cảnh trong 5 giây, nếu thấy có đập, dừng ép tim, đánh giá hô hấp, nếu bệnh nhân tự thở trở lại dừng thổi ngạt, theo dõi sát trên đường chuyển đến bệnh viện.
  • Cầm máu nếu bệnh nhân có vết thương mạch máu gây mất máu cấp…

Tóm lại: Chấn thương cột sống là một chấn thương nặng có thể gây tàn phế hoặc tử vong mà nguyên nhân thường do tai nạn giao thông, tai nạn trong quá trình thao tác lao động, té ngã từ trên cao xuống.

Vì vậy, người lao động, người tham gia giao thông cần tuân thủ an toàn lao động, luật giao thông theo đúng khuyến cáo, đúng quy định, quy trình nhằm đảm bảo an toàn lao động, phòng ngừa những sự cố tai nạn lao động đáng tiếc có thể xảy ra.

Đối với người lao động chú ý tuân thủ các hướng dẫn về an toàn lao động nghiêm ngặt, đặc biệt chú ý cảnh giác đảm bảo an toàn trong các trường hợp lao động dưới các điều kiện nguy cơ cao như leo trèo sửa chữa các vị trí cao, sửa tháng máy, các thao tác kỹ thuật lao động phức tạp không đảm bảo thăng bằng hoặc không có phương tiện bảo hộ chắc chắn.

Ngoài ra, cần thực hiện đúng Luật an toàn giao thông đường bộ khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu những tai nạn không đáng có.

Nhận biết một số bệnh cột sống thường gặpNhận biết một số bệnh cột sống thường gặp

SKĐS - Cột sống được xem như trụ cột chống đỡ sức nặng của trọng lượng cơ thể. Bệnh xương khớp, nhất là bệnh lý liên quan cột sống, tuy không chết người nhưng lại gây tàn phế rất cao.

Mời xem video được quan tâm:

Kỹ năng cứu đuối nước an toàn từ trên bờ mùa mưa bão.


TS. Lê Xuân Dương
Ý kiến của bạn